Khu căn cứ cách mạng K20 ở khối phố Đa Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng là địa bàn trọng yếu để xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng ngay trong lòng địch vào những năm chiến tranh.
Ngày đó, nhà nào ở Đa Mặn cũng làm hầm để trú ẩn và nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Khu căn cứ cách mạng K20 Đà Nẵng được trùng tu đưa vào khai thác du lịch. |
Giờ đây, Khu K20 trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Những căn hầm bí mật ngày nào nay đang hấp dẫn nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài.
Dưới nền nhà của gia đình ông Huỳnh Trưng, ở khối phố Đa Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng vẫn còn nguyên căn hầm bí mật, nơi trú ẩn và nuôi giấu cán bộ cách mạng thời chiến tranh. Chính căn hầm này đã che chở hàng trăm cán bộ, bộ đội ta trong những năm chiến tranh.
Ông Huỳnh Trưng kể, ngày đó, khối phố Đa Mặn nằm cách biệt giữa đồng trũng, bao bọc bởi các con sông nên gọi là “Xóm Mồ Côi”. Khi Mỹ xây dựng sân bay quân sự Nước Mặn phục vụ chiến tranh, khối Đa Mặn nằm giữa lòng địch. Nơi đây trở thành vùng đệm để cán bộ cách mạng, bộ đội và du kích ta làm bàn đạp tấn công vào căn cứ Mỹ.
Hầm trú ẩn nuôi giấu cán bộ cách mạng dưới nền nhà của ông Huỳnh Trưng ở Khu căn cứ cách mạng K20. |
Quận ủy Quận 3 thành phố Đà Nẵng đặt tên là K20 để làm mật hiệu liên lạc. Nhà nào cũng có hầm trú ẩn và đèn báo hiệu. Mỗi lần địch về, bà con tắt đèn; khi không có địch mọi người thắp đèn dầu báo hiệu cho cán bộ cách mạng và bộ đội bên kia sông sang hoạt động.
Ông Huỳnh Trưng rất vui khi căn nhà của ông nằm trong quần thể Di tích Khu căn cứ cách mạng K20 được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, được nhà nước đầu tư trùng tu, tôn tạo. Ông vừa là nhân chứng sống, vừa là “thuyết minh viên” cho nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, trong đó có cả các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Nước Mặn.
Tại Di dích Khu căn cứ Cách mạng K20 có hơn 150 hầm công sự bí mật là nơi trú ẩn và nuôi giấu cán bộ cách mạng và bộ đội ta. Nhà ít thì một hầm, nhiều nhà có từ 3-5 hầm dưới nền nhà, thậm chí dưới chuồng nuôi gia súc.
Đặc biệt, trong những năm chiến tranh, dân quân, du kích địa phương còn đào được 2 đường hầm bí mật, mỗi hầm dài hơn 100m nối thông qua nhiều gia đình. Đường hầm này có hai cửa miệng thoát ra phía bờ sông Cổ Cò. Do nhà dân ở giữa lòng di tích nên hiện nay, phần lớn các hầm bí mật bị san lấp hoặc phá bỏ, chỉ còn một số ít gia đình giữ hầm nguyên vẹn.
Năm 2010, Di tích Khu căn cứ Cách Mạng K20 được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. UBND thành phố Đà Nẵng đầu tư hơn 36 tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo, di tích, trong đó phục hồi lại một số hầm công sự, đưa vào khai thác du lịch.
Các em học sinh tham quan hầm bí mật tại nhà ông Huỳnh Trưng. |
Em Nguyễn Ngân, học sinh trưởng Tiểu học Lê Lai, quận Ngũ Hành Sơn rất thích thú khi tham quan những hầm bí mật này: “Em được đi tham quan di tích lịch sử, thích nhất là được chui xuống hầm ở nhà ông Huỳnh Trưng.
Em biết được đó là nơi ông cha mình nuôi giấu cán bộ cách mạng trong chiến tranh. Em được học, bây giờ em được trải nghiệm, hiểu thêm về lịch sử”.
Sau hơn 2 năm đưa vào khai thác du lịch, Di tích Khu căn cứ cách mạng K20 đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài. Ông Đỗ Dũng, Phó Ban quản lý Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, khu di tích nằm giữa lòng thành phố, trong nhà dân còn lưu giữ nguyên trạng nhiều căn hầm bí mật.
“Lâu nay đã giới thiệu hầm bí mật đó rồi, khách xuống và có cảm giác nhìn lại quá khứ, có cảm giác thú vị. Vì vậy, cần thiết phải khôi phục lại di tích địa đạo, khôi phục bờ tre quanh làng, khôi phục hầm địa đạo và số hầm trong dân, hình thành khu sinh hoạt động đồng chung. Các cơ quan, đoàn thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa, về nguồn”, ông Dũng nói.
Đà Nẵng: Thành phố '4 an'
Là trọng điểm du lịch của cả nước, tập trung nhiều cơ sở dịch vụ phục vụ du khách, tiềm ẩn nguy cơ mất an ... |