Bê tông nhựa khu vực đường lăn S3 tiếp giáp đường băng 11L/29R sân bay Nội Bài bị hư hỏng. (Ảnh: NIA)
Trong công văn vừa gửi Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không cho biết mới đây Cảng hàng không quốc tế Nội Bài báo cáo khẩn tình trạng đường băng, đường lăn.
Cụ thể bề mặt đường băng 11L/29R xuất hiện hiện tượng hằn vệt bánh máy bay theo vệt bánh sau của máy bay tập trung trong phạm vi 600m, mỗi vệt rộng 1m.
Tim đường băng này ở đoạn gần đường lăn S5 có hiện tượng nứt dọc tim theo kiểu rạn chân chim với khe nứt 1mm, dài 30-50cm ngắt quãng.
Còn đường băng 11R/29L trên bề mặt thường xuyên xuất hiện hư hỏng như: nứt vỡ và phùi bùn tại nhiều vị trí; một số tấm bêtông ximăng có hiện tượng bị lún, cá biệt tại giao điểm với đường lăn S7 và sân quay đầu phía tây đường băng có những vị trí độ lệch giữa khe giữa hai tấm bêtông ximăng lên tới 3cm.
Vệt hằn bánh máy bay trên đường băng 11L/29R - Ảnh: NIA
Ngoài ra, các đường lăn bằng bêtông nhựa giáp đường băng 11L/29R xuất hiện vệt hằn theo vệt bánh sau của máy bay. Đường lăn S3 có khu vực đưa vào khai thác sau sửa chữa từ tháng 8/2018 đến nay bị hư hỏng trở lại do nền yếu, có thời điểm phải dừng khai thác do không đảm bảo an toàn cho tàu bay lăn qua…
Ông Phạm Văn Hảo - phó cục trưởng Cục Hàng không, cho biết Cảng hàng không Nội Bài đã phối hợp với Công ty Quản lý bay miền Bắc xây dựng phương án khai thác linh hoạt hai đường băng 11R/29L và 11L/29R của Nội Bài và được Cục Hàng không chấp thuận áp dụng từ ngày 17-8-2017 nhằm giảm tải khai thác đường lăn S7.
Tuy nhiên, việc khai thác linh hoạt nêu trên lại dẫn đến tình trạng hư hỏng các đường lăn S2, S3 và S1 khu vực sân quay đầu phía tây đường băng khiến hiện nay Cảng hàng không Nội Bài thường xuyên phải sửa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.
"Qua việc khai thác cho thấy mức độ hư hỏng của hạ tầng khu bay tăng tỉ lệ thuận với tần suất khai thác. Khu vực nào khai thác nhiều thì sẽ hư hỏng nhiều do hai đường băng và một số đường lăn được đưa vào khai thác đã lâu, tần suất khai thác tăng mạnh và đặc biệt là khai thác một số loại máy bay có trọng tải lớn" - ông Hảo cho biết.
Tấm bêtông bị dịch chuyển và chênh cao độ tại khu vực tiếp giáp giữa đường băng 11R/29L và đường lăn S1 khu vực sân quay đầu phía tây đường băng Nội Bài. (Ảnh: NIA)
Theo Cục Hàng không, hiện nay các hạng mục về đầu tư và sửa chữa tài sản khu bay đều tạm dừng do vướng mắc về cơ chế. Do vậy, để đảm bảo an toàn khai thác, Cảng hàng không Nội Bài chỉ có thể thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và khắc phục sự cố của hệ thống sân đường.
Đây chỉ là giải pháp sửa chữa tạm thời, tính chủ động không cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho hoạt động bay và thậm chí phải dừng khai thác bất cứ thời điểm nào do không đảm bảo an toàn.
Để khắc phục tình trạng xuống cấp, hư hỏng mặt đường băng, đường lăn, Cảng hàng không Nội Bài đã lập kế hoạch sửa chữa toàn diện nhằm đảm bảo an toàn khai thác.
Vì vậy Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định hoặc báo cáo Thủ tướng cho phép ACV sử dụng vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý tại các cảng hàng không, sân bay trong đó có Cảng hàng không Nội Bài.
Tấm bêtông ximăng trên đường băng 11R/29L bị nứt, vỡ. (Ảnh: NIA)
Sở dĩ Cục Hàng không phải kiến nghị cấp có thẩm quyền cho sử dụng vốn của ACV để sửa chữa đường băng vì khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay) là kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý.
Trước thời điểm ACV cổ phần hóa, khu bay tại các sân bay là tài sản của ACV. Sau khi ACV cổ phần hóa, toàn bộ tài sản khu bay của các sân bay được xác định là tài sản của Nhà nước. Việc đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa hai đường băng này do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Tuy nhiên, thời gian qua, vốn đầu tư công gặp khó khăn nên đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn chưa có nguồn tiền để cải tạo, nâng cấp. Trong khi đó, theo cơ chế hiện nay ACV đã cổ phần hóa nên không được bỏ tiền đầu tư nâng cấp đường băng.