Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai, hiện nay tỉnh có 32 KCN, bao gồm 31 KCN đã hoàn thành hạ tầng, đang hoạt động và một KCN đang trong giai đoạn xây dựng.
Tính riêng vốn đầu tư hạ tầng KCN, các chủ đầu tư đã bỏ ra 15 - 30 triệu USD để làm hạ tầng một khu công nghiệp. Tổng vốn đầu tư để làm hạ tầng kĩ thuật các KCN trong tỉnh đến nay gần 750 triệu USD.
Báo Đồng Nai thông tin, nhờ hạ tầng kĩ thuật hoàn chỉnh nên các KCN của Đồng Nai đã lấp đầy khoảng 82%, trong đó có gần 20 KCN đã lấp đầy.
Mặt khác, các KCN còn lại của tỉnh có diện tích đất cho thuê nhỏ nên chưa đáp ứng đủ yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đầu tư vào.
Ngoài ra, tỉnh còn hơn 1.300 ha diện tích cho thuê khác như phần lớn quĩ đất này nằm ở các KCN mở rộng, chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng nên nhà đầu tư thứ cấp chưa thuê được.
Dự kiến trong giai đoạn 5-10 năm tới, Đồng Nai sẽ đầu tư mới và mở rộng thêm gần 10 KCN. Riêng nguồn vốn để làm hạ tầng kĩ thuật KCN chiếm hàng nghìn tỉ đồng, chủ yếu sẽ do các công ty cấp phép đầu tư hạ tầng KCN bỏ ra để thực hiện.
Chia sẻ với Báo Đồng Nai, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn thông tin, thời gian tới huyện sẽ tiến hành xây dựng hai KCN, trong đó cần nghìn tỉ đồng để xây dựng hạ tầng.
Theo lãnh đạo tỉnh, việc thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp để làm hạ tầng kĩ thuật ở các KCN mới và mở rộng không khó.
Quá trình làm qui hoạch sử dụng đất và hoàn thiện hồ sơ để qui hoạch vào KCN Việt Nam mới khó khăn và mất nhiều thời gian. Sau khi được Chính phủ chấp thuận, tỉnh mới được phép triển khai các bước tiếp theo.
Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan đã đến tìm hiểu và dự tính đầu tư vào hạ tầng kĩ thuật các khu công nghiệp Đồng Nai.
Hiện tại, Đồng Nai có 3 KCN do công ty nước ngoài đầu tư hạ tầng gồm Amata, Long Đức và KCN công nghệ cao Long Thành.