Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đội vốn 3.000 tỉ đồng

Tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt phương án tài chính điều chỉnh đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng vốn đầu tư 12.668 tỉ đồng.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, UBND tỉnh Tiền Giang cùng đại diện các bộ, ngành, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, tư vấn giám sát đã tổ chức cuộc họp nhằm thống nhất một số vấn đề để chính thức ký phê duyệt điều chỉnh dự án.

Tăng vốn do nhiều nguyên nhân

Tại cuộc họp, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết một trong những vướng mắc hiện nay của dự án là vấn đề tăng hay giảm chi phí cho dự án. Mà tăng chi phí chủ yếu là do giá vật liệu trong tổng mức đầu tư dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt trước đây không còn phù hợp so với hiện nay. Tuy nhiên, điều quan tâm của tỉnh là phương án kỹ thuật đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ hoàn thành dự án. “Tỉnh Tiền Giang sẽ làm hết trách nhiệm để thực hiện đúng tiến độ mà Thủ tướng đã chỉ đạo” - chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh.

Ngay sau buổi làm việc nói trên, tỉnh Tiền Giang đã cùng doanh nghiệp (DN) dự án rà soát lại và ký phê duyệt điều chỉnh dự án để khẩn trương mời Ngân hàng (NH) Nhà nước và các NH “chốt” phương án cho vay. Được biết đây là nút thắt quan trọng nhất quyết định cho dự án này.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt phương án tài chính tại Quyết định 2463/QĐ-UBND ngày 2/8/2019, tổng vốn đầu tư là 12.668 tỉ đồng, giảm hơn 2.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu (14.678 tỉ đồng) và tăng 3.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư dự án theo Quyết định 1700/QĐ-BGTVT ngày 15-6-2017 của Bộ GTVT. 

Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ 2.186 tỉ đồng, vốn BOT 10.482 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, vốn huy động khác) 2.787 tỉ đồng, vốn vay NH là 7.695 tỉ đồng.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đội vốn 3.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang dần được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. (Ảnh: ĐÔNG HÀ)

Tỉnh Tiền Giang cho rằng nguyên nhân tăng vốn đầu tư là vì chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) tăng, biến động giá nguyên vật liệu; bổ sung cầu vượt, đường dân sinh, hệ thống giao thông thông minh, cây xanh, hệ thống chống ồn, chống chói; điều chỉnh nút giao An Thái Trung để phù hợp quy mô cầu Mỹ Thuận 2 đã được Bộ GTVT phê duyệt.

Ngoài những vấn đề trên, theo tỉnh Tiền Giang, một trong những nguyên nhân khác làm đội chi phí nữa là do điều chỉnh giải pháp thiết kế, xử lý đất yếu, điều chỉnh kết cấu áo đường để rút ngắn thời gian thi công nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 272/TB-VPCP ngày 2/8/2019.

Cần sớm giải ngân nguồn vốn

Với những hướng mở tháo gỡ khó khăn cho dự án như trên, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, bày tỏ mong muốn tỉnh Tiền Giang tiến hành ký kết phụ lục hợp đồng BOT trước ngày 10/8/2019 để làm cơ sở cho NH thẩm định vay vốn và thực hiện các bước tiếp theo nhằm đảm bảo tiến độ dự án.

Ngoài ra, trên cơ sở nguồn vốn ngân sách nhà nước được Chính phủ bố trí cho dự án, nhà đầu tư cũng kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện các thủ tục giải ngân kinh phí GPMB để hoàn trả phần vốn DN dự án đã ứng ra trước đây cho tỉnh chi trả công tác GPMB.

Để đảm bảo tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ông Mai Mạnh Hồng cho rằng trên cơ sở cơ cấu nguồn vốn theo phương án tài chính đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt, NH Nhà nước sớm chỉ đạo các NH hợp vốn xác định khả năng tài trợ vốn để giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn tất thủ tục thẩm định tài trợ vốn, đảm bảo điều kiện giải ngân. Đồng thời, thu xếp vốn vay ngắn hạn cho Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện dự án trong khi chờ thủ tục bố trí vốn ngân sách nhà nước và thẩm định tài trợ vốn tín dụng, tránh việc phải dừng dự án do không có nguồn vốn thi công.

Tổ chức họp liên quan hợp đồng tín dụng

Thông tin từ UBND tỉnh Tiền Giang cho hay dự kiến hôm nay (7-8), UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức cuộc họp gồm: Đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, NH Nhà nước Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và các NH cung cấp tín dụng để tháo gỡ các vướng mắc có liên quan đến hợp đồng tín dụng của dự án.

Dự kiến từ hôm nay đến 12/8/2019, UBND tỉnh sẽ tổ chức đàm phán và ký kết phụ lục hợp đồng BOT số 3 với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận; tiến hành kiểm tra, đôn đốc để thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không tham nhũng, công khai, minh bạch và an toàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.