Ngày 7/10, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có Báo cáo về công tác năm 2021 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Trong công tác kiểm toán chi ngân sách thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương, KTNN cho biết, Trường ĐHQG TP HCM đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm về nhà, đất kéo dài qua các năm.
Cụ thể, hiện có 426/782 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho trường; tổng diện tích đang bị lấn chiếm, xây dựng trái phép là gần 31,3 ha.
Dự án ĐHQG TP HCM được Thủ tướng Chính phủ duyệt quy hoạch lần đầu vào tháng 6/2003 với quy mô gần 644 ha.
Phía bắc dự án giáp xã Bình An, xã Đông Hoà, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương; phía nam giáp đường Xuyên á (xa lộ Đại Hàn cũ), Trường Đại học Nông Lâm TP HCM và Trường Đại học Thể dục Thể thao Trung ương II; phía đông giáp Viện Công nghệ sinh học nhiệt đới thuộc Trung tâm Khoa học Công nghệ Quốc gia, quốc lộ 1A, Trường Đại học An Ninh và xã Bình An; phía tây giáp phường Linh Xuân, TP Thủ Đức.
Vào tháng 3/2014, dự án này được duyệt điều chỉnh quy hoạch để tăng/giảm quy mô của các trường Đại học Quốc tế, Đại học Kinh tế, Luật và Đại học Công nghệ thông tin và một số khoa khác.
Mới đây nhất, vào ngày 27/3/2021, dự án tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết để đáp ứng nhu cầu tái định cư của người dân đang sinh sống trong khu vực dự án và đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo quy hoạch, ĐHQG TPHCM được định hướng trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, làm nồng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và hướng đến xây dựng một hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á. Quy mô đào tạo đến năm 2030 là 65.000 sinh viên.