Được sự ủy quyền của Chính phủ, ngày 22/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Hiệp định Viện trợ cho Dự án viện trợ không hoàn lại “Hỗ trợ giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ” với trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho Nữ doanh nhân (We-Fi) ủy thác cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trực tiếp quản lý.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục tiêu của dự án nhằm xúc tiến tài trợ và tăng cường tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua việc sử dụng khoản viện trợ để tạo động lực khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia dự án tái cơ cấu khoản vay hoặc cấp khoản vay mới cho các doanh nghiệp đủ điều kiện.
Thông qua đó, dự án góp phần tạo điều kiện để doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có nguồn lực và thời gian để phục hồi sản xuất, kinh doanh từ đó giúp doanh nghiệp phát huy tối đa tiềm năng của mình trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Dự án được thiết kế và triển khai trên cơ sở và gắn với các cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 của Ngân hàng Nhà nước bao gồm Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 khuyến khích các tổ chức tín dụng tái cơ cấu khoản vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 của Ngân nhà Nhà nước trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng “tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.
Cơ quan chủ quản của dự án là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cơ quan thực hiện dự án là 5 ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2020 đến năm 2022.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng, đây là một trong những khoản viện trợ rất có ý nghĩa của ADB để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với các tác động của đại dịch COVID-19. Dự án viện trợ không hoàn lại này một lần nữa khẳng định vai trò đồng hành, hỗ trợ của ADB trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đại diện ADB cũng cho biết, để hỗ trợ bổ sung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đủ điều kiện được hưởng lợi từ khoản viện trợ, ADB cũng sẽ triển khai một chương trình tư vấn kinh doanh chuyên biệt để tăng cường năng lực và kỹ năng nhằm định hướng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh tác động kinh tế của COVID-19.
Dự kiến sẽ có ít nhất 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ hoàn thành chương trình tư vấn kinh doanh và kết quả hoạt động của doanh nghiệp sau khi hoàn thành khóa tư vấn kinh doanh sẽ được giám sát chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả của dự án trong việc tăng cường năng lực quản lý và phục hồi của các doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19.
Theo đại diện của ADB, lợi ích kinh tế của dự án có thể đến từ việc giúp các các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tránh phá sản, duy trì việc làm và tiếp cận tín dụng tại thời điểm các ngân hàng giảm cho vay.
Dự án này bổ sung cho chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ, được phê duyệt vào tháng 2 năm 2020, với sự chú trọng đặc biệt dành cho cả phụ nữ cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa.