Hạ tầng ven biển phía Đông Đà Nẵng ngày càng 'đuối' so với tốc độ phát triển du lịch

Ven biển phía Đông TP Đà Nẵng có tốc độ phát triển du lịch rất nhanh, dẫn đến việc hình thành nhiều khách sạn, các công trình cao tầng. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng kĩ thuật, đặc biệt là vấn đề cấp nước sạch và thu gom, xử lí nước thải của khu vực này chưa theo kịp.

Tài liệu của chúng tôi có được, khu vực ven biển phía Đông TP Đà Nẵng, nơi tập trung nhiều cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ có diện tích khoảng 1.130 ha, nằm trên địa bàn các quận Sơn Trà (654 ha) và Ngũ Hành Sơn (476 ha).

khach san nha hang ven bien da nang

Đường Võ Nguyên Giáp thuộc khu vực biển phía Đông Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Luận).

Khu vực ven biển phía Đông có tốc độ phát triển du lịch rất nhanh, dẫn đến việc hình thành nhiều khách sạn với qui mô khác nhau, các công trình cao tầng thường tập trung ở những trục đường chính.

Cụ thể, khu vực quận Sơn Trà giới hạn bởi các tuyến đường Lê Đức Thọ - Ngô Quyền - Nguyễn Văn Thoại - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa.

Tại đây, các cơ sở lưu trú, nhà hàng tập trung lớn nhất tại một số khu vực ven biển của phường Phước Mỹ (xung quanh các tuyến đường Hồ Nghinh, Dương Đình Nghệ, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại); khu vực ven biển của phường Mân Thái (xung quanh các tuyến đường Hồ Nghinh, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Huy Chương); dọc tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa.

Theo số liệu thống kê từ Sở Du lịch TP Đà Nẵng, khu vực thuộc quận Sơn Trà là khoảng 300 cơ sở lưu trú với khoảng 13.200 phòng. Số lượng nhà hàng trên các trục đường chính là 120.

DSC_3447

Những khách sạn xây dựng hàng loạt ở khu vực ven biển phía Đông Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Luận).

Khu vực quận Ngũ Hành Sơn giới hạn bởi các tuyến đường Nguyễn Văn Thoại - Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến - Huyền Trân Công Chúa - Trường Sa - Võ Nguyên Giáp. 

Các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ tập trung lớn nhất tại khu vực ven biển của phường Mỹ An (xung quanh các tuyến đường Nguyễn Văn Thoại, Lê Quang Đạo, Trần Bạch Đằng, Ngô Thì Sỹ, Hoàng Kế Viêm, Hồ Xuân Hương, đặc biệt là khu vực An Thượng); dọc tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp.

Sở Du lịch cũng cho biết, khu vực thuộc quận Ngũ Hành Sơn là khoảng 140 cơ sở lưu trú với khoảng 5.400 phòng. Số lượng nhà hàng trên các trục đường chính là 130 nhà hàng.

Một số công trình tại khu vực quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đang trong quá trình xây dựng chưa hoàn thiện có qui mô rất lớn, dự kiến sau khi hình thành sẽ gây áp lực không nhỏ đến hệ thống hạ tầng kĩ thuật tại khu vực, đặc biệt là vấn đề cấp nước sạch và thu gom, xử lí nước thải.

toc do phat trien ha tang da nang

Một công trình tại quận Ngũ Hành Sơn đang trong quá trình xây dựng. (Ảnh: Văn Luận).

Nước mưa, nước thải chảy thẳng ra biển

Hiện trạng hệ thống thoát nước hiện nay tại khu vực ven biển phía Đông chủ yếu là hệ thống thoát nước nửa riêng, nước mưa và nước thải thoát chung cùng một hệ thống. Đến vị trí cửa xả, nước thải được tách bằng cấu trúc tách dòng và dẫn về các trạm xử lí nước thải tập trung để xử lí thông qua các trạm bơm.

Khi xảy ra mưa, nước thải và nước mưa hòa trộn và xả ra biển tại vị trí các cửa xả thoát nước. Khả năng thu gom nước thải của toàn bộ hệ thống được quyết định chủ yếu thông qua công suất vận hành của các trạm bơm và đường ống chuyển tải nước thải.

nuoc thai tuon ra bien da nang

Ngày 9/12/2018, tại cống xả Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) nước thải có màu đen ngòm, hôi thối tuôn trực tiếp ra biển. (Ảnh: Văn Luận).

Đáng chú ý, đoạn từ Khách sạn Furama đến đường Huyền Trân Công Chúa chưa có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa và nước thải chảy trực tiếp ra biển.

Đoạn từ đường Huyền Trân Công Chúa đến tỉnh Quảng Nam chưa có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa và nước thải được chảy về sông Cổ Cò.

Phạt hơn 1 tỉ đồng khách sạn, nhà hàng xả thải ô nhiễm biển trong 2 tháng

Đầu tháng 6 vừa qua, Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã xử phạt 630 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả đối với 9 khách sạn ven biển do có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cụ thể, những khách sạn vi phạm bị xử phạt gồm: Balcona Đà Nẵng, TMS Luxury, Risemount Premier Đà Nẵng, Parosand Đà Nẵng, Paris Deli, Lê Hoàng, Hùng Anh, Parze Ocean và Gemma.

Ngoài xử phạt tiền, Sở TN&MT TP Đà Nẵng còn yêu cầu các đơn vị cải tạo hệ thống xử lí nước thải tại khách sạn có công nghệ, công suất xử lí đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Trước đó, trong tháng 5, Chủ tịch UBND TP - Huỳnh Đức Thơ cũng đã ra Quyết định xử phạt công ty CP Paris Deli (trụ sở tại 236 đường Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) 273 triệu đồng.

Phạt 136,5 triệu đồng cá nhân ông Đinh Văn Mai (ngụ đường Lê Hữu Khánh, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) vì đã có hành vi xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kĩ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.

Báo cáo của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 4.326.036 lượt, tăng 15,1% so với cùng kì 2018. Trong đó khách quốc tế ước đạt 1.821.903 lượt, tăng 26,1% so với cùng kì 2018, khách nội địa ước đạt 2.504.133 lượt, tăng 8,3% so với cùng kì 2018.

Tổng thu du lịch ước đạt 14.978 tỉ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2018.

chọn
Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng có thể tìm đến đất nền
Theo các chuyên gia VARS, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền giá không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.