Theo một nhà sản xuất hàng may mặc có trụ sở tại Hong Kong, việc chuẩn bị các phương án cho doanh nghiệp có thể linh hoạt trước tình cảnh xấu là vô cùng quan trọng. Nó giúp các đơn vị này có thể phòng ngừa được sự ảnh hưởng mạnh của cuộc chiến thương mại kéo dài không hồi kết thay vì đánh cược vào một biện pháp duy nhất.
Lever Style hiện đang tìm cách phân tán rủi ro chuỗi cung ứng của mình. Họ không chỉ đơn thuần là chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, theo lời của Chủ tịch điều hành là Stanley Szeto.
"Những điều cần làm, đó là tiếp tục hạn chế tối đa những sự mạo hiểm. Biết đâu đấy, vào năm tới, tổng thống Donald Trump có thể tiếp tục áp thuế có thể thực hiện các lệnh cấm vận với cả những nước khác thì sao?", Chủ tịch Hội đồng Dệt may Hong Kong Szeto cho biết.
Các công ty may mặc Hong Kong đang tìm những cách khác để chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại, thay vì chỉ tìm cách dịch chuyển sản xuất sang một nước thứ ba. (Ảnh: Justin Solomon/CNBC).
"Chắc chắn, chúng tôi đang xem xét nhiều quốc gia hơn để phân tán rủi ro địa chính trị hay các vấn đề liên quan đến lạm phát chi phí. Dẫu vậy, chìa khóa để giải quyết vấn đề ở đây là phải linh hoạt và nhanh nhẹn, như bạn có thể thấy", ông nói với CNBC vào thứ hai.
"Lever Style hiện đã dừng sản xuất tất cả các sản phẩm của mình tại Trung Quốc kể từ một thập kỉ trước. Đồng thời, họ cũng đã chuyển phẩn lớn hoạt động sản xuất của mình ra khỏi đất nước do vấn đề tăng chi phí", ông Szeto chia sẻ. "Bây giờ, công ty sản xuất sản phẩm của mình tại các đất nước khác thuộc Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia hay Indonesia".
Hoa Kỳ và Trung Quốc vào cuối tuần vừa rồi đã thực hiện "lời cam kết" của mình khi liên tiếp áp đặt mức thuế mới cho hàng hóa đối phương kể từ ngày Chủ nhật, đồng thời cũng kéo dài tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về cá nhân Lever Style, công ty này đang cố gắng thay đổi cách quản lí doanh nghiệp, cách quản lí nhà máy như làm việc với các đối tác sản xuất trong khu vực, thay vì hoạt động độc lập như trước. Các khách hàng của công ty gồm khá nhiều nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như Coach hay Paul Smith.
Trước đây, các doanh nghiệp thường phải xây dựng một loạt các nhà máy để có thể bắt tay vào sản xuất. Chính vì thế, họ mất nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường, tìm vị trí đất để đặt nhà máy, sau đó lại tốn thêm vài tháng tới vài năm để xây dựng cơ sở, thuê người.
"Nhưng vào lúc này, chúng tôi đang cố gắng tìm ra cách làm khác để mọi thứ trở nên dễ dàng hơn", ông Szeto trả lời CNBC. Các công ty có thể liên kết với những doanh nghiệp cùng ngành để vượt qua giai đoạn khó khăn.
"Sản xuất hàng may mặc là một ngành đặc thù, đòi hỏi nhiều lao động, một trong những yếu tố hạn chế chính sự linh hoạt của doanh nghiệp. Những thứ càng tốn nhiều công sức thì càng khó để mở rộng ra xung quanh với quy mô rộng lớn. Chúng tôi liên tục tìm hiểu, cân nhắc, đánh giá cũng như xem xét những sự hợp tác nào tốt nhất, để giúp doanh nghiệp tối đa hóa hiệu quả về chi phí cũng như rút ngắn thời gian tối đa".