Nhà thầu Trung Quốc không hợp tác đã đẩy quá trình quyết toán dự án đạm Ninh Bình rơi vào bế tắc. (Ảnh: T.Đ.H)
Với tư cách tổng thầu EPC nhà máy đạm Ninh Bình, Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã không phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giải quyết các tồn tại của dự án như thanh toán chi phí than cho việc chạy thử vượt hợp đồng, chi phí chạy thử nhà máy lần 2.
Nhà thầu Trung Quốc này cũng không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt chậm tiến độ thực hiện hợp đồng (16 tháng), không hoàn thiện hồ sơ máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu theo hợp đồng EPC, không bàn giao hồ sơ hoàn công và hồ sơ gốc CO, CQ để lập quyết toán A-B.
Trước sự "cù cưa" của nhà thầu Trung Quốc, Vinachem đã đề xuất giải pháp thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán, xác định giá trị đề nghị quyết toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ghi rõ nội dung nhà thầu không hợp tác để quyết toán dự án. Nhưng các bộ, ngành lại cho rằng thiếu cơ sở pháp lý để quyết toán khiến dự án bị mắc kẹt.
Theo đánh giá của Bộ Công thương: các vấn đề về xử lý tranh chấp hợp đồng EPC với nhà thầu chưa xử lý được nên dự án nhà máy đạm Ninh Bình chưa quyết toán được.
Bộ này cho rằng cần tập trung xử lý dứt điểm vấn đề tranh chấp hợp đồng EPC để có thể quyết toán hợp đồng và quyết toán toàn bộ dự án. Trường hợp hai bên không thống nhất giải quyết được các vấn đề vướng mắc, cần đưa ra bên thứ ba - cơ quan trọng tài để phân xử, xác định trách nhiệm.
Mới đây, Vinachem cũng có văn bản xin ý kiến hai Bộ Tài chính và Xây dựng về việc lập quyết toán hợp đồng EPC (xây dựng - vận hành - chuyển giao) nhà máy đạm Ninh Bình, nhưng các bộ đều cho rằng vẫn chưa đủ cơ sở để quyết toán dự án.
Bên trong nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình. (Ảnh: TTO)
Nhà máy đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 667 triệu USD, hợp đồng EPC dự án được ký giữa Vinachem và Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu vào ngày 15/11/2007, thời gian thực hiện dự án hợp đồng 42 tháng.
Do nhà thầu thi công chậm tiến độ nên đến tháng 9/2012, Vinachem mới tạm tiếp nhận nguyên trạng và quản lý, vận hành nhà máy đạm Ninh Bình. Điều đáng nói trong quá trình sản xuất, nhà máy vận hành không ổn định, liên tục xảy ra sự cố kỹ thuật phải dừng để sửa chữa, bảo dưỡng.
Với sự nỗ lực của Vinachem và các bên liên trong xử lý các vấn đề kỹ thuật, tài chính nhân sự, đến đầu năm 2017 nhà máy đạm Ninh Bình đã vận hành trở lại. Trong năm 2018, nhà máy đạm Ninh Bình chạy máy được 117 ngày, phải tạm dừng 7 lần do sự cố kỹ thuật, có sự cố phải mất 3 tháng mới khắc phục xong.
Và trong suốt thời gian vận hành nhà máy đạm Ninh Bình rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên, có lúc phải dừng vận hành nhà máy.
Về con số thua lỗ, năm 2017 nhà máy đạm Ninh Bình lỗ 933 tỉ đồng, năm 2018 lỗ 923 tỉ đồng, và quý I năm 2019 lỗ 135,8 tỉ đồng.