TP HCM phải có giải pháp kiểm soát khí thải từ hơn 8 triệu xe gắn máy
Mở đầu buổi chất vấn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Mạnh Trí bày tỏ bất an trước tình trạng nhiều người nhận định "TP HCM là thành phố ô nhiễm nhất" và đề nghị Sở TN-MT có các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, nguồn nước... trong thời gian tới.
Cùng quan tâm nội dung này, ĐB Trần Quang Thắng cho biết, hiện nay TP HCM chỉ có 4 trạm quan trắc ô nhiễm không khí, sẽ không đảm bảo ghi nhận, phản ánh chính xác thực trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn. Từ đó, ĐB Thắng đề nghị nâng số lượng các trạm quan trắc này.
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trước các thắc mắc này, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho rằng vấn đề môi trường cần được nhận diện và đánh giá chính xác. Trên địa bàn TP HCM có 327 điểm TP HCM đặt vị trí trạm quan trắc. Cuối năm 2019, TP HCM đưa vào vận hành 6 trạm quan trắc tự động trong gói đầu tư 58 trạm quan trắc tự động đang được xây dựng. Như vậy, TP HCM có 327 trạm quan trắc thủ công và 6 trạm quan trắc tự động chất lượng không khí, đất, nước, quan trắc lún để đưa ra các thông số về môi trường. Các thông tin này sẽ được đưa lên 48 bảng thông tin giao thông để người dân biết, giám sát và có ý kiến phản ánh. Trên website của Sở TN-MT cũng có đầy đủ thông tin và chỉ số.
“Vấn đề là trạm quan trắc tự động hiện nay ít nên thời gian công bố chưa kịp thời, đầy đủ”, Giám đốc Sở TN-MT nhìn nhận và nhấn mạnh, một thành phố lớn như TP HCM không thể nào buông lỏng quan trắc chất lượng môi trường. Do đó, sắp tới sẽ bổ sung trạm quan trắc tự động đầy đủ với thời gian quan trắc liên tục, đảm bảo yêu cầu.
Giải thích thêm về chất lượng không khí thời gian qua, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, vừa qua TP HCM có hiện tượng mù quang hóa, bởi ô nhiễm từ giao thông, công nghiệp, xây dựng. Không khí bị ảnh hưởng tạo nên bụi mịn có kích thước khác nhau. Sở TN-MT đã đưa ra thông tin, cảnh báo và phối hợp với các ngành để thực hiện giải pháp. Ví dụ, đưa ra nguyên nhân ô nhiễm từ hoạt động giao thông và Sở phối hợp với Sở GT-VT kiểm soát khí ô tô (800.000 phương tiện). Song, điều quan trọng nữa là phải có giải pháp kiểm soát cả 8 triệu xe gắn máy trên địa bàn TP HCM. Trong các đề án của Hà Nội và TP HCM cũng muốn kiểm soát phương tiện cá nhân để giảm ô nhiễm của người dân thành phố.
Cuối năm 2020, TP HCM sẽ đầu tư thêm 50 trạm quan trắc để nắm bắt các thông số về không khí, nước, sụt lún ở TP HCM để đưa ra giải pháp tổng thể về môi trường.
Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chưa hài lòng với các nội dung trả lời, ĐB Lê Trương Hải Hiếu bày tỏ, việc chế tài, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư hiện rất khó khăn và đề nghị Sở TN-MT thông tin về giải pháp sắp tới đến cử tri.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, TP HCM không chỉ dừng ở việc di dời cơ sở gây ô nhiễm, mà di dời cả doanh nghiệp do không phù hợp với quy hoạch phát triển.
Từ năm 2013-2016, TP HCM ban hành quyết định buộc 114 cơ sở phải di dời và phải xử lí do gây ô nhiễm nhưng hiện vẫn còn 5 cơ sở ở phường Đông Hưng Thuận (quận 12). Đối với các cơ sở này sẽ tổ chức cưỡng chế, bắt buộc di dời vào khu công nghiệp để đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Liên quan đến công tác xử phạt, Giám đốc Sở TN-MT cho biết năm 2019, Sở TN-MT đã phối hợp kiểm tra 190 cơ sở từ quận - huyện đến thành phố và phát hiện 70 cơ sở vi phạm trong vận hành xử lí nước thải, khí thải. TP HCM kiên quyết xử lí các cơ sở này nói riêng và các cơ sở gây ô nhiễm nói chung, vì không chấp nhận tình trạng gây ô nhiễm.
Tổng số tiền phạt là 15 tỷ đồng, không phải là số tiền lớn, nhưng bằng hình phạt bổ sung, như buộc đình chỉ hoạt động nếu không khắc phục. Tuy nhiên, Giám đốc Sở TN-MT cũng nhìn nhận, kết quả thực hiện vẫn còn một số hạn chế.
Tiếp tục quan tâm đến môi trường, ĐB Vũ Thanh Lưu, hoan nghênh chủ trương thay đổi công nghệ xử lí rác, sẽ biến rác thành điện năng. Song, liệu đến năm 2020, thành phố có đủ khả năng xử lí 50% lượng rác thành điện năng hay không? Đặc biệt, khi đốt rác thì có khả năng phát sinh khí thải, vậy phải xử lí thế nào để không làm gia tăng ô nhiễm khí thải?
Đây cùng là mối quan tâm của nhiều ĐB khác, trong đó có ĐB Lê Nguyễn Minh Quang.
Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trước các thắc mắc này, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng khẳng định sẽ đảm bảo xử lí 50% lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày bằng hình thức đốt rác phát điện.
Thông tin cụ thể, người đứng đầu ngành TN-MT thành phố cho biết, hiện mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 9.000 tấn rác. Thực hiện chỉ tiêu nêu trên có nghĩa là khoảng 4.500 tấn rác/ngày sẽ được đốt, phát điện thay vì chôn lấp như hiện nay.
Vừa qua, Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất xử lí 2.000 tấn rác/ngày/nhà máy. Sắp tới, TP HCM tiếp tục khởi công nhà máy đốt rác phát điện thứ 3.
Cùng với đó, Công ty TNHH xử lí chất thải Việt Nam (VWS, chủ bãi rác Đa Phước) cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi công nghệ xử lí rác, từ chôn 3.000 tấn rác/ngày sang đốt.
“Vấn đề các ĐB lo lắng là khi đốt thì khói có gây ô nhiễm không?”, ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ với suy nghĩ của các ĐB và khẳng định, việc đốt rác được thực hiện trong môi trường kín, với nhiệt độ trên 800 độ C nên không phát sinh khí thải.
Giám đốc Sở TN-MT tái khẳng định, quy trình xem xét, thẩm định công nghệ các dự án đốt rác phát điện được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Trong quá trình vận hành, các cơ quan chức năng cũng tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ để đảm bảo không phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường. Nếu không kiểm soát tốt, khói thải từ các nhà máy đốt rác phát điện này có thể gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Tiếp tục chất vấn về công tác xử lí rác, ĐB Lê Trương Hải Hiếu nhấn mạnh, để góp phần bảo vệ môi trường, có chủ trương chuyển đổi tổ rác dân lập sang doanh nghiệp, hợp tác xã. Thế thì, phương án, giải pháp hỗ trợ cho việc chuyển đổi này ra sao?
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, TP HCM có 8 chính sách để hỗ trợ chuyển đổi, như hỗ trợ có sở vật chất; hỗ trợ cho người làm việc; phương tiện chuyển đổi; kinh phí, thuế thu nhập doanh nghiệp để chuyển đổi thuận lợi… Đến nay, TP HCM đã chuyển đổi trên 1.400 (trong 2.500 đường dây) đường dây, tổ rác dân lập, còn khoảng 1.100 đường dây cần tiếp tục chuyển đổi.
Chia sẻ với nhiệm vụ của ngành TN-MT, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê bày tỏ, đây là lĩnh vực nóng ở một đô thị lớn như TP HCM. Tuy nhiên, với chủ đề năm 2020 là xây dựng nếp sống văn minh đô thị thì các giải pháp rõ nét hơn để chuyển biến hình ảnh chưa đẹp trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, thành phố sáng tạo được xác định là gì?
ĐB Như Khuê cũng đánh giá, một số quận - huyện có sáng tạo trong chuyển đổi điểm ứ đọng rác nhưng vẫn còn rất nhiều tồn tại. Bên cạnh tuyên truyền, giáo dục, vậy cần thiết có đề nghị tăng mức phạt để răn đe tốt hơn?
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, năm 2020, Sở TN-MT chọn 2 nội dung lớn để thực hiện. Đó là việc rà soát lại toàn bộ thủ tục của ngành TN-MT để công khai. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin đô thị thông minh, gắn với chủ đề năm.
Liên quan đến việc xử phạt, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, hiện nay các quy định xử phạt người dân gây xả rác, gây ô nhiễm môi trường đã có đầy đủ, với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có lực lượng để lập biên bản.
Tại phiên chất vấn, ĐB Trần Quang Thắng đề nghị trả lời về thông tin 73 ha rừng ở Cần Giờ biến mất.
Theo yêu cầu của Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ có các thông tin trả lời cụ thể.
Chủ tịch UBND Huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đó, toàn huyện có 34.713 ha, trong đó đất rừng có diện tích 32.446 ha, còn đất khác là hơn 2.267 ha. So với năm 1995, UBND huyện có đề nghị điều chuyển diện tích kiểm kê trên hiện trạng, trong đó có 73 ha như báo chí nêu. Tuy nhiên, hiện trạng 73 ha vẫn còn nguyên, nơi nào có dân cư sinh sống thì vẫn vậy.
Ngoài ra, khi thực hiện chuyển diện tích rừng phòng hộ thì phải tuân theo quy định pháp luật, theo quy trình và phải được HĐND TP thông qua.