Dòng tiền 30 tỷ USD đang nằm trong 1.000 dự án bất động sản ách tắc

Theo TS Nguyễn Văn Đính, nếu các dự án này được giải phóng sẽ tạo động lực kinh tế cực kỳ mạnh, tăng nguồn cung BĐS. Chuyên gia kiến nghị cần có thêm cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, vốn là một trong những điểm then chốt khiến nhiều dự án vướng mắc.

Ảnh minh họa: Hoàng Huy.  

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 170 (về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa) và Nghị quyết 171 (về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất). 

Tại Diễn đàn “Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản” diễn ra ngày 9/4, các chuyên gia nhìn nhận đây là những chính sách đột phá giúp tháo gỡ điểm nghẽn thể chế và dòng vốn cho ngành địa ốc.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong một thời gian rất dài, pháp luật có những yếu tố vừa lỏng lẻo, vừa linh hoạt, doanh nghiệp “vừa chạy vừa xếp hàng”, dẫn đến sai phạm.

Đến nay, những dự án sai phạm đã dừng lại, cán bộ liên quan đã bị xử lý. Về nguyên tắc, dự án nào sai thì phải làm lại từ đầu. Song, khi có cơ chế đặc thù sẽ cho phép các dự án được tiếp tục triển khai. Ví dụ như không phải đấu thầu lại mà chỉ cần xác định mức giá để tiếp tục, hoặc với vấn đề liên quan đến quy hoạch mà chưa phù hợp thì điều chỉnh lại.

Phần lớn các dự án này nằm ở vị trí đất vàng. Do đó, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 171 đã giúp tạo cơ hội để tháo gỡ dự án, giúp nguồn lực đất đai được đi vào khai thác.

Bên cạnh đó, theo luật trước đây thì việc chuyển nhượng phải có đất ở mới được làm dự án nhà ở thương mại, nếu không thì phải đấu thầu, đấu giá. Đến nay với Nghị quyết 170, nhà đầu tư có cơ hội được tiếp cận nhiều loại đất khác nhau, nhiều dự án gặp vướng mắc được tháo gỡ nút thắt.  

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, nếu như trước kia theo luật cũ, TP HCM có 86 dự án không thể triển khai được liên quan đến 57.000 căn nhà. Doanh nghiệp bị chôn vốn gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, bây giờ có Nghị quyết 171, các dự án dần được tháo gỡ. Đến nay, địa phương nhận được đăng ký thí điểm 343 dự án với quy mô 1.913 ha, mỗi dự án có 830 căn nhà thì 343 dự án sẽ có một lượng nhà ở rất lớn ra thị trường. Dự kiến trong vòng 3 - 10 năm tới sẽ có thêm 216.000 căn nhà được đưa ra thị trường.

"Có thể thấy, đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua nghị quyết đặc thù chỉ để giải quyết 64 dự án cho 3 địa phương. Tuy nhiên, hiện trên cả nước có khoảng hơn 1.500 dự án đang vướng mắc tồn đọng. Vì vậy, chúng tôi mong Chính phủ không chỉ áp dụng Nghị quyết 170 cho dự án của 3 địa phương là TP HCM, Khánh Hoà và Đà Nẵng mà cho tất cả các địa phương có dự án tương tự", Chủ tịch HoREA đề xuất. 

Tham gia thảo luận, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, 2 nghị quyết đặc thù đã giải quyết khá nhiều vấn đề nhưng chưa phải tất cả.

Do vậy, cần phải có thêm các cơ chế đặc thù tiếp theo để giải quyết những vấn đề khác, đơn cử như giải phóng mặt bằng cũng là một trong những điểm then chốt khiến nhiều dự án bị vướng mắc.

Lấy ví dụ tại Hà Nội, ông Đính thông tin ở khu Trung Văn hiện diện nhiều toà cao ốc, song có chỗ vẫn quây tôn khiến cho tổng thể dự án nhếch nhác. Nguyên nhân do doanh nghiệp vẫn còn đang phải đi thoả thuận với từng hộ dân. Vấn đề này vẫn chưa được giải quyết suốt mười mấy năm qua.  

Thống kê sơ bộ, trong khoảng 1.000 dự án bị ách tắc, nguồn tiền bị chôn vào đó là trên 30 tỷ USD. Nếu các dự án này được giải phóng thì sẽ tạo động lực kinh tế cực kỳ mạnh, tâm lý doanh nghiệp được tháo gỡ, tạo niềm tin và tăng nguồn cung cho thị trường.

Ngoài ra theo chuyên gia, cần xác định dựa trên nhu cầu để nhận biết nguồn vốn nào là cần thiết cho thị trường bất động sản.

"Có nhiều loại cầu như cầu nhà ở, cầu về các sản phẩm kinh doanh, cầu về đầu tư... Tuy nhiên, cũng còn một loại cầu nữa là cầu để đầu cơ. Người đầu cơ thường không có nhu cầu đầu tư trực tiếp vào bất động sản mà họ mong đợi sinh lợi. Hiện nay, việc phát triển nguồn cung ở nhiều chỗ chưa đi theo nguồn cầu. Có những khu vực không đáp ứng cầu nên xây xong thì bỏ hoang, do nhà phát triển dự án không quan sát. 

Nếu chúng ta dễ dãi quá, cho dòng vốn chảy vào đầu cơ, như mua đất mà không xây nhà, hay mua chờ để đó thì nó không phát huy giá trị mục đích của nguồn vốn, gây khó khăn tiếp cận vốn cho người dân, không tạo động lực cho giới trẻ.

Người trẻ không mua được nhà, ngại lấy vợ và lập gia đình. Nhìn từ bài học của Trung Quốc và Nhật Bản, việc giới trẻ không lập gia đình gây ra hệ luỵ rất lớn cho xã hội. Do đó, chúng ta cần cân nhắc các dòng vốn cần thiết nhưng phải đi đúng mục đích để đạt hiệu quả cao nhất", ông Đính cho hay.

chọn
ĐHĐCĐ Lideco: Sáp nhập tỉnh thành sẽ không ảnh hưởng đến các dự án bất động sản, đang lỗ chứng khoán sau khi Mỹ áp thuế
Ban lãnh đạo Lideco cho biết tại thời điểm trước khi Mỹ áp thuế, danh mục chứng khoán của doanh nghiệp có lãi, song hiện nay đang lỗ khoảng 7 tỷ. Trong 5 năm tới, Lideco vẫn sẽ xoay quanh bất động sản, nhưng khó xác định được định hướng cụ thể bởi kinh doanh bất động sản hiện rất khó khăn.