Lãnh đạo một doanh nghiệp có 14 năm theo đuổi lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn VNGroup chia sẻ, hiểu rõ được những vướng mắc về vấn đề pháp lý của lĩnh vực này.
Theo đó, mặc dù có từ 10 - 16 bộ luật điều chỉnh liên quan đến bất động sản nhưng các thủ tục pháp lý bất động sản nói chung và du lịch nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Các bộ luật điều chỉnh bất động sản nghỉ dưỡng đã nhiều lần được sửa nhưng vẫn chưa rõ ràng.
"Với những bất cập của bất động sản nghĩ dưỡng hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi luôn muốn bất động sản nghỉ dưỡng có một danh phận, tháo gỡ cả điểm nghẽn cơ chế cho loại hình này", ông Thành cho biết.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp cũng chia sẻ, việc đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng luôn khó khăn hơn đầu tư bất động sản nhà ở đầu tư vùng ven, nội đô do thường ở khu vực vùng biển, núi, vùng sâu, vùng xa.
Nhận định về thực trạng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng bắt đầu phát triển mạnh từ 2014. Thời điểm đó các nhà đầu tư đẩy mạnh phân khúc giá cao, trong đó tập trung vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên đến năm 2018, sau khi dự án Cocobay Đà Nẵng phải bỏ dở, tuyên bố không hoàn tất cam kết với các nhà đầu tư… phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng “lịm dần”.
Thời gian vừa qua, sau giai đoạn “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, độ nóng của bất động sản nghỉ dưỡng đã quay lại.
Ông Đặng Hùng Võ cho rằng rất cần một khung chính sách để phát triển được bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vì tiềm năng là rất lớn.
“Hiện, Luật Đất đai đang sửa, vậy đến lúc nào có khung pháp lý cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng?”, GS. Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tháo gỡ pháp lý, tạo điều kiện cho phân khúc bất động sản này.
Dịch Covid-19 đã khiến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nén lại, nhiều nguồn vốn của đất nước bị chôn ở đây, không giải tỏa được. Người dân góp vốn 2 - 3 tỷ USD nhưng mấy năm không lấy lại, gặp khó khăn về thu nhập, chi trả lãi suất. Do đó, việc thảo luận chính sách về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, đặc biệt condotel, là hết sức có ý nghĩa.
Về việc hệ thống luật pháp chưa theo kịp thực tiễn, gây ra xung đột, TS Trần Đình Thiên cho rằng cần phải nhìn nhận vấn đề này là bình thường và bình tĩnh tìm cách tháo gỡ, chứ không nên bức xúc quá.
Bên cạnh đó, tiến sỹ cho rằng cần làm rõ khái niệm bất động sản, bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, ví dụ khách sạn nói chung khác với condotel.
“Loại hình condotel chưa từng có ở Việt Nam, giống như đứa con lai giữa nhà ở và khách sạn, đây lại là hình thức đầu tư tài chính.
Gốc rễ vấn đề nằm ở các quan điểm về tài sản, sau đó là các luật lệ liên quan đến tài sản. Có lẽ cần phải học thêm kinh nghiệm từ nước ngoài”, vị chuyên gia nhấn mạnh cần xử lý sao cho không chồng chéo giữa các luật.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thứ nhất, thời gian qua công tác quy hoạch vẫn còn lúng túng trong vịệc gắn quy hoạch với sinh thái. Cần phát triển thêm sinh thái bất động sản vì làm condotel phải gắn với các dịch vụ đi kèm như vui chơi giải trí, y tế, thậm chí cả giáo dục.
Thứ hai là vấn đề về định danh, cần định danh các loại đất đai khác nhau.
"Condotel gắn với loại đất đai nào thì phải có định danh cho nó trong Luật Đất đai, sau đó các luật khác sẽ thể chế hoá kỹ hơn về quy định này”, chuyên gia nêu ý kiến.
Thứ ba là định giá bất động sản. Theo vị chuyên gia, cần có lộ trình bỏ khung giá đất và định giá đất theo giá thị trường giống như chứng khoán hiện nay, chỉ cần click vào hình ảnh trên bản đồ là biết được giá của lô đất đó.
Thứ tư, liên quan giao dịch đất đai và bất động sản, có hai kênh là giao dịch qua sàn và qua văn phòng đất đai. "Muốn làm gì thì làm nhưng không được tăng chi phí cho người dân. Cùng với đó, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt với đất đai và bất động sản là cần thiết, vì muốn phát triển tốt thị trường đất đai rất cần yếu tố minh bạch”.