Thời điểm kết thúc năm học cũng là lúc nhiều cha mẹ học sinh lại có thói quen đưa hình ảnh chụp lại giấy khen, bảng điểm của con mình lên mạng xã hội.
Mục đích của việc làm này cũng thu hút nhiều ý kiến trái chiều, số cho là bố mẹ muốn 'khoe' thành tích của con. Một bộ phận khác lại cho đó là chuyện bình thường, sau một năm con cố gắng học hành vất vả và nên được bố mẹ 'tự thưởng' như vậy mới xứng đáng.
Theo TS Vũ Thu Hương, việc đưa hình ảnh bảng điểm, giấy khen của con lên mạng mà chưa hỏi ý kiến trẻ là vi phạm Luật Trẻ em. Ảnh minh họa: Đình Tuệ. |
Có khá nhiều câu chuyện gần đây minh chứng cho vấn đề này. Đó là một bảng điểm 'chi chít 10' của một học sinh lớp 9 ở Tiền Giang, hay bảng điểm cao ngất ngưởng của một học sinh lớp 8. Đó là chưa kể nhiều trường hợp cha mẹ đưa hình ảnh chụp giấy khen cuối năm của con để đưa lên mạng.
Trao đổi về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, đây là vấn đề không mới nhưng lại chưa bao giờ hết 'nóng' mỗi khi kết thúc năm học.
"Luật Trẻ em đã có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, đến nay đã tròn một năm nhưng tôi có cảm giác nhiều phụ huynh vẫn chưa thực sự tuân thủ luật này một cách nghiêm túc.
Tức là, cuối năm học bố mẹ lại vô tư 'chưng' bảng điểm, giấy khen của con mình lên mạng mà không cần hỏi ý kiến của trẻ. Mục đích có thể là thỏa mãn tâm lý động viên cho con, nhưng cũng có một số là để thỏa mãn cho chính bố mẹ. Việc làm này đã vi phạm quyền riêng tư của trẻ.
Hơn nữa, với một số phụ huynh chuyên 'khoe con' thì bản thân họ cũng có áp lực. Khoe được một lần lại muốn khoe lần thứ hai và nhiều lần sau nữa, muốn con lúc nào phải phải tuyệt vời nhất nên vô tình tạo ra áp lực với chính con mình.
Khi trẻ không đạt được kết quả như bố mẹ mong muốn để khoe, bố mẹ cảm thấy thất vọng và trút giận dữ vào đầu đứa trẻ. Từ đó, các con sẽ cảm thấy học hành là nghĩa vụ khủng khiếp, mất niềm vui và giảm sút hiệu quả học tập.
Rồi các cháu không được bố mẹ 'khoe' bảng điểm lên mạng thì mặc định là không học giỏi. Vậy ở lớp, ai sẽ chơi cùng với các cháu này, các cháu 'chưa giỏi' sẽ rất tủi thân. Đây là biểu hiện của bệnh thành tích và ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ giữa các đứa trẻ", TS Thu Hương nói.
Việc 'khoe' thành tích của con lên mạng đang là một thực trạng diễn ra với không ít cha mẹ học sinh. Ảnh: Internet. |
Ngoài ra, vị nữ giảng viên cũng nêu quan điểm: "Tôi giả sử, nếu bảng lương của bố mẹ cũng bị ai đó đưa lên trên mạng thì khi đó anh chị sẽ nghĩ sao? Quyền riêng tư của trẻ đã được luật hóa khá cụ thể ở nhiều văn bản liên quan. Tuy nhiên, chúng ta dường như vẫn chưa có một chế tài nào đủ mạnh để mọi người chấp hành Luật Trẻ em một cách hiệu quả, nghiêm túc.
Nếu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cử hẳn ra một cơ quan phối hợp cùng với đơn vị chức năng ngành dọc ở địa phương giám sát việc hình ảnh của trẻ có bị đưa lên mạng một cách tràn lan, đưa ra chế tài xử lý cụ thể thì có lẽ câu chuyện sẽ được cải thiện".
Đưa ảnh giấy khen, bảng điểm của trẻ lên mạng thế nào để không phạm luật?
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống ... |
'Choáng' với bảng điểm chi chít 10 của học sinh miền Tây
Một bảng điểm chi chít toàn 10 ở tất cả các môn học, hiếm hoi lắm mới có điểm 9 của học sinh ở Tiền ... |