Dự án xử lý chất thải gần 1.500 tỷ ở Sóc Sơn dự kiến hoàn thành trong 2023

Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II tại huyện Sóc Sơn thực hiện từ năm 2012, tổng mức đầu tư dự án là 1.487 tỷ đồng, do vướng mắc giải phóng mặt bằng nên đã 4 lần phải điều chỉnh thời gian thực hiện.

Theo Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội, ngày 18/10, đoàn giám sát số 1 của thành phố đã làm việc với Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Hạ tầng Kỹ thuật và Nông nghiệp.

Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện Ban Quản lý cho biết, Theo các quyết định của thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp được giao chủ đầu tư 6 dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, có hai dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020, gồm: Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II tại huyện Sóc Sơn.

Ngoài ra, còn có 4 dự án giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ; xây dựng thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu sông Nhuệ; xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc.

Đối với hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, hiện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, thu hồi đất khu vực nhà máy với diện tích khoảng 14 ha; thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình và lựa chọn nhà thầu thi công cho 4 gói thầu xây lắp. Lũy kế giải ngân đến nay là 3.062 tỷ đồng, với thời gian thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2021.

Tuy nhiên, do dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dẫn đến gói thầu số 3, 4 mới hoàn thành được 10% và 20% khối lượng hợp đồng. Hiện nay, UBND TP đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025. Đồng thời, Ban Quản lý dự án đang đôn đốc các đơn vị thực hiện, dự kiến hết năm 2025 hoàn thành dự án.

Về khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II tại huyện Sóc Sơn, thời gian thực hiện từ năm 2012 - 2022. Tổng mức đầu tư dự án là 1.487 tỷ đồng, nhưng do vướng mắc giải phóng mặt bằng nên đã 4 lần phải điều chỉnh thời gian thực hiện.

Đến nay, dự án còn 35 trường hợp, diện tích 2,2 ha đã phê duyệt phương án, chưa bàn giao mặt bằng. Hiện, Ban Quản lý dự án đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện và dự kiến hết năm 2023 hoàn thành dự án.

Đối với các dự án chuẩn bị triển khai trong năm 2022 - 2023, hiện cả 4 dự án đều trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Năm nay, Ban Quản lý dự án có 38 dự án được giao kế hoạch vốn là 3.074 tỷ đồng.

Lãnh đạo thành phố đề nghị Ban Quản lý dự án tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan rà soát các vấn đề tồn đọng, kịp thời báo cáo UBND TP để giải quyết; rút ngắn thời gian thẩm định và bảo đảm tiến độ.

Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị, Ban Quản lý dự án cẩn trọng trong khâu lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn đấu thầu đủ năng lực chuyên môn.

Cùng ngày, đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã làm việc với Ban cán sự Đảng UBND TP về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố.

Đến nay, các dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021 - 2025, đối với 32 dự án trọng điểm dự kiến đầu tư có sử dụng nguồn vốn Ngân sách thành phố, có 8 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 đang triển khai thực hiện.

Đối với 24 dự án mới, tính đến thời điểm hiện nay, có 9 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư (trong đó có 3 dự án đã có quyết định phê duyệt dự án); 7 dự án đã được giao nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; 8 dự án chưa có Quyết định giao nhiệm vụ. 1 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã được triển khai từ giai đoạn trước và dự kiến hoàn thành cuối năm nay.

Đối với 6 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, 1 dự án do Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tham mưu; 2 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định chủ trương đầu tư; 1 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị có liên quan trước khi tham mưu UBND TP ban hành Quyết định.

1 dự án thành phần (nằm trong dự án thành phố thông minh đã được UBND TP quyết định chủ trương đầu tư) hiện đang thực hiện thiết kế cơ sở và công tác giải phóng mặt bằng được khoảng 9/13ha; 1 dự án chưa có hồ sơ đề xuất.

Theo lãnh đạo thành phố, trong quá trình thực hiện còn gặp vướng mắc về công tác GPMB, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao và chậm các thủ tục phê duyệt dự án.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.