Dự báo giá heo hơi trên thị trường ngày 25/5 vẫn tiếp tục xu hướng tăng?

Sáng nay (24/5), giá heo hơi tăng mạnh đến 3.000 đồng/kg, cao nhất 69.000 đồng/kg. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang nhận định, dịch tả heo châu Phi đang lan rộng với diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn huyện Sơn Động.

Giá heo hơi tiếp đà tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg

Qua khảo sát, khu vực miền Bắc chứng kiến giá heo hơi tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Sau điều chỉnh, heo hơi tại các tỉnh Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Thái Bình và Hà Nội được thu mua trong khoảng 68.000 - 69.000 đồng/kg - tăng 1.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Ninh Bình triển khai mức tăng 2.000 đồng/kg, nâng giá heo hơi lên mức cao nhất 69.000 đồng/kg.

Thị trường heo hơi miền Trung - Tây Nguyên trong khoảng 64.000 - 68.000 đồng/kg. Trong đó, các địa phương Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Bình Thuận và Lâm Đồng triển khai giá heo hơi trong khoảng 65.000 - 68.000 đồng/kg - ghi nhận cùng tăng 1.000 đồng/kg.

Giá heo hơi miền Nam cũng tăng theo xu hướng chung. Cụ thể, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, giá heo hơi tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu, Vĩnh Long và Bến Tre trong khoảng 67.000 - 68.000 đồng/kg. Thương lái tại Long An và Tiền Giang thu mua heo hơi chung mốc 69.000 đồng/kg, tại Cà Mau là 68.000 đồng/kg và tại Trà Vinh là 66.000 đồng/kg - tăng 2.000 đồng/kg. Với mức tăng 3.000 đồng/kg, heo hơi tại Bạc Liêu và Sóc Trăng được triển khai tại mốc 67.000 đồng/kg và 68.000 đồng/kg.

Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng nhẹ ở một vài nơi vào ngày mai do thị trường đang trên đà tăng.

Ảnh: Lạc Yên

Bắc Giang thực hiện biện pháp phòng ngừa, không để dịch tả heo châu Phi lan rộng

Tại tỉnh Bắc Giang, những ngày gần đây, trên địa bàn một số xã thuộc huyện Sơn Động xuất hiện tình trạng heo ốm, chết do nhiễm dịch tả heo châu Phi.

Tính đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại một số xã gồm: Yên Định, An Lạc, Tuấn Đạo, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động; trong đó, tại xã Yên Định đã chôn huỷ 35 con heo ở các thôn Tiên Lý, Khe Táu, Đồng Chu; xã An Lạc đã chôn hủy 3 con; xã Tuấn Đạo đã chôn hủy 7 con; thị trấn Tây Yên Tử  chôn hủy 2 con mắc bệnh dịch tả heo châu Phi...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang nhận định, dịch tả heo châu Phi đang lan rộng với diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn huyện Sơn Động.

Trước tình hình trên, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Ngay sau khi có kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi, các địa phương đã tiến hành khoanh vùng bao vây ổ dịch, nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo mắc bệnh; tiêu hủy toàn bộ heo ốm chết theo đúng quy định.

Tại các xã, thị trấn có dịch và vùng bị dịch uy hiếp (các xã tiếp giáp với ổ dịch) thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo. Các xã, thị trấn tiếp giáp với vùng bị dịch thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thành lập Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện Sơn Động gồm 5 thành viên. Tổ công tác có nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện Sơn Động; hướng dẫn khoanh vùng ổ dịch, vệ sinh tiêu độc khử trùng, chôn hủy heo mắc bệnh và tổng hợp báo cáo theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết, dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn huyện Sơn Động chủ yếu là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít, chăn thả tự do không thực hiện theo phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học phòng chống dịch bệnh, theo baotintuc.vn.

Xem thêm: Dự báo giá heo hơi xuất chuồng trong thời gian tới và giá cả thị trường hôm nay.

chọn
Hình ảnh KCN Sạch rộng gần 145 ha đang xây dựng ở huyện Ân Thi và Khoái Châu, Hưng Yên
Khu công nghiệp Sạch tỉnh Hưng Yên có quy mô 143,08 ha, tổng vốn đầu tư 1.788,59 tỷ đồng, hoạt động đến năm 2071 tại xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu và xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.