Clip thâm nhập đường dây làm giấy tờ giả ở TP Biên Hoà, Đồng Nai
Phố giấy tờ giả giữa lòng thành phố
Tuyến đường Bùi Văn Hòa (đi qua địa bàn các phường Long Bình, An Bình và Long Bình Tân của TP Biên Hòa, Đồng Nai) ở gần hai khu công nghiệp (KCN) lớn của Đồng Nai là KCN Biên Hoà 1 và Biên Hoà 2 nên tập trung nhiều điểm photocopy, chụp ảnh và các trung tâm môi giới việc làm, cung ứng lao động...
Với địa thế tập trung nhiều công nhân, nhu cầu về giấy tờ, các loại bằng cấp giả để hợp thức hoá hồ sơ xin việc cũng như giấy tờ tuỳ thân để tạm trú luôn “đắt” khách.
Có cung ắt có cầu, khách mua được đáp ứng tất tần tật từ giấy chứng minh nhân dân, giấy khám sức khỏe, giấy tạm trú, tạm vắng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đến bằng trung học, đại học của các trường trên cả nước…
Trung tâm GTVL Công Phát Đạt được ví như là "lò" làm giấy tờ giả giữa lòng thành phố Biên Hoà. |
Để mục sở thị dịch vụ này, phóng viên Việt Nam Mới đã quyết định đóng giả là người có nhu cầu làm giấy tờ giả để thâm nhập vào trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) Công Phát Đạt nằm ở số 221Đ, đường Bùi Văn Hoà, tổ 5, KP6, P. Long Bình, TP Biên Hoà để tìm hiểu dịch vụ làm giấy tờ giả tại đây.
Thời điểm bước vào, tại trung tâm có khá nhiều người đang ngồi chờ tới lượt mình.
Khi thấy chúng tôi hỏi muốn làm một giấy chứng minh nhân dân (CMND) giả cho em gái chưa đủ tuổi lao động đi xin việc, một nữ nhân viên khoảng 25 tuổi vội đon đả : “Nếu đã có phôi giấy chứng minh của người khác rồi thì đưa đây tụi em tẩy thông số theo yêu cầu cho, mỗi chữ số có giá 100.000 đồng, khoảng 3 ngày sau đến lấy”.
Khi nghe chúng tôi nói muốn là giấy chứng minh giả hoàn toàn mới thì nữ nhân viên này tỏ vẻ nghi ngờ, dò xét một hồi, người này yêu cầu chúng tôi để lại số điện thoại, người này nói để hỏi “mối” đã rồi hẹn sẽ trả lời có nhận làm hay không.
Người phụ nữ này (được biết là chủ trung tâm) đang chỉnh sửa thông số trên bản sao một bằng THPT để làm giả cho khách có nhu cầu. |
Để lại số điện thoại, tiếp tục đi đến một trung tâm GTVL khác cũng nằm trên đường Bùi Văn Hoà, khi nghe chúng tôi nói muốn thay đổi toàn bộ dãy số CMND và làm giả chứng chỉ tin học, một nữ nhân viên nói: “Thay đổi dãy số màu đỏ này thì đắt tiền lắm, nếu chỉ làm vài số, cụ thể là ngày tháng năm sinh màu đen thì chỉ vài chục ngàn đồng/số, còn số màu đỏ thì khó hơn nhiều, ít nhất là 100.000 đồng/1 chữ số thì mới nhận làm”.
Đang lúc trao đổi, chúng tôi nhận được cuộc gọi đến từ số máy bàn mã vùng 0613… bên kia đầu dây là người nhận làm giấy CMND giả của trung tâm GTVL Công Phát Đạt. Người này ra giá 600.000 đồng cho 1 giấy CMND và yêu cầu chúng tôi ghi thông tin người cần làm vào tờ giấy, đúng 17h cùng ngày mang theo 200.000 đồng tiền cọc ra gặp ở công viên Tam Hiệp (TP Biên Hoà, Đồng Nai).
Khi nghe chúng tôi trả lời rằng sợ bị lừa thì người này vội cáu gắt “nếu sợ bị lừa thì cứ mang tiền đến trung tâm đặt cọc” rồi tắt máy.
Làm giấy tờ giả kiểu "râu ông nọ chắp cằm bà kia"
Quay trở lại trung tâm GTVL Công Phát Đạt, lúc này bên trong có một người phụ nữ khoảng 30 tuổi (được cho là chủ trung tâm) liền nhận tiền đặt cọc, ảnh, thông tin của chúng tôi rồi hẹn vài giờ đồng hồ nữa quay lại lấy luôn mà không cần phải đợi 3 ngày.
Thấy chúng tôi còn tỏ vẻ thắc mắc về mẫu mã của giấy CMND giả, người này khẳng định chắc chắn giống 100% so với mẫu CMND thật của cơ quan Công an cấp.
Một giấy CMND giả được trung tâm GTVL Công Phát Đạt làm. |
“Tụi em yên tâm đi, chỗ chị làm nhiều rồi, mẫu y như thật. Các em có thể mang giấy CMND này đi xin việc, đăng ký tạm trú cũng như làm thẻ ATM tại các ngân hàng mà không sợ bị phát hiện”, người phụ nữ tại trung tâm GTVL Công Phát Đạt khẳng định.
Tuy nhiên, khi chúng tôi chuẩn bị ra về, người này níu lại căn dặn: “Nói chung đây là giấy tờ giả, có thể qua mắt được các cơ quan cũng như đi xin việc dễ dàng. Nhưng đừng mang ra chỗ Công an, vì khi quan sát kỹ, họ sẽ biết là giấy giả”.
Mặc dù làm giả giấy CMND của công an tỉnh Đồng Tháp cấp nhưng chữ ký là của giám đốc công an tỉnh Vĩnh Long, thiếu tướng Lê Văn Út? |
Chiều cùng ngày, chúng tôi được người chủ trung tâm gọi điện thoại báo đã làm xong. Khi đến nơi, chúng tôi được người phụ nữ khác xưng là nhân viên đưa cho một giấy CMND với đầy đủ thông tin, dãy số, hình ảnh, dấu vân tay và có cả con dấu của công an tỉnh Đồng Tháp nhưng chữ ký lại là của thiếu tướng Lê Văn Út, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long. Chúng tôi thắc mắc thì được một người trông coi tại đây trả lời là không biết, vì chủ trung tâm đi vắng và nhờ người này trông hộ?
Theo tìm hiểu, khách hàng của những “dịch vụ đen” này đa số là công nhân đến từ các miền quê để xin việc làm nhưng chưa đủ tuổi lao động. Các công nhân nhỏ tuổi chỉ cần bỏ ra khoảng 100.000 đồng để nhờ thay đổi số cuối của năm sinh sẽ được các công ty nhận vào làm việc. Ngoài ra, không loại trừ có những đối tượng phạm tội muốn thay đổi họ tên, năm sinh để qua mặt cơ quan pháp luật. Khi đi thực tế, chúng tôi tiếp cận nhiều người và nhận thấy việc “thổi” hoặc làm giả giấy CMND không hề xa lạ với họ.
Được biết, nếu việc làm giả hoàn toàn các giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức phải chuẩn bị công phu, mất nhiều thời gian thì việc “thổi” thông tin trên giấy tờ đơn giản hơn nhiều. Việc “hô biến” các giấy tờ tuỳ thân chỉ cần một chút khéo léo khi bóc lớp giấy ép trên các giấy tờ này, dùng hóa chất tẩy các con số rồi in các chữ số mới bằng những khuôn đã đúc sẵn là đã như thật.
Thậm chí, những chữ số, dấu mộc có nhòe nhoẹt, có dấu hiệu làm giả cũng chẳng ai “săm soi” làm gì. Cũng chính vì vậy, lợi dụng tình trạng này, nhiều đối tượng tội phạm trốn truy nã, đều dùng chiêu thức đơn giản này để dễ dàng thay tên đổi họ. Một số đối tượng tội phạm còn dùng cách này để xin vào làm bảo vệ ở các công ty để trộm cắp tài sản.
Công an đã nhiều lần triệt phá, nhưng vẫn bó tay?
Trao đổi với PV Việt Nam Mới, thượng tá Huỳnh Ngọc Hiếu, trưởng Công an phường Long Bình (TP Biên Hoà, Đồng Nai) xác nhận có tình trạng làm giả giấy tờ, hồ sơ tại các trung tâm GTVL nằm trên đường Bùi Văn Hoà, đoạn đi qua phường Long Bình.
“Tình trạng các trung tâm GTVL trên đường Bùi Văn Hoà tổ chức làm giả giấy tờ, hồ sơ trước nay đã xảy, cao điểm là năm 2013 và 2014, Công an phường và Công an thành phố đã bắt và xử lý rất nhiều đối tượng. Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào. Mặc dù chưa phát hiện thêm, nhưng không phải là không có, một số trung tâm và các tiệm photocopy vẫn lén lút làm”, thượng tá Hiếu cho biết.
Cũng theo thượng tá Hiếu, Công an phường chỉ nắm tình hình rồi báo cáo cho Công an thành phố lập chuyên án, cài trinh sát vào bắt quả tang. Chứ Công an phường chỉ đi kiểm tra hành chính thì không thể nào bắt được.
Theo tìm hiểu của PV, tuyến đường Bùi Văn Hoà có nhiều điểm làm giấy tờ giả công khai nhưng chính quyền vẫn bó tay? |
“Tôi mới về đảm nhiệm chức trưởng Công an phường từ tháng 3/2015, cũng nghe anh em nói lại về tình trạng cũng như phương thức hoạt động của các trung tâm GTVL làm giả giấy tờ. Đa số các trung tâm này khi có khách yêu cầu, sau đó đặt hàng cho các đối tượng nào đó sản xuất, in ấn giấy tờ giả rồi giao cho khách hàng chứ không làm tại trung tâm.”, ông Hiếu nói.
Thượng tá Hiếu cho biết thêm, tình trạng làm giả giấy tờ, bằng cấp rộ lên rất nhiều vào các năm 2013, 2014. Vì thời điểm đó các công ty, xí nghiệp trên địa bàn ồ ạt tuyển dụng lao động với số lượng lớn nên nhu cầu làm giả các loại giấy tờ, hồ sơ rất cao. Hiện tại, trên địa bàn phường Long Bình có 12 trung tâm GTVL và 5 điểm photocopy, trong đó có nhiều điểm có dấu hiệu làm giả các loại giấy tờ.
“Cá nhân tôi rất hoan nghênh và tiếp nhận phản ánh của phóng viên Việt Nam Mới về tình trạng làm giả giấy tờ tiếp tục tái diễn. Chúng tôi sẽ lập hồ sơ báo cáo lên lãnh đạo Công an thành phố và xin ý kiến chỉ đạo để lập chuyên án triệt phá các điểm 'dịch vụ đen' này”, Trưởng Công an phường Long Bình nhấn mạnh.
Điều 267, Bộ luật Hình sự quy định như sau: 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm; 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 4 năm đến 7 năm; 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng. |