Đối thoại kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Ngày 31/5, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Buổi đối thoại nhằm thiết lập, duy trì kênh trao đổi thông tin giữa chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, giúp tỉnh Trà Vinh đạt nhiều thành tựu  trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Sáu tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP ước đạt 10,27%, đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 6 cả nước. Tuy vậy, quy mô nền kinh tế của Trà Vinh vẫn còn thấp. 

Toàn tỉnh hiện có 5.654 doanh nghiệp nhưng chủ yếu hoạt động ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, cùng với sự tác động của tình hình kinh tế thế giới,  thị trường đầu ra trong nước khiến nhiều doanh nghiệp chưa thích ứng với cơ chế thị trường. Số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng mạnh, trong khi số  doanh nghiệp thành lập mới giảm  so với cùng kỳ.

Ông Lê Văn Hẳn khẳng định: Chính quyền tỉnh Trà Vinh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách, chia sẻ, thường xuyên gặp gỡ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh UBND tỉnh Lê Văn Hẳn yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc ở lĩnh vực mình phụ trách; nhất là giảm thiểu thời gian và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các nhà đầu tư nêu nhiều ý kiến về những khó khăn cụ thể hiện nay tại  đơn vị, như vướng mắc về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của địa phương, việc giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính trong quá trình triển khai dự án…

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Hiệp Mỹ Tây (huyện Cầu Ngang) được UBND phê duyệt năm 2021, với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích gần 40 ha. Dự án do Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thuận Phát (TP HCM) làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng vào tháng 4/2022.

Khi hoàn thành, cụm công nghiệp này sẽ ưu tiên thu hút các ngành nghề sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, đồ gỗ phục vụ trang trí nội thất; vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất bao bì; giày da, dệt may; chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất phân bón; công nghiệp điện máy, điện tử; công nghệ chế tạo xe máy, máy kéo và một số ngành nghề khác.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện Công ty Thuận Phát chia sẻ, dự kiến cuối năm nay, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Hiệp Mỹ Tây sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có các nhà đầu tư thứ cấp đăng kí đầu tư vào đây.

Mới đây, để đa dạng hóa mô hình hoạt động, Công ty Thuận Phát đầu tư một nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Hiệp Mỹ Tây, nhưng phải qua rất nhiều thủ tục thẩm định mới được cấp phép xây dựng. Ông Nguyễn Ngọc Sơn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, địa phương hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục pháp lý, các chính sách liên quan để tạo điều kiện cho Cụm công nghiệp Hiệp Mỹ Tây thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh do CTCP TGS Trà Vinh Green Hydrogen làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích đất khoảng 21ha với tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Đây là dự án sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên được đầu tư tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đoàn Thành Công, Giám đốc dự án cho biết, do dự án được thực hiện ở gần bờ biển, hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển vật tư, thiết bị đầu tư… Vì vậy, đơn vị kiến nghị tỉnh Trà Vinh đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu vực này để tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện dự án đảm bảo tiến độ đề ra.

Những năm gần đây, tỉnh Trà Vinh tập trung khai thác tiềm năng kinh tế biển; trong đó, kêu gọi nhiều dự án đầu tư ở lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hiện tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư 9 dự án điện gió với tổng công suất 666 MW; trong đó, 5 dự án có tổng công suất 322 MW đã đi vào vận hành thương mại, hòa vào lưới điện quốc gia, 4 dự án  còn lại có tổng công suất 344 MW. 

Dự Nhà máy điện gió Đông Thành 2 tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải (Công ty TNHH điện gió Đông Thành 2) được chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu ngày 15/4/2021, đến nay đã qua 2 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư. Mới đây, nhà đầu tư tiếp tục có văn bản đề xuất gia hạn đến tháng 12/2025 hoàn thành dự án.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Dự án Nhà máy điện gió Đông Thành 2 cho rằng, khó khăn của đơn vị là hiện nay chưa có giá điện, chưa có chính sách thay thế cũng như giá bán điện cụ thể cho các dự án điện gió không thuộc dự án chuyển tiếp. Vì vậy nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, UBND huyện, thành phố… đã giải đáp cụ thể nhiều ý kiến của doanh nghiệp về các thủ tục, điều kiện tiếp cận chính sách ưu đãi do đơn vị mình phụ trách; đồng thời, hướng dẫn và cam kết sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp  tháo gỡ những khó khăn hiện nay… 

chọn
Bất động sản tuần qua (17/11 - 23/11): Các dự án lớn ở Đồng Nai đón tin mừng, Sun Group nhắm khu đô thị 28.000 tỷ
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng; Sun Group muốn làm hai khu đô thị hơn 28.000 tỷ ở Bắc Ninh; Hà Nội bỏ quy định UBND TP phê duyệt giá khởi điểm đấu giá đất; sắp xây Aeon Mall Hạ Long... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.