Bộ GTVT lúng túng khi gặp vấn đề phát sinh với nhà thầu Trung Quốc

Trả lời cử tri Ninh Bình, Bộ GTVT thừa nhận có dự án vướng mắc về việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu Trung Quốc, đặc biệt đối với dự án theo hình thức hợp đồng EPC.

Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Bình yêu cầu Bộ GTVT thận trọng hơn trong việc lựa chọn nhà thầu tham gia các dự án giao thông, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc. Kiến nghị được Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gửi cho Bộ GTVT từ trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Bộ GTVT lúng túng khi gặp vấn đề phát sinh với nhà thầu Trung Quốc - Ảnh 1.

Bộ GTVT gặp gỡ đại diện tổng thầu EPC Trung Quốc tại dự án Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Việt Hùng).

Luật chưa quy định rõ về hợp đồng EPC

Sau gần 2 tháng, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời kiến nghị trên. Bộ cho biết đối với các dự án ODA sử dụng vốn vay JICA, EDCF, WB, ADB... nhà thầu Trung Quốc trúng thầu cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng thi công xây dựng.

Tại các dự án này, nhà thầu Trung Quốc được tham dự thầu nếu đáp ứng điều kiện của Hiệp định vay, quy định, hướng dẫn về đấu thầu của nhà tài trợ.

EPC là hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng công trình. Đây là loại hợp đồng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư.

Tuy nhiên, tại các dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, Hiệp định vay vốn thường quy định phải lựa chọn nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án. Bộ GTVT thừa nhận có dự án còn tồn tại, vướng mắc về việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu Trung Quốc, đặc biệt đối với dự án theo hình thức hợp đồng EPC.

"Những tồn tại này một phần do pháp luật trong nước trước đây cũng như hiện nay chưa quy định, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể về việc quản lý, thực hiện hợp đồng EPC; đồng thời đây là những dự án có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, lần đầu được thực hiện tại Việt Nam dẫn đến khó khăn, lúng túng khi giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh", Bộ GTVT giải thích.

Bộ GTVT nhận định các dự án trong thời gian tới cần được nghiên cứu kỹ khi ký kết Hiệp định vay vốn, đồng thời hoàn thiện quy định pháp luật về EPC làm cơ sở thực hiện.

Gần đây, một doanh nghiệp Trung Quốc đã chủ động đến gặp lãnh đạo Bộ GTVT để xin làm tổng thầu EPC tại dự án cao tốc Bắc - Nam tuy nhiên Bộ GTVT từ chối và tiến hành đấu thầu công khai quốc tế.

Nếm "trái đắng" với tổng thầu EPC Trung Quốc

Trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Văn Phương, ĐBQH tỉnh Ninh Bình, cho biết những kiến nghị gửi lên Bộ GTVT xuất phát từ bức xúc của cử tri trước tình trạng đội vốn, chậm tiến độ của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và những vướng mắc tại Nhà máy đạm Ninh Bình. Cả 2 dự án đều do tổng thầu EPC Trung Quốc thực hiện.

Nói về việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến tháng 8/2019 vẫn chưa vận hành, ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng Bộ GTVT phải rạch ròi các phần trách nhiệm của Tổng thầu EPC Trung Quốc và của phía Việt Nam để đưa ra một mốc tiến độ sau cùng cho cả dự án.

Bộ GTVT lúng túng khi gặp vấn đề phát sinh với nhà thầu Trung Quốc - Ảnh 2.

Đại biểu Bùi Văn Phương chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn.

Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình cũng là một "trái đắng" trong việc hợp tác với nhà thầu EPC Trung Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư 667 triệu USD, do tổng thầu EPC là Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc) thi công.

Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư cấp than cho nhà thầu phục vụ chạy thử vượt so với hợp đồng EPC. Hợp đồng này còn có điểm bất lợi cho chủ đầu tư về trách nhiệm của nhà thầu khi vượt lượng than chạy thử.

Nhà thầu EPC cũng thi công chậm tiến độ 420 ngày khiến phát sinh chi phí lớn. Riêng số tiền lãi vay đã trả trong thời gian hợp đồng EPC bị kéo dài là 527 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư nhận bàn giao tạm thời công trình từ nhà thầu khi các thông số kỹ thuật chưa đạt, dây chuyền thiết bị hoạt động chưa ổn định.

Đầu năm 2017, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã được tái khởi động bất chấp những vướng mắc với nhà thầu Hoàn Cầu. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã nhiều lần yêu cầu tổng thầu hợp tác để hoàn thiện hồ sơ nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất. Sau hơn 4 năm vận hành thương mại, chủ đầu tư và nhà thầu chưa ký nghiệm thu bàn giao dự án.

Trong văn bản trả lời cử tri và ĐBQH tỉnh Ninh Bình, Bộ GTVT khẳng định trong thời gian tới sẽ quan tâm hơn tới các dự án nếu thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong quá trình đàm phán hiệp định vay vốn với nhà tài trợ nước ngoài, trong đó bao gồm vốn vay của Trung Quốc để công tác lựa chọn nhà thầu cạnh tranh, minh bạch và đạt hiệu quả kinh tế.

Về phía Đoàn ĐHQH tỉnh Ninh Bình, đại biểu Bùi Văn Phương cho biết sẽ nghiên cứu văn bản trả lời của Bộ GTVT, nếu chưa thuyết phục sẽ tiếp tục nêu vấn đề ra trước Quốc hội.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.