Dòng tiền vào bất động sản ‘nhỏ giọt’ hơn, sốt đất và đầu cơ được kiểm soát

Đó là nhận định của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV tại talkshow Landshow do VTV24 tổ chức mới đây.

Đánh giá về dòng vốn vào thị trường bất động sản trong thời gian qua, TS Cấn Văn Lực khẳng định không có chuyện siết tín dụng bất động sản mà chỉ kiểm soát để thị trường lành mạnh, nguồn vốn được phân bổ hiệu quả hơn. 

Chuyên gia dẫn chứng, từ đầu năm đến nay tín dụng vào bất động sản vẫn tăng khoảng 8%, gần gấp đôi so với mức 4,95% ở cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy mà một số ngân hàng đã hết room tăng trưởng tín dụng và đang chờ Ngân hàng Nhà nước có đợt cấp hạn mức mới, đồng thời cơ cấu lại danh mục của những khoản vay.  Những dự án bất động sản có vấn đề về pháp lý sẽ không được ưu tiên.

Thêm vào đó, vốn FDI đầu tư bất động sản trong 5 tháng đầu năm vẫn tăng tốt. Bất động sản là ngành đứng thứ hai trong số các lĩnh vực thu hút FDI, với khoản 2,65 tỷ USD, chiếm khoảng hơn 20% tổng vốn FDI trong 5 tháng đầu năm.

Về dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực cho biết, dòng vốn này mới chỉ chững lại 1 - 2 tháng gần đây. Trước đó, trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trưởng rất mạnh trong ba tháng đầu năm. Trong khoảng 72.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp bất động sản vẫn chiếm 1/3 số lượng.

TS Cấn Văn Lực cho biết dòng vốn vào thị trường bất động sản nhỏ giọt và chặt chẽ hơn so với trước đây. (Ảnh chụp màn hình).

Vị kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, dòng vốn vào thị trường bất động sản nhỏ giọt và chặt chẽ hơn so với trước đây. Vì vậy, hiện tượng sốt đất xảy ra ở nhiều khu vực trong thời gian vừa qua đã được kiểm soát. Tuy nhiên, cũng có những mặt hạn chế.

“Nếu chúng ta phanh quá gấp sẽ tạo ra cú sốc đối với thị trường bất động sản. Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản là bộ tứ liên thông với nhau rất là chặt chẽ nên chúng ta phải hết sức thận trọng. Tôi hy vọng thị trường sẽ sớm ấm trở lại nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho những cặp vợ chồng trẻ. Về đầu cơ, rõ ràng năm nay tình trạng này sẽ giảm nhiệt rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái”, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Liên quan đến vấn đề tín dụng bất động sản, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát cho biết, các khách hàng gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng trong khoảng hai tháng này, đặc biệt là ở những dự án đầu tư trong trung hạn và dài hạn.

Theo thống kê, khoảng 30% khách hàng đã bỏ cọc. Phân khúc bị bỏ cọc nhiều nhất là các sản phẩm trung cấp với mức giá từ 3 - 5 tỷ đồng . Phân khúc cao cấp trên 10 tỷ và bình dân dưới 1 tỷ thì không ghi nhận tình trạng bỏ cọc. Ông Đỗ Quý Duy cho rằng, trong giai đoạn vừa qua nhà đầu tư có tâm lý chần chừ và dừng lại nghe ngóng xu thế ở tương lai. 

Trong khi đó, ông Ngô Hồng Tuấn, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm cho rằng, nguyên nhân chính khiến thị trường chững lại không phải do trong dân hết tiền hay ngân hàng không cho vay mà vì giá quá cao, khan hiếm dự án mới, tình trạng khan hiếm giả tạo tại các dự án mở bán. Những yếu tố này khiến các nhà đầu tư tạm dừng để nghe ngóng.

Về các nhận định trên, TS Cấn Văn Lực cho rằng những người bỏ cọc phần nhiều là những đối tượng đầu cơ. Vì thị trường trầm lắng hơn, khó thanh khoản nên họ phải bỏ cọc vì nếu như “ôm hàng” sẽ không thể bán được ngay. 

Để giải quyết tình trạng khủng hoảng vừa thừa vừa thiếu trên thị trường, TS Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ và Quốc hội ưu tiên giải quyết các vướng mắc pháp lý, vướng mắc giải phóng mặt bằng tại các dự án bất động sản bỏ hoang. Từ đó sẽ giải phóng được lượng lớn nguồn cung mới và hạ nhiệt giá bán trên thị trường.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.