Công khai với gia đình chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng. Bởi dường như gia đang trở thành một rào cản lớn đối với nhiều người con. Đã không ít các bạn trẻ LGBT bật khóc và bất lực khi gia đình “cố tình không chấp nhận”. Đã không ít các bạn LGBT lên tiếng cho rằng: “Cha mẹ chính là người làm mình tổn thương nhiều nhất”. Mỗi khi đọc một bài báo về bạn trẻ công khai được gia đình ủng hộ là có rất rất nhiều tiếng thở dài, tiếng than thở của các bạn khác: “Sao ba mẹ mình không như ba mẹ bạn ấy?” “Sao mẹ mình lại cổ hủ như vậy?”
Ngày hôm trước, tôi nhận được cuộc điện thoại từ một bạn trẻ chuyển giới đến. Đó là một tâm sự rất dài về cuộc sống bức bối trong vỏ nữ nhi, là áp lực mỗi ngày khi đặt chân về nhà. Người bạn trẻ cho tôi đọc rất nhiều tin nhắn từ người mẹ của em. Em hỏi tôi rằng: “Đến bao giờ mẹ mới chấp nhận em!”, “Em nói mãi mà mẹ không hiểu!”, “Muôn đời mẹ chẳng hiểu em bao giờ!”.
Bà mẹ Singapore có 2 con trai là đồng tính. (Ảnh: Asia). |
Tôi nghe em nói, tôi hiểu em rất buồn, rất muốn được là mình, muốn được mẹ chấp nhận. 8 năm trôi qua kể từ ngày em công khai là nam với mẹ, nhưng chưa bao giờ mẹ chấp nhận. Trường hợp của em là một trong rất rất nhiều những bạn trẻ LGBT đang phải đối mặt với cuộc sống, gia đình đang không chấp nhận và ép vào khuôn khổ. Tôi thương em 9 phần thì cũng thương người phụ nữ sinh ra em 10 phần.
Tôi biết, mỗi khi những câu chuyện bất đồng quan điểm xảy ra, các bạn trẻ thường tự trách gia đình… không hiểu. Tôi nhớ, một bà mẹ có đồng tính đã từng nói rằng: “Nếu một đứa con ngoan, chăm chỉ, lễ phép thì cha mẹ có thể phản đối gay gắt ban đầu nhưng chắc chắn sẽ hiểu con mình từ xưa đến nay đều giữ phẩm chất đạo đức tốt thì không lẽ nào họ bỏ qua mọi lời con nói. Họ sẽ bỏ thời gian tìm hiểu, sẽ dần chấp nhận dù điều đó phụ thuộc vào thời gian. Còn một đứa trẻ nghịch ngợm, không nghe lời, thay đổi tất cả… thì người làm cha, người làm mẹ nào cũng nghĩ là “đứa trẻ adua, đua đòi”.
Tôi đồng ý với suy nghĩ của người mẹ ấy. Người xưa đã từng nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” chưa bao giờ là sai. Trước khi trách và oán giận cha mẹ, mỗi một người con LGBT nên xem xét lại bản thân mình.
Có bao giờ các bạn LGBT đứng trên cương vị của người mẹ, người cha để hiểu vì sao “chưa bao giờ cha mẹ lại chấp nhận con”. Có bao giờ bạn cảm nhận được hết những yêu thương mà cha mẹ dành cho con? Và có bao giờ khi rơi vào những cuộc tranh luận không hồi kết, bạn tự ngồi lại nắm chặt lấy tay cha mẹ và xin lỗi chỉ vì mình là một người con “đã gây đau thương cho cha mẹ”.
Bà mẹ Trung Quốc tự hào về cậu con trai của mình. (Ảnh: Asiagay). |
Hay bạn chỉ biết đổ lỗi vì cha mẹ đã không hiểu con, vì cha mẹ đã bảo thủ… và không quên tiếp tục một hành trình so sánh giữa cha mẹ mình với cha mẹ bạn khác. Bạn chỉ biết “sống là chính mình” đã, thay đổi kiểu tóc, quần áo, chạy theo những trào lưu gấp gáp mà quên mất người cha, người mẹ phía đằng sau đang gánh chịu tâm bão của dư luận.
Đừng bao giờ quên rằng, ai làm cha mẹ cũng đều yêu con mình, mong con trưởng thành, làm một người tốt. Thế nhưng, chỉ vì chưa hiểu, vì những áp lực xã hội, áp lực sự kỳ vọng đã vô tình khiến cha mẹ đang dựng những hàng rào để chắc chắn rằng, con mình sẽ không vượt qua những khuôn khổ thông thường.
Đâu là lý do khiến người làm mẹ càng gồng mình lên phản đối. Là vì những đứa con chưa thực sự đủ tạo niềm tin trong lòng người mẹ. Là những đứa con vẫn còn chưa lo được cho bản thân, vẫn chỉ biết hưởng thụ, vẫn mải chơi rong ruổi. Là những đứa con chưa xác định được mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống. Người mẹ nào mà chẳng buồn khi nhìn thấy con “học chưa tới nơi tới chốn, làm chưa đủ ăn lại sẵn sàng tạo một ngoại hình khiến hàng xóm, láng giềng dị nghị hay sống buông thả”. Phải, là con vẫn có quyền được sống là chính mình, được lựa chọn cuộc đời mình.
Thế nhưng, khi trong một mối quan hệ gia đình, chúng ta cần phải biết dung hòa. Nếu muốn gia đình chấp nhận, bản thân chúng ta cần phải là một người tốt trước. Chúng ta phải chứng tỏ được bản thân mình với gia đình với họ hàng rằng: “Ta đã đủ trưởng thành”. Vội vã, gấp gáp chỉ làm mối quan hệ gia đình thêm căng thẳng.
Tôi biết, có không ít bạn trẻ LGBT đã tự vươn lên trong cuộc sống và cuối cùng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt huyết của gia đình. Tôi biết, một bạn chuyển giới từng nói rằng: “Ngày nhỏ khi công khai, mẹ sẽ bảo mình đua đòi. Khi mình trưởng thành, tự nuôi mình, mẹ đã hiểu ra, người LGBT cũng là người có ích, đó không phải phong trào!”. Và người bạn ấy cũng đã công khai thành công sau 10 năm.
Vậy nên, LGBT à, thời gian công khai với gia đình dài ngắn bao nhiêu cũng phụ thuộc vào bạn rất nhiều. Thay vì việc oán trách cha mẹ, sao bạn không biến điều đó thành những hành động để chiến đấu và chứng tỏ. Chắc chắn, thành công sẽ đến với những người kiên trì. Đó là một chân lý chẳng bao giờ đổi thay.
Chuyện ít biết về người chuyển giới đầu tiên được công nhận là đồng tính
Ông đã trải qua nhiều năm khó khăn để được chuyển giới và được xác nhận công khai là người đồng tính. |
Pháp luật Việt Nam không cấm tổ chức đám cưới đồng giới
Trên thực tế, pháp luật Việt Nam hiện tại không xem những nghi thức như lễ cưới, đám hỏi... có giá trị pháp lý như ... |