Dự án hơn 280 triệu USD chậm tiến độ của Amata hiện ra sao?

Được cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư vào năm 2015, đến nay giai đoạn 1 dự án khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành của Tập đoàn Amata vẫn chưa khởi công xây dựng hạ tầng.
Dự án hơn 280 triệu USD chậm tiến độ của Amata hiện ra sao? - Ảnh 1.

Khu vực dự kiến triển khai làm Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Tháng 6/2015, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định thành lập Khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao Long Thành và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho CTCP Đô thị Amata Long Thành (thuộc Tập đoàn Amata của Thái Lan).

Dự án có diện tích khoảng 410 ha, nằm trên địa bàn hai xã Tam An, An Phước và thị trấn Long Thành. Đây là dự án KCN công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Đồng Nai, dự kiến khi hoàn thành sẽ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn 2 tỷ USD.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án được chia làm hai giai đoạn để xây dựng. Giai đoạn 1 từ năm 2015 - 2017 và giai đoạn 2 từ năm 2017 - 2020, với tổng vốn đầu tư trên 282 triệu USD.

Tuy nhiên, do vướng mắc về hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai, quy hoạch nên dự án chậm so với tiến độ hơn ba năm. Giai đoạn 1 của dự án đến nay vẫn chưa khởi công xây dựng hạ tầng.

Báo Đồng Nai dẫn thông tin từ phòng Quản lý đất đai của Công ty Amata Long Thành cho biết, việc KCN công nghệ cao Long Thành chậm tiến độ là do vướng vào gần 62 ha đất công nên chưa ký được hợp đồng thuê đất. 

Vừa qua, doanh nghiệp đã kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận ký hợp đồng thuê đất với phần diện tích gần 43 ha đã hoàn thành thủ tục pháp lý trước để xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1. 

Trường hợp ký được hợp đồng thuê đất, công ty sẽ xin cấp phép xây dựng và có thể hoàn thành hạ tầng trong 6 tháng để cho doanh nghiệp thứ cấp thuê đất làm nhà xưởng.

Tính đến đầu tháng 4/2021, dự án KCN công nghệ cao Long Thành đã bồi thường và thu hồi đất được 247 ha của gần 480 hộ dân. Diện tích đất còn lại phải thu hồi có 975 hộ. 

Hiện nay, huyện Long Thành đang tiến hành làm khu tái định cư tại thị trấn Long Thành để bố trí di dời những hộ dân bị giải tỏa trắng để thực hiện dự án.

Hồi tháng 1 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành, huyện Long Thành và Công ty Amata để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Tính đến nay, Tập đoàn Amata đang triển khai 4 dự án tại huyện Long Thành, gồm KCN công nghệ cao Long Thành; dự án Thành phố Amata Long Thành; khu đô thị dịch vụ Long Thành 1 và Long Thành 2.

Tuy nhiên, cũng giống như KCN công nghệ cao Long Thành, hai dự án khu đô thị Amata được cấp phép đầu tư đầu năm 2016, đến nay cũng mới trong quá trình điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng.

Theo kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, năm 2021, Đồng Nai triển khai 1.900 dự án với tổng diện tích khoảng 26.000 ha. Trong đó, chỉ có 250 dự án mới, còn lại đều là các dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua.

Theo các chủ đầu tư đã và đang thực hiện dự án ở Đồng Nai, bình quân một dự án nếu thuận lợi về khâu thủ tục cần khoảng 2 - 3 năm mới hoàn thành, nếu phải thu hồi đất mất thêm 2 - 3 năm nữa. Như vậy, một dự án muốn thực hiện xong cần 5 - 6 năm.

Dự án kéo dài 8 - 10 năm cũng không ít, bởi trong quá trình thực hiện các thủ tục, nếu quy hoạch đất đai và quy hoạch xây dựng không phù hợp thì sẽ mất nhiều thời gian điều chỉnh, hoặc do đơn vị tư vấn yếu dẫn đến công trình khi khởi công phải điều chỉnh, hay do khi bồi thường giải phóng mặt bằng người dân không đồng thuận về giá,... Có những dự án chỉ vướng một vài hộ dân chưa đồng tình giao đất nên không thể khởi công.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.