Cao tốc cho miền Tây, trông về Tiền Giang

Sau khi có cao tốc TP HCM - Trung Lương (năm 2010), người dân phải chờ hơn 10 năm mới có cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, chẳng lẽ lại chờ nhiều năm nữa mới có cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ?

Về miền Tây phải đi qua Tiền Giang qua quốc lộ 1. Muốn đi nhanh hơn cũng phải qua Tiền Giang bằng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Khi nào có cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận? Tùy thuộc vào tỉnh Tiền Giang.

Vì thế, 20 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long và hàng triệu người ở Đông Nam Bộ muốn thoát cảnh ì ạch trên quốc lộ đều sốt ruột trông về Tiền Giang.

Đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm gọn trên tỉnh Tiền Giang, đã được chuyển cơ quan quản lý có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về cho tỉnh. Việc điều chỉnh này sẽ quy trách nhiệm về một đầu mối, sát sườn quyền lợi và nghĩa vụ với tỉnh, kể cả giải phóng mặt bằng, tỉnh phải làm việc sòng phẳng, thậm chí nghiêm khắc với doanh nghiệp dự án để đảm bảo tuyến cao tốc hoàn thành đúng tiến độ.

Phải trông về Tiền Giang bởi sau khi có báo động dự án Trung Lương - Mỹ Thuận trước nguy cơ "chết", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: "Với vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án, tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Chính phủ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này". Thủ tướng còn gửi gắm đến dự án lời dặn dò "9 chữ", trong đó có bảo đảm "tiến độ", "chất lượng", "hiệu quả", không "tham nhũng", "tiêu cực", "công khai", "minh bạch", "trách nhiệm giải trình"...

Không chỉ thế, Tiền Giang có BOT Cai Lậy với nhiều điều tiếng, vốn đã tạo thông thoáng trên quốc lộ 1 cho người dân các địa phương đi về miền Tây và giải tỏa điểm đen giao thông ở thị xã Cai Lậy.

BOT Cai Lậy dừng thu phí, giải tỏa được bức xúc của người đi đường, nhưng lại tạo ra dự án ngàn tỉ chậm hoàn vốn mà chính quyền phải có trách nhiệm cùng doanh nghiệp giải quyết.

Giả sử dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại lỗi hẹn, khi đó, trên địa bàn Tiền Giang có 2 dự án BOT giao thông trắc trở. Đó không phải là viễn cảnh tốt về môi trường đầu tư của Tiền Giang, khi doanh nghiệp bỏ vốn ngàn tỉ làm đường nhưng chậm thu hồi vốn hoặc sử dụng vốn không hiệu quả.

Nhưng nếu dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được tỉnh Tiền Giang thúc đúng tiến độ, năm 2020 thông tuyến, khánh thành năm 2021 sẽ là "tối hậu thư" cho tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang triển khai không như mong đợi.

Sau khi có cao tốc TP HCM - Trung Lương (năm 2010), người dân phải chờ hơn 10 năm mới có cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, chẳng lẽ lại chờ nhiều năm nữa mới có cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ? Thật vô lý và không ai chấp nhận.

Khi Tiền Giang làm tốt nhiệm vụ sẽ là động lực cho nhiều địa phương thúc đẩy các tuyến cao tốc để giải quyết nạn ùn ứ, phá thế độc đạo hiện nay mà không chờ đến Bộ Giao thông vận tải. TP HCM và Tây Ninh đã đề xuất trung ương để hai nơi này chủ động lo kinh phí giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài.

Bà Rịa - Vũng Tàu muốn làm chủ đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để xóa thế độc đạo của quốc lộ 51, nhằm phát triển cảng biển, du lịch của địa phương.

Đồng Nai đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Long Thành - TP HCM lên 10-12 làn xe thay vì 8 làn như quy hoạch, vì sẽ không đáp ứng nhu cầu đi lại khi sân bay Long Thành hoạt động...

Đường về miền Tây nhanh đến đâu, hạ tầng ở phía Nam được cải thiện thế nào, câu trả lời đến từ tỉnh Tiền Giang.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.