Tập đoàn Amata đã rót bao nhiêu tiền vào Đồng Nai?

Tập đoàn Amata đang triển khai 4 dự án tại huyện Long Thành gồm: Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành; Dự án Thành phố Amata Long Thành; Dự án đô thị dịch vụ Long Thành 1 và Long Thành 2.

Thông tin từ Báo Đồng Nai, đến nay, Tập đoàn Amata đã đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng để thực hiện 4 dự án trên địa bàn huyện Long Thành. Trong đó, riêng chuyển tiền bồi thường giải phóng mặt bằng gần 507 tỷ đồng. Số tiền này doanh nghiệp ứng trước để chi trả cho người dân bị thu hồi đất để triển khai dự án. 

Những dự án này được Tập đoàn Amata giao cho CTCP Đô thị Amata Biên Hòa triển khai từ năm 2015 đến nay. Cụ thể, gồm Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành và 3 dự án khu đô thị thương mại dịch vụ. Hiện dự án đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Tập đoàn Amata đã rót bao nhiêu tiền vào Đồng Nai? - Ảnh 1.

Phối cảnh Khu phức hợp công nghiệp đô thị – dịch vụ Long Thành. (Ảnh: amata.com).

Theo tìm hiểu, Amata là một trong hai tập đoàn của Thái Lan có nguồn vốn đầu tư vào Đồng Nai lớn nhất (chỉ sau Tập đoàn CP).

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành, huyện Long Thành và CTCP Đô thị Amata Biên Hòa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 4 dự án của doanh nghiệp.

Cụ thể, 4 dự án gồm: Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành khoảng 410 ha; Dự án Thành phố Amata Long Thành; Dự án đô thị dịch vụ Long Thành 1 và Long Thành 2.

Theo chủ đầu tư, với dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành đã được cấp phép đầu tư từ tháng 6/2015, đến nay đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được gần 242 ha. Do đó, doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh ký hợp đồng thuê đất trước đối với diện tích gần 43 ha đã hoàn tất các thủ tục pháp lý. 

Còn 3 dự án khu đô thị đều đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Hiện chủ đầu tư đang triển khai dự án nhưng gặp một số khó khăn trong thu hồi đất, triển khai đầu tư tuyến đường Hương lộ 2, nút giao Hương lộ 2 với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, di dời bãi rác Liên Kim Sơn, xin gia hạn dự án,...

Tập đoàn Amata được thành lập năm 1989 và có trụ sở chính tại Bangkok (Thái Lan), là nhà phát triển khu công nghiệp nổi tiếng trên thế giới. Tập đoàn này, chính thức niêm yết trên Sở GDCK Thái Lan (SET) từ năm 1997. Đây cũng là tập đoàn niêm yết lớn nhất của Thái Lan trong lĩnh vực bất động khu công nghiệp.

Doanh nghiệp này tham gia vào thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam từ năm 1994 với khu công nghiệp Amata tại Biên Hòa, Đồng Nai, diện tích 700 ha. Sau dự án này, Amata xin đầu tư dự án thứ hai là Amata City Long Thành với diện tích 1.265 ha gồm khu công nghệ cao, khu dịch vụ, đại đô thị.

Tại Đồng Nai, Amata đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư 3 dự án gồm: Khu công nghiệp công nghệ cao Amata Long Thành có qui mô 410 ha, vốn đầu tư 282 triệu USD; Khu đô thị dịch vụ Amata Long Thành 1, diện tích hơn 5,5 ha, vốn đầu tư 23 triệu USD; TP Amata Long Thành với tổng vốn đăng ký 309 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 753,1 ha.

Mới đây, Khu đô thị Amata Long Thành thuộc Khu phức hợp công nghiệp, đô thị - dịch vụ Long Thành đã được UBND tỉnh Đồng Nai duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.