Nhanh, gọn, đỡ tốn chi phí là những ưu điểm khi sử dụng giấy báo, giấy in, hay giấy tập để gói những gói xôi, ổ bánh mì, quẩy, khoai tây chiên… Thế nhưng, ẩn chứa sau sự tiện dụng ấy lại là những tác hại khôn lường đối với sức khỏe của người sử dụng.
Nguy cơ nhiễm khuẩn do giấy báo cũng khá cao khi những tờ giấy báo đi từ nhà máy sản xuất đến các sạp hàng bán báo, qua tay người đọc do vậy khả năng nhiễm một số loại vi khuẩn gây bệnh là không thể tránh khỏi.
Vậy hành vi gói đồ ăn bằng giấy báo có bị phạt về an toàn thực phẩm?
Ảnh minh họa. |
Hiện tại, vấn đề xử lý vi phạm đối với lĩnh vực vệ sinh an toàn và thực phẩm được áp dụng theo các quy định tại các văn bản sau:
- Luật an toàn thực phẩm.
- Nghị định 178/2013/NĐCP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
- Bộ Luật hình sự
- Một số văn bản pháp luật khác
Theo đó, thiết bị, dụng cụ chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển: Phải được làm từ nguyên liệu không độc, không gây mùi vị lạ so với mùi vị của thực phẩm ban đầu, không hấp thụ, không thôi nhiễm vào thực phẩm, không bị ăn mòn, tránh bụi, côn trùng và các nguồn ô nhiễm khác. Việc sử dụng các vật liệu bao gói mới đều phải được Bộ Y tế thẩm định và cho phép. Đồng thời, bộ quy định nghiêm cấm việc đóng gói thực phẩm bằng các bao gói có nguy cơ gây ngộ độc, gây hại, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Theo các văn bản trên thì Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Việc sử dụng bao gói không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm như: giấy báo, giấy tập,…để gói các loại thức ăn đường phố sẽ bị xử lý theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 22 Nghị định 178/2013/NĐ-CP, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm về hành vi sử dụng bao gói chứa đựng thức ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm, mức phạt tiền được áp dụng với hành vi này sẽ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Chế tài xử phạt vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm
Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm của cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng.
Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Điều 244 của Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì mức phạt tối đa là 15 năm tù.
Quy định cụ thể của điều 244 như sau:
Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ đó là thực phẩm khôngđảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo Điều 317, Bộ Luật Hình sự 2015 (tạm hoãn ngày có hiệu lực). Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm với các hành vi sau đây:
- Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
- Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm.
- Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;
Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Ngoài ra, Điều 317 cũng có quy định phạt tù từ 3 năm đến 20 năm, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn khác như khác như phạm tội có tổ chức, gây tổn hại sức khỏe, làm chết người…
Hiện tại, theo quy định của Bộ luật hình sự, hoàn toàn có thể xử lý hình sự được các hành vi vi phạm về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu việc chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ đó là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn không cần phải tử vong mà chỉ cần gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ thì cũng có thể bị xử lý hình sự.
Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn hoặc xuanthuandong@gmail.com Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. |
Luật gia Đồng Xuân Thuận