Phòng 5 bệnh dễ gặp do lạnh đột biến | |
Khoa học chứng minh, con thông minh là do gien của mẹ |
Đau khớp háng kéo dài
Bệnh nhân Huê trước khi thực hiện phẫu thuật phải chịu đựng cảm giác đau kéo dài 3 năm, chân trái bị teo cơ ngắn lại so với chân phải 2cm. |
Mới đây, Bệnh viện An Bình (TP HCM) đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân Hà Huê (58 tuổi, ngụ tại TP HCM). Bệnh nhân Huê nhập viện trong tình trạng đau nhiều ở vùng khớp háng, nhất là lúc đi lại.
Nam bệnh nhân chia sẻ, cảm giác đau ở chân trái đã kéo dài 3 năm, ban đêm đau nhiều hơn ban ngày. Mặc dù, có điều trị bằng thuốc uống và thuốc giảm đau nhưng bệnh không thuyên giảm, thời gian gần đây chân bị đau ngắn lại so với chân bình thường, phải đi chân thấp chân cao.
Được biết, trước khi thực hiện phẫu thuật tại BV An Bình, người bệnh có khám tại một BV trên địa bàn thành phố, các bác sĩ cũng đã tư vấn thực hiện thay khớp háng toàn phần. Tuy nhiên, chi phí cho ca mổ cao gấp đôi nên bệnh nhân đã không đủ tiền để thực hiện.
Một năm trở lại đây, bệnh lý phát triển mạnh khiến bệnh nhân thấy đau nhiều hơn. Ngày 22/12/2016, người bệnh nhập viện, lúc này thuốc giảm đau đã không còn tác dụng. Các bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân chuyển qua một phương pháp điều trị mới là phẫu thuật thay khớp toàn phần.
X-quang cho thấy cả phần chỏm xương đùi và ổ chảo của xương cánh chậu bệnh nhân hỏng hoàn toàn. |
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Duy - Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ BV An Bình cho biết: Sau khi thực hiện các xét nghiệm về tim, phổi, gan thận, chức năng máu, một tuần sau chúng tôi tiến hành phẫu thuật cho ông Huê. Ca mổ kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, sau phẫu thuật 2 tiếng bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. Đánh giá cử động bàn chân, cổ chân cho thấy ca phẫu thuật thành công không gây tổn thương thần kinh lớn ở vùng mông.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Duy thông tin thêm, tại BV An Bình mỗi tháng tiếp nhận và điều trị 4 - 5 trường hợp bệnh liên quan đến khớp háng. Tuy nhiên, trước đây chỉ phẫu thuật bán phần ở xương đùi, bệnh nhân Huê là trường hợp đầu tiên thực hiện phẫu thuật thay khớp háng toàn phần tại bệnh viện.
Chia sẻ về thành công của ca phẫu thuật, bệnh nhân Huê vui mừng nói: “Sau phẫu thuật, tôi thấy cơ thể nhanh chóng bình phục, mới 5 ngày nhưng tôi đã chống nạng đi lại được”.
Bệnh loạn sản khớp háng
Các bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân bị loạn sản khớp háng. |
Theo bác sĩ Duy, những bệnh nhân tương tự như ông Huê, khi nằm lên bàn khám sẽ thấy ngắn chi, có biểu hiện đau điển hình vùng trước bẹn. Đồng thời, tình trạng bệnh để lâu sẽ khiến khớp co rút, sụn khớp bị ăn mòn, một số vận động vùng khớp như động tác gập gối, gập háng, xoay trong và ngoài khớp háng đều bị hạn chế.
“Chúng tôi đang đợi kết quả giải phẫu bệnh lý, sau đó sẽ đưa ra chẩn đoán cuối cùng, khả năng cao đây là bệnh loạn sản khớp háng, thường gặp ở những bệnh nhân dưới 30 tuổi”, bác sĩ Duy đánh giá tình trạng bệnh nhân Huê.
Bệnh loạn sản khớp háng cùng với nhiều bệnh khác liên quan đến xương đùi, mông, háng khiến nhiều người Việt bị đau kéo dài, chân ngắn lại từ 2 - 7cm. Trường hợp bệnh nhân như ông Huê đã ở vào giai đoạn cuối, cả phần chỏm xương đùi và ổ chảo của xương cánh chậu hỏng hoàn toàn. Gây ra tình trạng xương chân trái ngắn hơn so với chân phải 2 cm.
Ông Huê sau 5 ngày phẫu thuật hiện đã tự chống nạng đi lại được. |
Bác sĩ Duy cho biết, nguyên nhân của căn bệnh trên là do đột biến gien, người bệnh bị bẩm sinh nhưng không di truyền. Tại Việt Nam, đa phần các trường hợp khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn, khớp háng gần như chật ra ngoài, để lâu chỏm xương đùi bị hoại tử dần, chân càng ngày càng ngắn, tầm vận động của khớp bị ảnh hưởng.
Do đó, khi bị đau vùng khớp háng cần đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời, nhất là trẻ nhỏ. Nếu phát hiện bệnh lý ở giai đoạn sớm hơn có thể điều trị bằng phương pháp khác như cắt xương chỉnh trục ở khớp háng, tỉ lệ điều trị thành công cũng cao hơn. Ngược lại người già từ 50 tuổi trở lên xương giòn, một va chạm nhẹ cũng có thể gãy xương, khả năng hồi phục khó, bác sĩ Duy khuyến cáo.