Nằm tại cửa ngõ Đông Bắc TP HCM, tâm điểm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đại học Quốc gia TP HCM (ĐHQG - HCM) có vị trí tiếp giáp Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A và gần khu công nghệ cao, khu chế xuất Linh Trung, làng văn hóa các dân tộc, khu công nghiệp Sóng Thần...
Đến năm 2020, với tổng diện tích 643,7 ha theo mô hình đô thị đại học hiện đại, ĐHQG-HCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam với 38 đơn vị. Trong tổng diện tích 643,7 ha, có 121,7 ha thuộc TP Thủ Đức, TP HCM và 522 ha thuộc TP Dĩ An - tỉnh Bình Dương.
Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng ĐHQG - HCM đã có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung khu quy hoạch ĐHQG - HCM.
Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng ĐHQG - HCM (chủ dự án), vị trí xây dựng dự án thuộc địa bàn các phường Linh Trung, phường Linh Xuân, phường Bình Thắng, phường Đông Hoà có diện tích là 643,7 ha theo quy hoạch.
Giới hạn của khu vực xây dựng là phía bắc giáp phần còn lại phường Bình Thắng, giáp phường Bình An, giáp phần còn lại phường Đông Hòa - TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương; phía nam giáp quốc lộ 1, Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, Trường Đại học Thể dục Thể thao Trung ương II và Viện Công nghệ sinh học nhiệt đới.
Phía đông giáp Trường Đại học An Ninh, quốc lộ 1 và khu dân cư phường Đông Hòa - TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Phía tây nam giáp phần còn lại của phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP HCM.
Về hiện trạng sử dụng đất, khu đất được giao cho ĐHQG - HCM triển khai thực hiện dự án từ năm 2001 đến nay, hiện đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng, nhiều khu vực đã thực hiện đầu tư xây dựng công trình kiến trúc và các tuyến hạ tầng giao thông.
Theo quy hoạch năm 2014, dự án ĐHQG - HCM được chia thành các khu vực chức năng gồm khu trung tâm điều hành và dịch vụ công cộng; khu đào tạo gồm các trường và các khoa; khu viện trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; khu ký túc xá và nhà công vụ; khu công viên cây xanh mặt nước và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Hiện nay, các khu chức năng thuộc khu quy hoạch ĐHQG - HCM đang tiến hành giải phóng mặt bằng và tái định cư. Phần lớn các khu chức năng đều vẫn còn vướng giải phóng mặt bằng. Các dự án thuộc ĐHQG - HCM được xây dựng theo hình thức vừa giải phóng mặt bằng vừa xây dựng dự án, các khu chức năng nằm xem kẽ với các hộ dân.
Về hiện trạng giao thông, các tuyến đường trong khu vực quy hoạch hiện nay đã thi công được 20 km/31,8 km (nền đường, lòng đường) (năm 2014 xây dựng đạt gần 14 km đường) trong khung đuờng bộ theo quy hoạch.
Các hạng mục khác trên tuyến cũng đang dần hoàn thiện như cây xanh, vỉa hè,… Với khoảng 70 ha đường giao thông bao gồm hệ thống đường chung của ĐHQG - HCM và các tuyến nội bộ trong khuôn viên các trường.
Về hạng mục chính của dự án, với Trường Đại học Công nghệ Thông tin, dự án sẽ xây mới khối phòng học - phòng máy thực hành A và nhà tập luyện thể dục thể thao với tổng diện tích 7.200 m2.
Với Đại học Khoa học Tự nhiên, dự án sẽ xây dựng các phòng Bộ môn và phòng thí nghiệm giai đoạn 2; nhà 2 phòng thí nghiệm II; trung tâm sáng tạo sinh viên; khu xưởng thực hànhvà hai trường Phổ thông Năng khiếu, tổng diện tích của các dự án này hơn 4,5 ha.
Với Đại học Kinh tế - Luật, dự án sẽ xây mới trung tâm Nghiên cứu Phát triển Chính sách và khối lớp học, tổng diện tích hai dự án này 4.856 m2.
Với Khoa Y, dự án sẽ xây mới trung tâm nghiên cứu và các khối nhà khoa Y, tổng diện tích hai dự án này là 9,6 ha.
Với Đại học Bách Khoa, dự án sẽ xây mới nhà học tập và thí nghiệm; xưởng thực nghiệm và thư viện - giảng đường, tổng diện tích của các dự án này là hơn 8 ha.
Khu trung tâm Thể dục Thể thao sẽ xây mới nhà thi đấu đa năng 4.000 chỗ với tổng diện tích gần 5 ha.
Khu ký túc xá sẽ xây mới 7 tòa nhà lý túc xá mới, với tổng diện tích hơn 1,5 ha.
Về tiến độ, dự án được chủ đầu tư triển khai nghiên cứu, dự kiến xây dựng từ năm 2024 đến năm 2030. Với tổng mức vốn đầu tư là là 26.804 tỷ đồng.
Về Quy hoạch hệ thống công trình giao thông của khu quy hoạch ĐHQG - HCM, Khu ĐHQG-HCM nằm tiếp giáp với hai tuyến giao thông đường bộ đối ngoại lớn.
Trong đó, quốc lộ 1 (đoạn xa lộ Hà Nội) là tuyến đường giao thông huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, có vai trò quan trọng trong việc kết nối 3 điểm tam giác kinh tế là Hồ Chí Minh – Biên Hoà – Bình Dương.
Đoạn qua khu vực ĐHQG - HCM có lộ giới 113,5 m với 8 làn chính ưu tiên cho xe cơ giới (mỗi bên rộng 16m), dải phân cách giữa rộng 4 m, đường song hành hai bên rộng 10,5 m, dải cây xanh cách ly về phía ĐHQG - HCM rộng 30 m (có bố trí tàu điện đô thị trên cao) và phía đối diện là 16,5 m, vỉa hè mỗi bên rộng 5,0m.
Quốc lộ 1 (đoạn xa lộ Đường Xuyên Á) nằm về phía Nam khu đại học, thuộc tuyến đường vành đai 2 của TP HCM được hoạch định có lộ giới rộng 120 m, với 14 làn chính ưu tiên cho xe cơ giới (mỗi bên rộng 28,5 m), dải phân cách giữa rộng 4 m, đường song hành hai bên rộng 7,5 m, vỉa hè rộng 6 m và hai dải cây xanh cách ly giữa đường chính và đường song hành rộng 16 m.
Quốc lộ 1K tiếp cận với khu ĐHQG - HCM ở phía tây bắc, tuyến kết nối TP Biên Hòa với TP Dĩ An và nhập vào quốc lộ 1 (đường vành đai 2 TP HCM).
Tuyến được quy hoạch có quy mô rộng 120 m. Các tuyến kết nối trực tiếp từ khu ĐHQG - HCM với quốc lộ 1K bao gồm đường trục trung tâm TP Dĩ An (đường Đông Tây 01) kéo dài đến đường vành đai 3, đường Ngôi Sao kết nối đến vành đai 2.
Bên cạnh đó, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên (đang triển khai thi công) dài 19,7 km (2,6 km đi ngầm, 17,1 km đi trên cao), toàn tuyến có 14 nhà ga, depot đặt tại khu vực phường Long Bình.
Theo kế hoạch ban đầu dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. DOng vì những vấn đề về chậm giải phóng mặt bằng đến hiện tại dự án xin lùi thời gian nghiệm thu và vận hành thương mại đến tháng 7/2024.
Qua khu vực ĐHQG - HCM tuyến đi trên cầu cạn tại dải phân cách đường chính và đường song hành của xa lộ Hà Nội với 02 nhà ga sẽ được xây dựng trong giai đoạn 1 gồm ga đường sắt đô thị, ga bến xe Suối Tiên.
Giai đoạn sau sẽ xây dựng ga ĐHQG-HCM tại khu vực cổng chính của Khu Đại học, kết hợp cùng bến xe buýt trở thành đầu mối giao thông công cộng quan trọng của khu vực.