Khi thị trường chứng khoán khởi sắc là lúc các doanh nghiệp niêm yết nở rộ hoạt động tăng vốn nhằm bổ sung cho hoạt động kinh doanh, trong đó có công ty chứng khoán, ngân hàng hay bất động sản (BĐS).
Với riêng các doanh nghiệp BĐS, hoạt động huy động vốn nếu thành công sẽ giải bài toán về vốn thời điểm này khi kênh tín dụng bị hạn chế do vấn đề pháp lý của các dự án, trong khi phát hành trái phiếu không mấy dễ dàng. Phần khác vì hai nguồn vốn trên đều là nguồn cơn gia tăng áp lực chi phí lãi vay trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp BĐS niêm yết thực hiện phương án chào bán cổ phiếu hoặc trái phiếu, nhằm huy động vốn hàng nghìn tỷ đồng, như Đất Xanh, Phát Đạt, CII, Novaland, CEO...
Trong tháng 12, Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) sẽ chào bán 101,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 6:1. Giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động 1.220 tỷ đồng.
Số tiền thu được từ phát hành dùng phần lớn, đến 1.118 tỷ đồng, góp vốn vào CTCP Đầu tư kinh doanh Bất động sản Hà An (công ty con). Ngoài ra Đất Xanh dùng 101,5 tỷ đồng còn lại để thanh toán thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, chi phí hoạt động của tập đoàn.
Khi nguồn cung dự án thu hẹp, Đất Xanh đang phải cắt giảm hàng nghìn môi giới 9 tháng đầu năm. Mới đây Cục Thuế TP HCM công bố danh sách 198 doanh nghiệp đang nợ tổng cộng 8.080 tỷ đồng tiền thuế tính đến 31/10. Trong đó, Đất Xanh góp mặt với số nợ gần 206 tỷ đồng.
Về phần Hà An, tại ngày 30/9, Đất Xanh đang rót vốn gần 9.000 tỷ đồng và nắm giữ 99,99%. Hà An là chủ đầu tư dự án Gem Sky World tại Long Thành, Đồng Nai - dự án đóng góp trọng yếu vào kết quả kinh doanh của Đất Xanh trong hai năm qua.
Hà An công bố tình hình kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận sau thuế cả năm thu về chưa đến 60 tỷ đồng, giảm 96% so với số lãi 1.333 tỷ đồng của năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ 0,6%. Nợ phải trả của Hà An ghi nhận trên 13.800 tỷ đồng tại cuối kỳ. Trong đó công ty đang nợ trái phiếu 1.500 tỷ đồng.
Trong nhóm bất động sản, Phát Đạt (Mã: PDR) lên phương án chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu sau khi thu hơn 670 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ. Cụ thể, Phát Đạt dự kiến chào bán tối đa 134,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 5,5:1. Giá chào bán là 10.000 đồng.
Số tiền dự kiến thu được đạt 1.343 tỷ đồng, Phát Đạt rót vào Dự án Đầu tư phát triển khu đô thị tại phân khu số 2 và 9 thuộc Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội, tỉnh Bình Định (132 tỷ đồng); Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh (511 tỷ đồng); Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp (400 tỷ đồng). Số tiền còn lại sẽ được đầu tư vào Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và 2.
Trước đó, Phát Đạt cho biết đã hoàn tất đợt chào bán hơn 67,1 triệu cổ phiếu riêng lẻ trong ngày 22/11 với giá 10.000 đồng/cp. Phía mua là những "người quen" của Phát Đạt và có kinh nghiệm làm địa ốc lâu năm, hiện là đại diện pháp luật của các đơn vị nhưCTCP Đầu tư Bất động sản Du lịch An Điền,CTCP TPS Thành Phong, CTCP Khu du lịch và Khách sạn Bình Minh. Số tiền 671,6 tỷ đồng thu được, Phát Đạt sẽ dùng để trả gốc và lãi trái phiếu đã phát hành năm 2021 và 2022.
Cũng huy động tiền trên thị trường chứng khoán, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã: CII) thực hiện phát hành trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 10 năm cho cổ đông hiện hữu và dự kiến huy động tổng cộng 2.840 tỷ đồng (28,4 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 triệu đồng/trái phiếu).
Song, với cấu trúc cổ đông phân mảnh, chủ yếu là cá nhân trong nước, CII phải liên tục gia hạn thời gian nộp tiền cho cổ đông. Ban đầu CII thông báo thời gian phân phối là đến tháng 12/2023. Tuy nhiên, công ty quyết định gia hạn đến cuối tháng 1/2024 (lùi 1 tháng). Lý do đầu tiên là việc chưa thể sử dụng ngay nguồn tiền thu từ phát hành, dẫn đến công ty phải gửi không kỳ hạn ở ngân hàng, làm phát sinh thêm chi phí vốn.
Thứ hai, ban lãnh đạo nhận thấy tình hình khó khăn chung của thị trường và giá trị trái phiếu phát hành tương đối lớn, các nhà đầu tư/cổ đông cần thời gian để thu xếp vốn với các tổ chức tín dụng, tài chính. Như vậy, các nhà đầu tư/cổ đông của CII đang có những khó khăn nhất định trong ngắn hạn để đợt chào bán sớm hoàn tất.
Lô 2.840 tỷ đồng trái phiếu nói trên là loại trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần phổ thông, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền. Trái phiếu có thể được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông mỗi 12 tháng/lần, tỷ lệ chuyển đổi là 1:10, tức mỗi trái phiếu được chuyển đổi thành 10 cổ phần phổ thông.
Ngoài các trường hợp trên, Tập đoàn Novaland (Mã: NVL) cũng có kế hoạch huy động vốn từ thị trường chứng khoán với kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Song, mới đây công ty thông báo điều chỉnh trong loạt phương án nêu ra trước đó.
Cụ thể, tập đoàn của ông Bùi Thành Nhơn (cổ đông và Chủ tịch Hội đồng quản trị của Novaland) sẽ lấy ý kiến bằng văn bản từ ngày 13/12 đến 22/12 về việc điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP đã được thông qua trước đó, tổng khối lượng cổ phiếu đạt trên 2,9 tỷ đơn vị. Nội dung cụ thể của phương án điều chỉnh chưa được công bố.
Trước những tổ chức trên, Tập đoàn C.E.O (Mã: CEO) huy động được hơn 2.500 tỷ đồng sau khi kết thúc đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu và một số cá nhân (lượng cổ phiếu không phân phối hết).
Ngoài huy động vốn thông qua phát hành, không ít tổ chức hay lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, xây dựng còn thu hàng trăm tỷ đồng từ việc bán cổ phần trong bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc trong năm nay như Hưng Thịnh Incons, Phát Đạt, Đất Xanh, Hải Phát.