Doanh nghiệp vướng căn cứ pháp lý để triển khai tiếp dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP HCM

Dự án có nguy cơ tạm dừng do chưa được ký kết phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian hoàn thành dự án, Trung Nam BT 1547 ước tính thiệt hại hơn 40 tỷ đồng chỉ trong 1 tháng.

Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 mới đây có văn bản gửi UBND TP HCM liên quan thiệt hại do tạm ngừng Dự án giải quyết chống ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (gia đoạn 1).

Doanh nghiệp này cho biết, thời gian thực hiện hợp đồng giữa UBND TP HCM và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã hết hạn từ ngày 26/6/2020, song UBND vẫn chưa ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

Chủ đầu tư thiệt hại “khủng” do dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng có nguy cơ tạm dừng - Ảnh 1.

Cống Phú Định. (Ảnh: Trung Nam Group).

"Do thời gian thực hiện dự án đã hết hạn nên không có cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai dự án. Trên tinh thần cuộc họp ngày 3/12/2020, UBND TP HCM có chỉ đạo không dừng dự án, nhưng khi Phụ lục Hợp đồng BT chưa được ký không biết sẽ triển khai dự án bằng cơ sở pháp lý nào. Nhà đầu tư rất lúng túng không biết xử lý tình trạng này", phía Trung Nam BT 1547 trình bày.

Theo đó, doanh nghiệp cho biết mỗi ngày trôi qua thiệt hại do việc chậm ký Phụ lục Hợp đồng BT và chậm bố trí vốn thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước rất lớn. Cụ thể gồm phí nhân công, máy móc thiết bị chờ việc, chi phí khấu hao vật tư biện pháp thi công, chi phí thuê kho bãi bảo quản các thiết bị chưa lắp đặt tại công trình, chi phí quản lý dự án, chi phí lãi vay… với tổng ước tính lên đến 45,645 tỷ/tháng.

Trung Nam BT 1547 cho rằng sẽ không chịu trách nhiệm nếu kéo dài thời gian hoàn thành dự án và dự án không thể tiếp tục triển khai, bởi lỗi này không xuất phát từ nhà đầu tư.

Từ đó, phía doanh nghiệp đề nghị UBND TP HCM sớm đăng ký làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ cho dự án tiếp tục thực hiện.

Chủ đầu tư thiệt hại “khủng” do dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng có nguy cơ tạm dừng - Ảnh 2.

7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh. (Ảnh: Trung Nam Group).

Dự án ngăn triều có tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, là dự án thủy lợi thuộc Quy hoạch 1547, được Thủ tướng phê duyệt nhằm chống ngập úng với giải pháp kiểm soát triều cường và chủ động hạ thấp mực nước kênh trục.

Dự án gồm 6 cống ngăn triều lớn (khẩu độ 40-160 m) là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m. Địa điểm xây dựng thuộc quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh.

Hồi tháng 4/2018, dự án phải dừng thi công trong gần một năm vì các lý do: Ngân hàng BIDV - chi nhánh Nam Sài Gòn không giải ngân (UBND thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn); liên danh tư vấn tố cáo chủ đầu tư sử dụng vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không đúng tiêu chuẩn từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công.

Hiện, tiến độ thi công ở từng hạng mục như sau:

- Cống Bến Nghé (đạt 94%), đã thi công xong thân cống, đang lắp đặt cửa van cống. Cống Tân Thuận (đạt 96%), thi công hoàn thiện âu thuyền, buồng bơm, bến neo phía quận 7, trụ tháp, cầu công tác, dầm van; đã lắp đặt một cửa van chính của cống.

- Cống Phú Xuân (đạt 97%), đã thi công xong trụ pin và trụ tháp, dầm van, cầu công tác; đã lắp đặt xong hai cửa van. Cống Mương Chuối (đạt 92%), đã thi công xong các trụ pin, tháp van, âu thuyền, dầm đáy, cầu công tác, đã lắp đặt được bốn cửa van chính.

- Cống Cây Khô (đạt 91%), đã thi công xong hạng mục trụ pin, dầm đáy, âu thuyền, cầu công tác, đã lắp đặt xong hai cửa van chính. Cống Phú Định (đạt 96%), đã thi công xong âu thuyền, buồng bơm, trụ tháp, dầm van, đã lắp đặt một cửa van chính của cống.

- Đê/kè (đạt 85%), tại tuyến đê bao ĐB1, ĐB2, ĐB3 đang tiến hành công tác hoàn thiện, tuyến ĐB4 đang thi công.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.