Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Thế Cường, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, gói thầu số 1 (Km150-Km171) và gói thầu số 2 (Km172-Km 241) sửa chữa hằn lún, rạn nứt mặt đường tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai đang được các nhà thầu khẩn trương sửa chữa.
Còn lại hai gói thầu (gói thầu số 3 từ Km0-Km48 và gói 4 từ Km 49-Km150) đang được Tổng công ty gấp rút triển khai đấu thầu chọn nhà thầu.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Cường, tổng số tiền đầu tư cho sửa chữa mặt đường đợt này là hơn 100 tỷ đồng cho bốn gói thầu.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, sau hơn tám năm cao tốc Nội Bài-Lào Cai đưa vào khai thác, mặc dù được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên (từ năm 2020 đến nay, Tổng công ty đã sửa chữa khẩn cấp tại nhiều đoạn tuyến tiềm ẩn rủi ro để đảm bảo an toàn khai thác) nhưng với việc hàng ngày tiếp nhận một lượng lớn phương tiện có tải trọng lớn dẫn đến một số hạng mục, công trình đã xuống cấp, hư hỏng.
Do đó việc sửa chữa lớn mặt đường trên toàn tuyến là nhu cầu cấp bách để đảm bảo an toàn lưu thông cho các phương tiện.
Tuy nhiên, đại diện VEC thừa nhận do vừa thi công sửa chữa vừa phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến nên việc sửa chữa trên tuyến không thể thực hiện đồng thời ở tất cả các vị trí. Do đó, Tổng công ty đã phân kỳ, sửa chữa trước những đoạn có nguy cơ mất an toàn cao để đảm bảo an toàn giao thông.
“VEC đang gấp rút yêu cầu các nhà thầu tổ chức thi công khoa học, tranh thủ thời thời tiết thuận lợi để đảm bảo hoàn thành việc sửa chữa sớm nhất,” đại diện VEC khẳng định.
Liên quan đến việc phân luồng bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình sửa chữa mặt đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, ông Nguyễn Thế Cường, Phó Tổng giám đốc VEC cho biết với đặc thù là đường cao tốc nên quá trình sửa chữa VEC đã đặt vấn đề bảo đảm an toàn giao thông vận tải lên hàng đầu.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Nhi cho hay về tổng thể bảo đảm an toàn giao thông và phân luồng giao thông đã được xây dựng và đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận. Từng gói thầu đều tổ chức việc phân luồng và cử cán bộ bảo đảm an toàn giao thông cũng như biển báo, dây phản quang.
Song song với đó, đơn vị phụ trách bảo trì trên tuyến là Công ty cổ phần Dịch vụ Đường cao tốc Việt Nam cũng phải duy trì lực lượng phân luồng tổng thể trên toàn tuyến trong quá trình sửa chữa.
Hiện còn một số gói thầu đang tổ chức đấu thầu, VEC sẽ cố gắng hoàn thành việc sửa chữa những đoạn hư hỏng mặt đường tuyến Nội Bài-Lào Cai trong thời gian đến hết quý 4 năm 2022.
Ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết đã giao cho Chi cục Quản lý đường bộ I.3 thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại tuyến Nội Bài-Lào Cai trong việc giám sát quá trình sửa chữa tuyến đường này, đặc biệt là công tác phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông.
Cũng theo ông Trần Hưng Hà, để chất lượng mặt đường trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai được đảm bảo, các cơ quan chức năng cần phối hợp với những đơn vị có liên quan, tiến hành kiểm soát tải trọng các phương tiện lưu thông trên tuyến.
Đồng thời, phía chủ đầu tư dự án là VEC phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá và tiến hành duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, theo đúng kế hoạch.
Dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai có chiều dài 245km đi qua thành phố Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Đây cũng là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất, dài nhất Việt Nam, được khởi công năm 2009 và hoàn thành sau 5 năm.
Dự án này có tổng mức đầu tư (giai đoạn1) là 1.464 triệu USD, bao gồm vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 236,21 triệu USD, vay thông thường OCR (ADB) 1.034,5 triệu USD và vốn đối ứng là 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng.