Như chưa hề có chiến tranh thương mại, người Trung Quốc dẫm đạp nhau mua hàng hiệu ở siêu thị Mỹ ngày khai trương

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dường như chưa hề diễn ra, nếu nhìn vào cảnh đoàn người Thượng Hải nối dài đi vào cửa hàng đầu tiên của chuỗi siêu thị Costco tại Trung Quốc.

Siêu thị Mỹ thất thủ ở Trung Quốc vì bán đầy đủ hàng chất lượng cao giá rẻ

Gã khổng lồ siêu thị Mỹ Costco hoàn toàn bị "choáng ngợp" bởi đám đông kéo đến cửa hàng mới khai trương tại Thượng Hải hôm thứ 3 vừa qua. Các hoạt động buôn bán tại đây sớm phải đóng cửa vì lí do an toàn.

Nguyên nhân khiến Costco "thất thủ" là vì thông tin có một đợt giảm giá lớn tại đây được phát đi trên các phương tiện truyền thông xã hội. Các sản phẩm bán khuyến mãi rất đa dạng, từ túi xách thiết kế cho đến rượu hay giày. Điều này hoàn toàn trái ngược với tình cảnh của Carrefour hay Walmart, các cơ sở tương tự Costco, vốn đang bị ảnh hưởng bởi mua sắm trực tuyến.

d1b96a5a-c8ab-11e9-b4e3-f796e392de6b_1320x770_125443

Những mặt hàng xa xỉ được bày bán tại Costco với mức giá ưu đãi. (Ảnh: SCMP).

Người mua ngay lập tức bị thu hút bởi điều này, và họ cũng đã không bị thất vọng. 

Rượu Mao Đài - đặc sản của chính Trung Quốc, bán tại siêu thị Mỹ khai trương ở Thượng Hải, với giá 1.498 nhân dân tệ (209 USD), rẻ hơn khoảng 400 nhân dân tệ so với những nơi khác. 

Balo hàng hiệu MCM đến từ Hàn Quốc làm bằng da có giá bán lẻ là 4.399 nhân dân tệ, rẻ hơn 1.100 nhân dân tệ nếu mua tại Tmall – sàn thương mại điện tử của Alibaba. 

Túi tote bag hiệu Prada được bán "rẻ" với giá gần 14.000 nhân dân tệ. Ngay cả những chiếc túi Birkin nổi tiếng của Hermes cũng có sẵn.

Costco thậm chí còn điều chỉnh thực đơn khu ẩm thực của mình, để phù hợp với khẩu vị địa phương, Song, họ cũng không quên thêm bánh mì và pizza hải sản vào thực đơn, cùng với xúc xích - những món mang tính biểu tượng của nước Mỹ.

Chính vì cung cấp đầy đủ các mặt hàng chất lượng cao với giá rẻ khiến cho Costco không còn một chỗ trống ở bên trong cửa hàng. 

Chen, một người dân Thượng Hải, cho biết cảnh sát địa phương đã ra lệnh đóng cửa siêu thị vì không thể kiểm soát đám đông.

d1475816-c8ab-11e9-b4e3-f796e392de6b_1320x770_125443

Tấm biển ghi "Bãi gửi xe đã đầy. Sẽ phải mất ba giờ để chờ đợi" được nhân viên siêu thị cảnh báo người đến siêu thị. (Ảnh: SCMP).

"Mọi thứ thật hỗn loạn. Đám đông mua sắm xô đẩy nhau khi cùng lao vào giành lấy một món hàng. Ngay cả người bán cũng rất sợ hãi".

Thậm chí, nhân viên của siêu thị khuyên người tiêu dùng… không xếp hàng để vào cửa hàng. Họ giơ bảng hiệu, cho biết cần ít nhất ba giờ để tìm chỗ trống trong bãi đậu xe có 1.000 chỗ. Và cửa hàng đã phải đóng cửa sớm, khi mới 13h40.

Cửa hàng Costco tại Thượng Hải được đặt tại tòa nhà 4 tầng. Người tiêu dùng cần phải trả 299 nhân dân tệ (tương đương 40 USD), để có thẻ thành viên Costco, và có thể hưởng một số đặc quyền mua sắm, trong đó có thể được hưởng ưu đãi 30%.

"Tôi nghĩ rằng, bỏ ra khoản phí thành viên là xứng đáng. Bởi với 299 nhân dân tệ, chúng tôi có cơ hội ưu tiên mua rất nhiều hàng hóa có giá trị", ông Ben Zhou, người ghé thăm cửa hàng Costco, chia sẻ.

finalcial post

Người dân Trung Quốc hồ hởi mua hàng tại siêu thị Costco giữa những ngày cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng (Ảnh: Financial Post).

Costco đã tránh tiến thẳng vào thị trường bán lẻ của Trung Quốc. Chuỗi bán lẻ này bắt đầu cung cấp các tùy chọn giao hàng trực tuyến đến Trung Quốc cách đây khoảng 5 năm.

Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn khát vọng với hàng hóa Mỹ

Việc Costco xuất hiện tại Trung Quốc, ngay tại thời điểm xung đột về thương mại giữa Mỹ - Trung căng thẳng, là ví dụ điển hình để chứng minh mối quan hệ thương mại tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho đông đảo người tiêu dùng.

Nhà bán lẻ quốc tế này sở hữu tổng cộng 762 kho hàng trên khắp 11 quốc gia vào năm 2018. Cũng vào năm ngoái, trong một báo cáo của mình, PwC mô tả Trung Quốc là một sân chơi "phải chơi, phải thắng" với những chuỗi siêu thị của Mỹ.

Michael K. Spencer, nhà báo của Medium và cũng là tư vấn nội dung cho các startup, cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc thực sự là "tương lai của chủ nghĩa tiêu dùng và nền kinh tế toàn cầu".

QZ

Siêu thị Mỹ vẫn hút dân Trung Quốc như chưa hề có chiến tranh thương mại. (Ảnh: QZ).

"Trung Quốc đã chứng tỏ họ là chiến trường tàn khốc cho các nhà bán lẻ thực phẩm ở nước ngoài trong những năm gần đây, khi nhiều công ty thâm nhập vào nơi này không hiểu được thói quen và thị hiếu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp ấy phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đơn vị địa phương. Trung Quốc hiểu rõ về ngành bán lẻ, và người tiêu dùng nước này được đào tạo về nghệ thuật mua sắm", Michael nhận định.

Ông cũng đánh giá, Costco có thể thành công tại Trung Quốc hơn những "người đồng hương" như Walmart hay Amazon. 

"Phương pháp tiếp cận của họ khá tốt. Khi mà những Pindoudou hay Alibaba đang tập trung vào khu vực nông thôn, Costco lại làm điều ngược lại, hướng đến thị trường trung lưu trở lên. Chỉ cần có được sức mua một hay hai thành phố cao cấp tại Trung Quốc cũng đủ ngang bằng quy mô của khu vực Bắc Mỹ".

Michael cũng khẳng định: "Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn khát vọng với hàng hóa Mỹ".

bloomberg

Trung Quốc vẫn là thị trường mà Hoa Kỳ không thể bỏ qua. (Ảnh: Bloomberg).

Ví dụ tuyệt vời cho thấy các công ty Mỹ khó khăn thế nào để từ bỏ Trung Quốc

Xiao Lei, một chuyên gia tài chính có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết đây là một ví dụ tuyệt vời cho thấy các công ty Mỹ sẽ khó khăn như thế nào để từ bỏ quốc gia có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.

"Thị trường Trung Quốc vẫn có sức tiêu thụ lớn, đặc biệt đối với hàng hóa cao cấp. Sẽ rất khó để các tập đoàn Hoa Kỳ từ bỏ điều này. Vì vậy, Tổng thống Trump có thể cần xem xét lại lời kêu gọi yêu cầu các công ty Hoa Kỳ quay trở lại quê hương", ông nói.

Tuần trước, người đứng đầu Nhà Trắng đã đe dọa sẽ có những biện pháp để đưa các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc, theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977.