Đua nhau về Việt Nam, ông lớn Hàn Quốc toát mồ hôi với nhà bán lẻ Nhật cùng thế lực bất khả xâm phạm của Vingroup, Saigon Co.op

Với dân số ngày càng già đi, các ông lớn trong ngành bán lẻ Hàn Quốc đang tìm cách tháo chạy sang Việt Nam. Tuy nhiên, tại thị trường trăm triệu dân, các doanh nghiệp này lại toát mồ hôi với các doanh nghiệp Nhật Bản, và đặc biệt là “ông kẹ” trong nước VinMart.

Những giai điệu thân quen của nhóm nhạc quốc dân SNSD cùng hàng loạt các thần tượng Kpop đình đám được phát qua loa để lớp nhân viên văn phòng trẻ du dương khi chọn đồ ăn nhẹ và văn phòng phẩm tại cửa hàng tiện lợi. Mì ramen cay và bánh quy ngọt xếp đầy trên kệ giống như họ hay nhìn thấy ở Seoul qua các thước phim truyền hình đình đám năm vừa qua. Đó là cách mà một cửa hàng tiện lợi GS25 ở quận 1, TP HCM đã làm để níu chân khách hàng.

Siêu thị Hàn Quốc đua nhau mọc tại Việt Nam

Lotte Shopping, công ty con của tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trở thành người mở đường, là nhà bán lẻ đầu tiên của Hàn Quốc vào Việt Nam vào năm 2008. Hiện tại, họ đang điều hành 14 siêu thị Lotte Mart trên cả nước và một trung tâm thương mại tại Hà Nội.

20191216114541370_Dataref

Sau hơn 10 năm, Lotte đã có cơ ngơi nhất định tại Việt Nam. (Ảnh: ANR).

Theo sau Lotte, E-Mart, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất của Hàn Quốc, đã khai trương siêu thị đầu tiên tại TP HCM vào tháng 12/2015. Vui mừng vì thành công của siêu thị đầu tiên ở quận Gò Vấp, E-Mart đang lên kế hoạch mở một siêu thị khác trong thành phố hơn 10 triệu dân vào năm tới.

Kim Bo Bae, phát ngôn viên của công ty, cho biết: "Cửa hàng đầu tiên của E-Mart Việt Nam đang duy trì xu hướng tăng trưởng cao kể từ khi ra mắt. Chúng tôi tạo khác biệt bằng cách cung cấp một loạt các sản phẩm của Hàn Quốc, bao gồm các món ngon và bánh. Chúng tôi đang chuẩn bị mở cửa hàng thứ 2 tại TP HCM vào năm tới".

Trong khi đó, GS Retail đã thành lập một liên doanh với Sơn Kim. Thông qua đó , thương hiệu này điều hành 54 cửa hàng tiện lợi trong nước dưới tên gọi GS25. Ông lớn này cũng vừa đặt mục tiêu có 2.500 cửa hàng tại Việt Nam trong 10 năm tới, thông qua chiến lược đẩy mạnh nhượng quyền.

Ngành bán lẻ Việt Nam đạt 180 tỉ USD trong năm tới?

Asian Nikkie Review nhận định việc quan tâm ưu ái đến thị trường nước ngoài của các nhà bán lẻ xứ kim chi diễn ra khi thương mại điện tử đang cắn đứt thị phần của họ ở Hàn Quốc. E-Mart và Lotte Shopping dự kiến đối mặt với rủi ro tín dụng tiêu cực nhất vào năm tới, khi họ đấu tranh để chống lại những thách thức từ Coupang, nền tảng thương mại điện tử được hỗ trợ bởi SoftBank và công ty dịch vụ giao hàng thực phẩm di động Market Curly.

"Khi các nền tảng trực tuyến đang mở rộng ảnh hưởng, tăng trưởng của các nhà bán lẻ truyền thống đã chậm lại vào năm 2019", Ahn Young Bok, một giám đốc tại cơ quan xếp hạng tín dụng NICE cho biết. "Các nhà bán lẻ truyền thống sẽ nhận thấy tăng trưởng thu nhập của họ bị hạn chế vào năm 2020, khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá, chi phí tiếp thị và giao hàng tăng cao", vị này dự đoán.

Dự đoán trên hoàn toàn có cơ sở, vì nhu cầu bán lẻ ngoại tuyến đang giảm dần khi dân số Hàn Quốc già đi. Hình thức quần cư dần chuyển sang loại hộ gia đình một người, họ có xu hướng thích mua sắm trực tuyến hơn là lái xe đến các cửa hàng trực tiếp.

Theo số liệu của chính phủ, doanh số bán lẻ kết hợp của các nhà bán lẻ ngoại tuyến giảm xuống 14,2 tỉ USD trong quý III/2019, giảm 86 triệu USD so với quý trước. Trong khi đó, các nhà bán lẻ trực tuyến đã ghi nhận doanh số tăng gần 258 triệu USD lên gần 7 tỉ USD.

Việt Nam mang đến cơ hội phát triển mà các nhà bán lẻ Hàn Quốc đang bỏ lỡ tại sân nhà. Từ năm 2013 đến năm 2018, ngành bán lẻ tại Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,97%, theo Deloitte. Tổng doanh thu bán lẻ dự kiến sẽ đạt 180 tỉ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng 26,6% từ năm 2018.

img1291-1561738432373926385750

Với dân số trẻ và thu nhập ngày càng cao, Việt Nam sẽ là thị trường tăng trưởng bán lẻ đáng chú ý. (Ảnh: Tất Đạt).

Từ nhiều thập niên trước, các nhà sản xuất Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG Electronics đã đến Việt Nam. Họ bị thu hút bởi chi phí lao động rẻ và dân số tăng nhanh. Giờ đây, khi tiền lương của Việt Nam tăng lên và điều kiện thị trường bên ngoài thế giới trở nên xấu đi, các nhà bán lẻ của Hàn Quốc đang theo chân đồng hương của họ đến với đất nước trăm triệu dân.

Thời hoàng kim đã qua

Tuy nhiên, trang Asian Nikkie Review cho rằng các thương hiệu bán lẻ Hàn Quốc "số nhọ" hơn, vì tại thời điểm này, khi đến Việt Nam, họ phải chen chân trong một thị trường đông đúc và cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu địa phương và các đối thủ Nhật Bản.

Mới nhất, nhà bán lẻ thời trang Uniqlo đã mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM vào đầu tháng này, thu hút hơn 3.000 người mua sắm trong ngày đầu tiên.

20191206_074409

Uniqlo vừa làm dày thêm danh sách nhà bán lẻ Nhật Bản có mặt tại Việt Nam. (Ảnh: Tất Đạt).

"Mặc dù ngành bán lẻ của Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn, nhưng mức độ cạnh tranh rất khốc liệt", ông Nguyễn Vũ Đức, phụ trách nghiên cứu về ngành tiêu dùng tại Deloitte Việt Nam cho biết. "Trên các định dạng bán lẻ khác nhau, chúng tôi đang chứng kiến các đại gia bán lẻ trong và ngoài nước tham gia vào một cuộc chiến giành quyền thống trị, khi họ bắt tay vào các chiến lược mở rộng mạnh mẽ", ông nói thêm.

Deloitte nhấn mạnh thị hiếu thay đổi có thể là một yếu tố chính trong trận chiến đó.

Trang Hà đang làm việc cho một công ty Hàn Quốc tại TP HCM. Khi cô và bạn bè ở độ tuổi đôi mươi gặp gỡ và mua sắm, Lotte Mart ở quận 7 là một trong những nơi đầu tiên mà họ chọn. Vào thời điểm đó, Lotte Mart mang đến trải nghiệm mua sắm mới nhất và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng Việt Nam. Sự phổ biến của các chương trình truyền hình Hàn Quốc và K-pop cũng khuyến khích họ tìm kiếm các mặt hàng liên quan đến Hàn Quốc. Nhưng đó là 5-6 năm trước, giờ đây thời hoàng kim đã qua.

Với nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước, việc mở các cửa hàng trên toàn thành phố đang là một thực tế tốn kém nhưng khó thể đi ngược. Cuộc đua thu hút người tiêu dùng đang trở nên khốc liệt hơn. Trang Hà cho biết Aeon và Takashimaya của Nhật Bản ngày càng xuất hiện trong đầu mỗi khi cô và bạn bè thảo luận về nơi sẽ đến.

"Các nhà bán lẻ Nhật Bản đang thu hút nhiều người tiêu dùng địa phương hơn, vì họ cung cấp dịch vụ tốt hơn và nhiều đồ trang trí hấp dẫn hơn cho các lễ hội khác nhau", cô nói.

Doanh nghiệp nội vẫn là "ông kẹ" ngành bán lẻ Việt Nam

Dù đánh giá cao dịch vụ của các nhà bán lẻ Nhật Bản, nhưng quyết định của Trang Hà về việc mua sắm lại nằm tại cửa hàng nào thuận tiện nhất. Đó chính là lợi thế hàng đầu của các ông lớn nội địa. 

"Ông kẹ" lớn nhất trong làng bán lẻ Việt Nam chính là Vingroup. Dù gia nhập thị trường bán lẻ năm 2014, nhưng hệ thống này đã có 122 siêu thị và hơn 2.500 cửa hàng tiện lợi trên cả nước. VinMart + nổi lên như chuỗi cửa hàng tiện lợi quốc dân, 3 thậm chí 5 cửa hàng vẫn thản nhiên mọc nối đuôi nhau trong bán kính chưa quá 1 km.

Đầu tháng 12, tỉ phú Phạm Nhật Vượng còn tung cú nổ lớn trên thị trường. Vingroup tuyên bố sẽ sáp nhập các hoạt động bán lẻ của mình với các hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng của Masan Grou,  để tạo ra công ty bán lẻ lớn nhất của cả nước.

88164FA5-07C2-4EB3-AF2E-86ED0BD2D9B8

Có 122 siêu thị và hơn 2.500 cửa hàng tiện lợi trên cả nước, việc Vingroup kết hợp với Masan khiến liên minh này thật sự là một "ông kẹ" trong ngành bán lẻ Việt Nam. (Ảnh: Tất Đạt).

Các trung tâm thương mại kết hợp mua sắm và giải trí khác nhau là địa hạt cạnh tranh đặc biệt khốc liệt giữa người chơi trong và ngoài nước, theo Deloitte, với tổng số 200 cơ sở như vậy trên cả nước. Hiện, Vingroup chiếm 60% thị trường trung tâm thương mại theo diện tích sàn tại Hà Nội và TP HCM, tiếp theo là Aeon và Lotte.

Trong khi sự cạnh tranh ngày càng nóng lên ở hai thành phố lớn nhất cả nước, một thương hiệu khác là Sài Gòn Co.op đang âm thầm lấn sân đến các tỉnh phía miền Tây, nơi các cơ sở giải trí chất lượng vẫn còn rất ít. Với đại diện là siêu thị Co.op Mart, đơn vị này đang tung đến 3-4 khu phức hợp như thế trong cùng một tỉnh.