Dự án sân bay Long Thành: Những điểm bất hợp lí trong khung giá đất bồi thường, hỗ trợ

Nguyên nhân chính yếu dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng chậm đó là chính sách áp giá bồi thường, giá hỗ trợ và tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có đất bị Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân.

Trước thực trạng giải phóng mặt bằng (GPMB) cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (CHKQTLT – Sân bay Long Thành) có nguy cơ chậm tiến độ, Hội đồng bồi thường CHKQTLT đã tổ chức rất nhiều cuộc họp với người dân trong vùng dự án để triển khai và thông báo đến người dân về giá bồi thường, giá hỗ trợ và tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có đất bị Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án.

Ghi nhận tại các buổi đối thoại của người dân với Hội đồng bồi thường GPMB về vấn đề giá đất, nhiều người dân đã không đồng tình và với các Quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai về giá đất bồi thường, giá đất hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi. Đây là lí do chính dẫn đến công tác GPMB đang tiến triển rất chậm.

Vì sao giá đất nông nghiệp Dự án sân bay Long Thành lại thấp hơn nhiều so với dự án Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết?

Đây là một trong những vấn đề được người dân nhiều lần đề cập tại các cuộc họp với Hội đồng bồi thường. 

Theo Quyết định số 1213 và số 1214 ngày 17/4/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt giá bồi thường đất nông nghiệp cho Dự án sân bay Long Thành thấp hơn rất nhiều so với giá đất bồi thường của Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Dự án cao tốc DG-PT) đoạn qua tỉnh Đồng Nai. 

Trong khi đó, giá đất bồi thường Dự án cao tốc Dầu Dây - Phan Thiết đoạn đi qua các khu vực huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ đều ở mức cao hơn rất nhiều, dù có vị trí sâu, xa hơn nhiều so với vị trí đất tại Dự án sân bay Long Thành (so sánh với khoảng cách đến TP HCM, khoảng cách đến trung tâm hành chính huyện).

GPMB sân bay Long Thành nguy cơ chậm tiến độ, đâu là nguyên nhân? - Ảnh 1.

Giá đất bồi thường Dự án sân bay Long Thành theo Quyết định số 1213 và số 1214

Cụ thể, theo Bảng giá đất từ năm 2020 - 2024 ban hành kèm theo Quyết định số 49 ngày 31/12/2019, giá đất ở nông thôn đường Tỉnh lộ 769 đoạn qua xã Lộ 25, huyện Thống Nhất (khu vực Dự án cao tốc DG-PT) thấp hơn so với giá đất ở nông thôn Đường Tỉnh lộ 769 đoạn qua xã Bình Sơn (khu vực làm Dự án Sân bay Long Thành).

Cùng đi trên Đường tỉnh lộ 769, khoảng cách từ trung tâm huyện Long Thành đến xã Bình Sơn chỉ có 9,1 km; trong khi khoảng cách từ trung tâm huyện Long Thành đến xã Lộ 25 là 22 km và khoảng cách từ trung tâm huyện Thống Nhất đến xã Lộ 25 là 14 km. 

Tuy nhiên, giá đất bồi thường đất nông nghiệp theo Quyết định số 1213 và số 1214 ngày 17/4/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai lại qui định khung giá đền bù cho đất nông nghiệp Bình Sơn thấp hơn so với giá đất theo Quyết định số 3959 ngày 5/12/2019 phê duyệt giá đất bồi thường đoạn qua huyện Thống Nhất.

GPMB sân bay Long Thành nguy cơ chậm tiến độ, đâu là nguyên nhân? - Ảnh 2.

Nguồn: Quyết định số 3959 ngày 5/12/2019 phê duyệt giá đất bồi thường đoạn qua huyện Thống Nhất, Quyết định số 3960 ngày 5/12/2019 phê duyệt giá đất bồi thường đoạn qua huyện Cẩm Mỹ và Quyết định số 1536 ngày 15/5/2020 phê duyệt giá đất bồi thường đoạn qua huyện Xuân Lộc.

Tương tự, Bảng giá đất từ năm 2020 - 2024 ban hành kèm theo Quyết định số 49 ngày 31/12/2019, giá đất ở nông thôn tất cả các nhóm đường ở xã Xuân Phú, Xuân Tâm - huyện Xuân Lộc; xã Sông Nhạn, Nhân Nghĩa, Xuân Bảo - huyện Cẩm Mỹ đều thấp hơn so với giá đất ở nông thôn xã Bình Sơn - huyện Long Thành.

Mặc dù vậy, theo các Quyết định số 3959 ngày 5/12/2019 phê duyệt giá đất bồi thường đoạn qua huyện Thống Nhất, Quyết định số 3960 ngày 5/12/2019 phê duyệt giá đất bồi thường đoạn qua huyện Cẩm Mỹ và Quyết định số 1536 ngày 15/5/2020 phê duyệt giá đất bồi thường đoạn qua huyện Xuân Lộc thì giá đất bồi thường của Dự án Cao tốc DG-PT qua các địa phương trên lại cao hơn rất nhiều so với giá đất bồi thường tại xã Bình Sơn (khu vực Dự án sân bay Long Thành).

Theo phản ánh của ông N.V.N, đại diện người dân xã Bình Sơn, chính sách giá đất bồi thường như vậy là quá thiệt thòi cho dân, bởi bên cạnh việc nhận tiền bồi thường thấp hơn, người dân có đất thu hồi ở xã Bình Sơn bị thu hồi toàn bộ diện tích đất đang sử dụng, phải di chuyển chổ ở đi nơi khác, nên không được hưởng bất kỳ lợi ích, tiện ích nào từ dự án mang lại. So với dự án cơ sở hạ tầng, đường xá như Dự án cao tốc DG-PT thì người dân trong vùng dự án này được hưởng lợi thêm từ tiện ích của dự án mang lại và diện tích còn lại (đất không bị thu hồi) được tăng giá thị trường so với trước khi bị thu hồi đất.

"Ba điểm chưa hợp lí tại Quyết định số 49 về giá hỗ trợ"

Về giá hỗ trợ đất nông nghiệp theo Bảng giá đất từ năm 2020 đến 2024 ban hành kèm theo Quyết định số 49 ngày 31/12/2019, theo đại diện người dân Bình Sơn, Quyết định trên có nhiều điểm chưa phù hợp.

Thứ nhất, theo Bảng giá đất từ năm 2020 đến 2024 ban hành kèm theo Quyết định số 49 ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Đồng Nai thì giá đất tính tiền hỗ trợ Dự án CHKQTLT thấp hơn so với giá đất các xã Bình An, Cẩm Đường thuộc huyện Long Thành dù các xã Bình An, Cẩm Đường - những nơi có vị trí sâu, xa hơn nhiều so với vị trí Dự án CHKQTLT. 

GPMB sân bay Long Thành nguy cơ chậm tiến độ, đâu là nguyên nhân? - Ảnh 3.

Giá đất tính tiền hỗ trợ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

GPMB sân bay Long Thành nguy cơ chậm tiến độ, đâu là nguyên nhân? - Ảnh 4.

Giá đất tính tiền hỗ trợ các xã Bình An, Cẩm Đường

Thứ hai, các phần đất trong Dự án CHKQTLT trước đây thuộc xã Cẩm Đường, Long An, Bàu Cạn, Long Phước; đến ngày 1/6/2019 được sáp nhập về xã Bình Sơn theo Nghị quyết số 673 ngày 1/4/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. 

Theo ông H.V.Q, đại diện người dân Bình Sơn, mặc dù mới sáp nhập chỉ được 7 tháng (từ ngày 1/6/2019 đến ngày Bảng giá đất có hiệu lực - ngày 1/1/2020), nhưng lại tính giá đất hỗ trợ theo giá đất xã Bình Sơn và giá này thấp hơn nhiều so với giá đất xã Cẩm Đường, Long An, Bàu Cạn, Long Phước, ngoài khu vực Dự án CHKQTLT. 

Điều này theo đại diện người dân là rất bất hợp lí. Bởi việc sáp nhập vào xã Bình Sơn là thủ tục hành chính của Nhà nước, sau khi sáp nhập chỉ 7 tháng mà lại tính giá đất hỗ trợ thấp khiến nhiều người dân có đất tại các xã Cẩm Đường, Long An, Bàu Cạn, Long Phước sáp nhập vào xã Bình Sơn để làm Dự án sân bay Long Thành phải chịu thiệt.

GPMB sân bay Long Thành nguy cơ chậm tiến độ, đâu là nguyên nhân? - Ảnh 5.

Giá đất tính tiền hỗ trợ của các thửa đất trong Dự án CHKQTLT trước đây thuộc xã Cẩm Đường, Long An, Bàu Cạn, Long Phước (nay thuộc xã Bình Sơn) theo Quyết định số 49.

GPMB sân bay Long Thành nguy cơ chậm tiến độ, đâu là nguyên nhân? - Ảnh 6.

Giá đất các xã Cẩm Đường, Long An, Bàu Cạn, Long Phước ngoài khu vực Dự án CHKQTLT theo Quyết định số 49.

Thứ ba, theo Khoản 4, Điều 7, Quyết định số 49, UBND tỉnh Đồng Nai hướng dẫn cách tính giá đất của các thửa đất mặt tiền (vị trí 1), từ mốc lộ giới đến hết mét thứ 50 tính giá đất vị trí 1, từ mét thứ 51 đến hết mét 100 tính 80% giá đất vị trí 1 và từ mét thứ 101 đến hết chiều sâu thửa đất tính 50% giá đất vị trí 1. 

Theo phản ánh của người dân, qui định này là rất bất cập, bởi vì theo cách tính này thì giá đất bình quân/m2 những thửa đất mặt tiền có chiều sâu trên 50 mét thấp hơn giá đất vị trí 2, vị trí 3 (là các thửa đất trong hẻm), thậm chí còn thấp giá đất vị trí 4 (là các thửa đất trong hẻm nhỏ hoặc không có đường vào).

Lấy ví dụ, một thửa đất trồng cây hàng năm, mặt tiền đường Hương lộ 10 đoạn qua Dự án CHKQTLT là thửa đất có vị trí 1, giá đất theo Quyết định số 49 là 160.000 đồng/m2.

Nếu thửa đất này có chiều sâu từ 108 trở lên thì có giá đất bình quân 1 m2: chỉ từ 139.259 đ/m2 trở xuống, giá này còn thấp hơn giá đất Vị trí 2 (140.000 đồng/m2); Nếu thửa đất này có chiều sâu từ 129m trở lên thì có giá đất bình quân 1 m2 chỉ từ 129.612 đồng/m2 trở xuống; còn thấp hơn giá đất Vị trí 3 (130.000 đ/m2); Nếu thửa đất này có chiều sâu từ 214 trở lên thì có giá đất bình quân 1 m2: chỉ từ 109.907 đ/m2 trở xuống, thấp hơn giá đất vị trí 4 (110.000 đ/m2).

Từ những điểm bất hợp lí trên, người dân sản xuất nông nghiệp có đất bị Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án CHKQTLT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và Hội đồng bồi thường điều chỉnh lại các Quyết định về giá bồi thường, giá hỗ trợ đất nông nghiệp cho hợp lí, nhằm đảm bảo công bằng đối với dự án khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có vị trí tương đồng hoặc sâu, xa hơn Dự án CHKQTLT. 

Ông H.V.Q, đại diện người dân tại Dự án CHKQTLT cho biết, "người dân Bình Sơn tha thiết mong Nhà nước điều chỉnh giá bồi thường, giá hỗ trợ đất nông nghiệp thỏa đáng để tự nguyện giao đất cho Nhà nước để thực hiện dự án trọng điểm quốc gia".

Đối với giá bồi thường đất nông nghiệp Dự án CHKQTLT, người dân đề xuất giá bồi thường ít nhất cũng bằng giá bồi thường của Dự án cao tốc DG-PT; về giá hỗ trợ đất nông nghiệp Dự án CHKQTLT, đề nghị bằng với giá đất của các xã Bình An, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An, Long Phước của huyện Long Thành.

Đối với giá hỗ trợ đất nông nghiệp Dự án CHKQTLT đối với các thửa đất mặt tiền đường giao thông chính có chiều sâu trên 50 mét, đề nghị tính theo Khoản 2, Điều 6, Quyết định số 64/2014/QĐ-UBND- ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Bảng giá đất từ 2015 - 2019. 

Cụ thể, thửa đất mặt tiền đường giao thông chính có chiều sâu đến hết 200 mét tính giá đất vị trí 1, phần thửa đất phía sau vị trí 1 có chiều sâu từ 201 mét đến hết 300 mét tính giá đất vị trí 2, phần thửa đất phía sau vị trí 2 có chiều sâu từ 301 mét đến hết 500 mét tính giá đất vị trí 3.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.