Doanh nghiệp BĐS nửa đầu năm: Hơn 65% báo lỗ, giảm lãi; lợi nhuận Vinhomes chiếm 63% toàn ngành

Thống kê trong hơn 100 doanh nghiệp BĐS đã công bố BCTC quý II, tổng lợi nhuận sau thuế mà nhóm này đạt được là 34.555 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận từ Vinhomes chiếm 63%. Mặt khác, có hơn 65% doanh nghiệp báo lỗ, lợi nhuận giảm trong 6 tháng.

Thống kê trong hơn 100 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đại chúng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, có 35 doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế tăng trưởng so với cùng kỳ (chiếm 34,3%), 52 doanh nghiệp báo lãi giảm (chiếm 51%) và 15 doanh nghiệp báo lỗ (chiếm 14,7%).

Tổng lợi nhuận sau thuế mà nhóm này đạt được khoảng 34.555 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nửa đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp báo lãi nghìn tỷ cũng như lãi tăng cao, phân hóa khá đều ở các phân khúc dân dụng và khu công nghiệp, trong đó, có 3 doanh nghiệp báo lãi nghìn tỷ, gồm hai doanh nghiệp họ “Vin” và Kinh Bắc, ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần so với cùng kỳ như An Dương Thảo Điền, Sunshine Homes, Sonadezi Giang Điền,... 

Lợi nhuận Vinhomes chiếm 63% tổng lợi nhuận BĐS, nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng trong khi thị trường gặp khó

Dù mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay mà hơn 100 doanh nghiệp BĐS trên đạt được tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, đạt 34.555 tỷ đồng, song, trong tổng số lợi nhuận mà nhóm thu về có khoảng 63% tới từ lợi nhuận của Vinhomes (VHM)

Nếu không tính lợi nhuận của Vinhomes, tổng lợi nhuận mà nhóm này thu về được là 12.918 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái

Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Vinhomes ghi nhận lãi sau thuế 21.637 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, tương đương thực hiện được 72% mục tiêu lợi nhuận năm. Doanh thu thuần đạt 62.132 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Vinhomes cho biết, các đợt mở bán thành công của dự án Vinhomes Ocean Park 2 và Vinhomes Ocean Park 3 với giá trị hợp đồng ký mới (doanh số) và doanh số chưa bàn giao đạt mức cao trong năm 2022 đã tạo tiền đề cho doanh thu lợi nhuận của Vinhomes trong năm nay. 

Top 10 doanh nghiệp BĐS báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC DN) 

Một doanh nghiệp khác thuộc họ Vin cũng góp mặt trong nhóm lãi sau thuế nghìn tỷ 6 tháng là Vincom Retail (VRE) khi ghi nhận doanh thu thuần  4.116 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.025 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 28% và 76% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận thuần từ hoạt động cho thuê trung tâm thương mại 6 tháng đạt 76%.

Lãi cao thứ ba sau Vincom Retail là Kinh Bắc (KBC) với mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay đạt 1.803 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2022, mức lợi nhuận trên cũng giúp doanh nghiệp thực hiện được 45% trong kế hoạch lợi nhuận 4.000 tỷ đồng mà công ty đề ra cho năm nay. Đây cũng là con số lãi bán niên lớn nhất của Kinh Bắc kể từ khi niêm yết vào năm 2009 đến nay. 

Ngoài các doanh nghiệp báo lãi nghìn tỷ, trong nửa đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp cũng có kết quả kinh doanh khởi sắc với mức lãi tăng trưởng mạnh.

Đơn cử như An Dương Thảo Điền (HAR) với mức lợi nhuận tăng gần 28 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 28,6 tỷ đồng.

Lý giải về sự tăng trưởng trên, doanh nghiệp cho biết, tại thời điểm kết thúc quý II/2023, công ty ghi nhận doanh thu tài chính tăng cao từ nguồn chia cổ tức từ công ty con, hoạt động thanh lý và cho vay ngắn hạn.

Do đó, dù doanh thu từ hoạt động kinh doanh thông thường có xu hướng giảm, do tình hình kinh tế nói chung và lĩnh vực BĐS nói riêng còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, doanh thu tài chính tăng mạnh kết hợp với việc công ty đã tất toán trước hạn các lô trái phiếu, không còn gánh nặng chi phí tài chính, dẫn đến lãi ròng tăng đáng kể so cùng kỳ.

Sunshine Homes (SSH) cũng xuất hiện trong nhóm lãi lũy kế 6 tháng tăng cao khi ghi nhận mức lãi 724,4 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần. Mức lãi này cũng giúp đơn vị vượt 6% mục tiêu lợi nhuận trong tổng số 450 tỷ đồng mà doanh nghiệp đã đề ra sau 2 quý đầu năm.

Riêng trong quý II, Sunshine Homes đạt doanh thu thuần 1.005 tỷ đồng, tăng gấp 7,6 lần. Trong quý, nhờ doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng BĐS tăng cũng như tiết giảm được phần lớn chi phí tài chính nên lợi nhuận thuần của doanh nghiệp tăng gấp 3 lần lên mức 573,9 tỷ đồng.

Bên cạnh các doanh nghiệp trên cũng còn một số đơn vị khác ghi nhận lãi tăng như Long Giang Land (LGL) đạt 33,7 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần); Sudico (SJS) đạt 69,3 tỷ (tăng gấp 2,5 lần); Thế Kỷ 21 (C21) đạt 18 tỷ đồng (tăng gấp 1,5 lần); Sonadezi Giang Điền (SZG) đạt 103,3 tỷ đồng (tăng gấp 1,2 lần),...

Ở một diễn biến khác, một số doanh nghiệp kinh doanh lãi trong khi cùng kỳ báo lỗ.

Trong đó có Nhà Đà Nẵng (NDN) lãi sau thuế 167 tỷ sau hai quý đầu năm, trong khi cùng kỳ lỗ 95 tỷ đồng nhờ tiếp tục ghi nhận doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng căn hộ dự án Monarchy Block B. Công ty đã vượt 5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Hay Ocean Group (OGC) cũng ghi nhận lãi sau thuế hơn 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 58,3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp báo lãi giảm, lỗ chiếm hơn 65%, hụt doanh thu từ hoạt động chính

Ngược chiều, có 67 doanh nghiệp báo lãi giảm sau 6 tháng, trong đó, nhiều đơn vị báo lỗ hơn trăm tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong nhóm này chủ yếu là các doanh nghiệp BĐS nhà ở, các doanh nghiệp thuộc nhóm môi giới.

Một số doanh nghiệp báo lỗ, lợi nhuận giảm trong 6 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC DN). 

Doanh nghiệp có mức lỗ lớn nhất là Novaland (NVL) khi lũy kế 6 tháng, Novaland lỗ sau thuế 611 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 1.818 tỷ đồng.  

Riêng trong quý II, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 772 tỷ đồng. Theo giải trình của doanh nghiệp, khoản lỗ này là do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến doanh thu giảm so với cùng kỳ (doanh thu thuần giảm 61%). 

Đây cũng là khoản lỗ quý thứ hai liên tiếp mà công ty ghi nhận, sau khi báo lỗ hơn 410 tỷ đồng vào quý I năm nay, và là hai khoản lỗ quý đầu tiên của Novaland kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2016.

Becamex TDC (TDC) cũng báo lỗ sau thuế lũy kế 6 tháng hơn 321,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 23,6 tỷ đồng. 

Riêng trong quý II, doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 281,6 tỷ đồng, trong cùng kỳ lãi 131 tỷ, đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp mà doanh nghiệp trên báo lỗ.

Khoản lỗ trên chủ yếu do doanh thu hầu hết các mảng kinh doanh đều giảm, giảm nhiều nhất là bất động sản còn 1/9 so với cùng kỳ. Trong kỳ, Becamex TDC còn phát sinh khoản lỗ hơn 106 tỷ đồng từ thanh lý, nhượng bán tài sả, đồng thời ghi nhận chi phí phạt do vi phạm hợp đồng hơn 128 tỷ đồng.

Cenland (CRE), một doanh nghiệp thuộc nhóm môi giới, có mức lợi nhuận giảm gần như 100% so với cùng kỳ, về mức 768 triệu đồng. Riêng trong quý II, Cenland ghi nhận doanh thu thuần 401 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 9,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 35% và 88% so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình về kết quả này, doanh nghiệp cho biết, thị trường bất động sản trong quý II tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn và các yếu tố không thuận lợi xuất hiện từ năm 2022. Mặc dù thị trường địa ốc và thị trường vốn đã có sự cải thiện so với quý I nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc, giao dịch vẫn chưa thực sự sôi động.

Ngoài ra nằm trong danh sách này còn có một số cái tên như Đầu tư LDG (lỗ 144,2 tỷ đồng); Đất Xanh Services (lỗ 61,2 tỷ đồng); Thuduc House (lỗ gần 20 tỷ đồng; Đất Xanh ghi nhận lãi sau sau thuế 6 tháng gần 40 tỷ đồng (giảm 94%); Becamex IDC đạt 106 tỷ đồng lãi (giảm 92%).