Vì sao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ì ạch suốt cả thập kỷ

Được coi là niềm hy vọng của 20 triệu dân miền Tây, qua 10 năm, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận biến thành nỗi thất vọng tràn trề.

Dân Tiền Giang 10 năm mòn mỏi chờ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Thi công chậm chạp, sau 10 năm khởi công, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhiều đoạn vẫn là bãi đất hoang. Tiến độ toàn tuyến mới đạt 25%.

Hơn 10 năm trước, miền Tây thiếu thốn đủ bề về hạ tầng giao thông: Chưa có đường sắt, không có sân bay quốc tế, đường bộ quá tải trầm trọng…

Việc khởi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2009 trở thành niềm hy vọng lớn lao của 20 triệu người dân nơi đây. Bởi theo dự kiến, năm 2013, dự án sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, bao cảm xúc vui mừng, háo hức khi ấy không được kéo dài, thay vào đó là nỗi thất vọng tràn trề. Suốt 10 năm, dự án ì ạch, trì trệ, hầu hết hạng mục đến nay đều ngổn ngang.

10 năm thi công đạt 10% tiến độ

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, có chiều dài hơn 51 km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa nối tiếp cao tốc TP HCM - Trung Lương, điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang.

Tháng 11/2009, dự án khởi công. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV đại diện cho 8 nhà đầu tư góp vốn thông báo tổng mức đầu đầu tư khoảng 19.000 tỉ đồng, sẽ thu xếp được tài chính để hoàn thành trong quý III/2013.

Vi sao cao toc Trung Luong - My Thuan i ach suot ca thap ky hinh anh 1
Vi sao cao toc Trung Luong - My Thuan i ach suot ca thap ky hinh anh 1
Vi sao cao toc Trung Luong - My Thuan i ach suot ca thap ky hinh anh 2
Vi sao cao toc Trung Luong - My Thuan i ach suot ca thap ky hinh anh 2

Các hạng mục dự án trên tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận thi công dang dở. Trong ảnh là đoạn qua kênh Chợ Bung (huyện Châu Thành, Tiền Giang) và đoạn qua huyện Cai Lậy (Tiền Giang) với vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, phần lớn đã bị rỉ sét, cỏ dại um tùm... (Ảnh: Quỳnh Danh).

Tuy nhiên, sau đó cơ quan chức năng yêu cầu bổ sung thêm phần hạng mục các đường từ khu công nghiệp Tiền Giang kết nối vào cao tốc này, phải làm thủ tục điều chỉnh dự án. Với nhiều trở ngại đã kiến nghị nhưng không được giải quyết, nhà đầu tư xin dừng dự án sau 2 năm khởi công.

Dự án “về tay” Bộ GTVT và “bất động” trong suốt thời gian dài.

Tháng 2/2015, dự án tái khởi động, dự kiến hoàn thành vào 2018. Tổng mức đầu tư giảm còn 14.678 tỉ đồng. Đến tháng 6/2017, tổng mức đầu tư tiếp tục giảm còn 9.668 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý II/2020.

Tháng 1/2019, doanh nghiệp thực hiện dự án đề xuất bổ sung Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả vào liên danh nhà đầu tư, bỏ Công ty Yên Khánh do đây là doanh nghiệp "0 đồng", thực tế không góp vốn vào dự án.

Hơn 10 năm ở dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng vốn, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành.

Công ty BOT còn kiến nghị chuyển cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang để chủ động xử lý các vướng mắc như lãi vay, phương án thu phí… Hai tháng sau, thẩm quyền này được chuyển từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang.

Đến đầu 2019, thời gian thi công dự án đã bước sang năm thứ 10, trong khi tiến độ mới đạt 10%. 3 tháng gần đây, chủ đầu tư và các nhà thầu đã dồn sức đẩy tiến độ lên 25%, gấp rưỡi tiến độ của cả 10 năm cộng lại. Số tiền doanh nghiệp ứng ra trên dưới 3.000 tỉ đồng, tuy nhiên nguồn vốn từ ngân hàng và hỗ trợ từ ngân sách vẫn ở con số 0.

Hiện, tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên khoảng 12.500 tỉ đồng, tăng hơn 2.833 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2017.

Vì sao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ì ạch suốt cả thập kỷ - Ảnh 4.

Cơ cấu vốn đầu tư cho dự án theo yêu cầu của ngân hàng. Đồ họa: Ngọc Tân.

Để giải ngân vốn tín dụng của dự án, các ngân hàng yêu cầu vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án phải chiếm 30% tổng vốn, đồng thời yêu cầu Nhà nước hỗ trợ vốn lên tới 2.575 tỉ đồng.

Theo chủ đầu tư, những yêu cầu nêu trên là rất khó khăn và chưa phù hợp với điều kiện thực tế.

Đối với phần vốn ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí cho dự án 2.186 tỉ đồng, còn thiếu 389 tỉ đồng so với yêu cầu của ngân hàng. Muốn bố trí thêm vốn trong giai đoạn hiện nay thì cần có sự đồng ý của Chính phủ, các bộ, ngành.

Với phần vốn chủ sở hữu, ngân hàng yêu cầu mức góp vốn của chủ đầu tư là 30% tổng vốn đầu tư (bao gồm cả phần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước). Cách tính này dẫn đến vốn chủ sở hữu mà chủ đầu tư phải góp là quá cao, chưa hợp lý. Chủ đầu tư đề nghị không gộp phần ngân sách Nhà nước vào phép toán này.

10 năm, những con số đáng buồn về việc triển khai dự án vẫn tăng lên theo cấp số cộng: 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng vốn, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành… Và không biết bao nhiên lần thay đổi nữa, dự án mới có thể hoàn thành.

Doanh nghiệp kêu cứu, Chính phủ họp bàn cách gỡ vướng

Ngày 23/7, nhà thầu phụ của gói thầu XL13 thuộc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đến công trường treo băng rôn đòi nợ và cản trở nhà thầu khác vào thi công. Phía doanh nghiệp đề nghị Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư) sớm thanh toán khối lượng đã hoàn thành.

Sự việc khiến UBND tỉnh Tiền Giang phải triệu tập cuộc họp với các nhà thầu sau đó một ngày. Cuộc họp không giải quyết được vướng mắc, thậm chí các nhà đầu tư còn đưa ra một kịch bản xấu nhất: Tạm dừng dự án vì thiếu vốn.

Vì sao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ì ạch suốt cả thập kỷ - Ảnh 5.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ bản phải thông xe toàn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2020 và khánh thành vào 2021. (Ảnh: Quỳnh Danh).

Trong báo cáo mới nhất gửi tới Chính phủ về những vướng mắc của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Mai Mạnh Hồng nhấn mạnh, việc dự án bị chậm hơn 10 năm, qua tay nhiều cơ quan quản lý đầu tư (Ngân hàng BIDV, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang) đã phát sinh nhiều vướng mắc bất cập.

Do đó, ông kiến nghị Thủ tướng báo cáo Quốc hội tổ chức giám sát dự án để chia sẻ các khó khăn và thông tin đầy đủ đến cử tri cả nước. Bên cạnh đó là việc giám sát quá trình thực hiện, điều chỉnh dự án trong giai đoạn hiện nay để thấy được sự chỉ đạo cụ thể của Chính phủ trong việc thúc đẩy hoàn thành dự án nhằm đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Không phải vì thúc đẩy tiến độ mà làm trước hỏng sau, để người dân kêu ca, phàn nàn, do thất thoát, do không giám sát, do thi công cẩu thả, do thiết kế không có tính toán...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Lắng nghe những vướng mắc này, cuối tháng vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Chính phủ để gỡ vướng, thúc đẩy triển khai dự án cao tốc “rùa bò” Trung Lương - Mỹ Thuận.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cơ bản phải thông xe toàn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2020 và khánh thành vào 2021.

Bên cạnh bảo đảm tiến độ thì chất lượng là vấn đề đặt ra hàng đầu. Không phải vì thúc đẩy tiến độ mà làm trước hỏng sau, để người dân kêu ca, phàn nàn do thất thoát, thi công cẩu thả, thiết kế không có tính toán...

Thủ tướng dành 9 từ để nhắc nhở việc triển khai công trình này, đó là đảm bảo “tiến độ”, “chất lượng”, “hiệu quả”, "không tham nhũng", “tiêu cực”, “công khai”, “minh bạch”, “trách nhiệm giải trình”.

Ngày 1/8, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh phải quyết tâm làm cho được cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để giữ lời hứa với 20 triệu người dân miền Tây - một lời hứa đã cam kết từ nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện được.

Vì sao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ì ạch suốt cả thập kỷ - Ảnh 7.

Sơ đồ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh: Google Maps).

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.