Thế nhưng, thực tế tệ nạn này vẫn tiếp tục diễn ra.
Ngày 26.12, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP.Đà Nẵng bàn giao vụ án mua bán người để Cơ quan CSĐT Công an Q.Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) thụ lý theo thẩm quyền. Trước đó, tối 16.12, tại khu vực Trạm kiểm soát biên phòng Công trình 15 (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà), Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP Đà Nẵng) cùng Đoàn 2 (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ Tư lệnh BĐBP) kiểm tra tàu cá BV 5969, do Trần Thế Tây (31 tuổi, ngụ ấp Tân Điền, xã Mỹ Lâm, H.Hòn Đất, Kiên Giang) làm thuyền trưởng, phát hiện 4 ngư dân đang bị giam giữ, kêu cứu vì bị cưỡng bức lao động.
Các nạn nhân gồm: Nguyễn Văn Huy Tâm (33 tuổi, trú ấp Tân Thuận, xã Tân Lợi, H.Tịnh Biên) và Lê Hữu Thành (30 tuổi, ngụ xã An Châu, H.Châu Thành, cùng tỉnh An Giang), Sơn Thương (29 tuổi, ngụ H.Hòa Bình, Bạc Liêu), Phạm Văn Cảnh (41 tuổi, ngụ xã Trà Ôn, H.Phú Thành, Vĩnh Long).
Bẫy lừa “việc nhẹ lương cao”
Theo thượng tá Nguyễn Viết Cử, Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Đà Nẵng, khi được đưa về cơ quan chức năng, các nạn nhân đều khai bị lừa bán làm lao động đi biển. Cụ thể, đầu tháng 11.2017, khi nghe một người ở địa phương giới thiệu về trung tâm giới thiệu việc làm ở Bến xe An Sương (TP.HCM), họ liền rủ nhau lên đó xin việc. Đến nơi, cả 4 người bị một tốp tài xế xe ôm vây kín, nói trung tâm này đã phá sản và “giới thiệu việc nhẹ, lương cao 8 - 9 triệu đồng/tháng ở TP.Vũng Tàu”.
Cánh xe ôm chở luôn 4 người về Vũng Tàu, giao cho Trần Văn Vũ (27 tuổi, ngụ 215/12A Lưu Chí Hiếu, P.10, TP.Vũng Tàu) rồi lấy tiền môi giới, xăng xe 3 triệu đồng/người. 4 nạn nhân phải viết giấy nhận khoản nợ này, sau đó bị Vũ nhốt vào phòng kín, tịch thu điện thoại, giấy tờ và cử người canh gác.
Kể với PV Thanh Niên, anh Nguyễn Văn Huy Tâm cho biết khi bị khống chế ở Vũng Tàu, mọi người rất hoảng sợ, xin gọi điện thoại về nhà mượn tiền trả lại. Tuy nhiên, Vũ từ chối thẳng thừng và liên hệ với Nguyễn Ngọc Trung (29 tuổi, ngụ 105/120/15 Lê Lợi, TP.Vũng Tàu) để... bán người. Ngày 3.12, Trung thông báo đã có mối nên dẫn 4 người đi xe ra Đà Nẵng, giao cho thuyền trưởng Tây, sau đó Trung quay về Vũng Tàu, gặp chủ tàu BV 5969 nhận 60 triệu đồng (15 triệu đồng/lao động). Để hợp thức hóa, chúng ép cả 4 nạn nhân viết vào tờ lý lịch thuyền viên với nội dung: “Tôi tình nguyện đi biển không ai ép buộc, không làm phiền ai, không được tự ý rời thuyền khi thuyền trưởng chưa cho phép”. Vũ, Trung còn soạn ra nội dung: “Nếu tôi trốn hoặc nhảy biển chết, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật” để các nạn nhân cam kết. Khi được giải cứu, cả 4 nạn nhân đều khẳng định bản cam kết mà họ viết trước đó là do nhóm Vũ, Trung ép làm tại TP.Vũng Tàu.
Anh Sơn Thương kể thêm chẳng những không trả tiền công, khi lên tàu còn bị ép làm việc mười mấy giờ mỗi ngày, ăn uống kham khổ, bị đánh chửi thậm tệ. “Để ngăn không cho thuyền viên bỏ trốn, tàu BV 5969 hạn chế vào bờ; có lần tàu vào tránh gió, thuyền trưởng Tây đã cho người canh giữ không cho lao động ra khỏi tàu”, anh Lê Hữu Thành kể.
Một nạn nhân khác của Vũ là anh Thạch K. (27 tuổi, ngụ Sóc Trăng). Trả lời PV Thanh Niên ngày 26.12, anh K. cho biết khi lên TP.HCM tìm việc, cuối tháng 9 có một tài xế xe ôm tiếp cận đem bán cho một trung tâm giới thiệu việc làm ở khu Phú Lâm, Q.6. Sau đó, trung tâm này bán anh K. cho Vũ và Vũ giao anh cho một chủ ghe với giá 15 triệu đồng. “Vũ nói số tiền này sau khi tôi lên tàu cá làm việc sẽ gửi về quê cho vợ con tôi. Tuy nhiên, sau khi làm việc hơn hai tháng trên biển, vào bờ để trú bão số 16, tôi hỏi thì được biết Vũ không gửi tiền cho vợ tôi. Tôi đòi tiền thì vợ Vũ chỉ đưa 2 triệu đồng”, anh K. cho hay. Anh được Đồn biên phòng Bến Đá (Vũng Tàu) đưa từ tàu cá lên bờ, rồi về nhà ngày 25.12.
“Câu nhử” đối tượng
Sau nhiều ngày đấu tranh, lực lượng chức năng mới khuất phục được thuyền trưởng Tây và buộc cung cấp số điện thoại của chủ tàu. Để tránh bị Vũ, Trung nghi ngờ, BĐBP liên hệ với chủ tàu thông báo đang tạm giữ tàu vì thiếu lý lịch thuyền viên, nhằm để chủ tàu gây áp lực buộc Vũ, Trung cung cấp các giấy tờ mà chúng đang giữ cùng bản cam kết của các nạn nhân.
Ngày 19.12, Vũ, Trung ra Đà Nẵng thì bị đưa về Đồn biên phòng Sơn Trà và tạm giữ để đấu tranh. Ban đầu, Vũ, Trung tìm mọi cách chối tội. Tuy nhiên, với các chứng cứ mà lực lượng điều tra thu thập được, cả hai phải thừa nhận thêm... 3 lần mua bán 10 lao động trước đó nữa ở các tỉnh phía nam!
Vũ khai tiền “bán” người trả tài xế xe ôm 3 triệu đồng/lao động, nhưng Vũ vẫn ép nạn nhân phải nhận nợ khoản tiền này. Sau đó, Vũ giao Trung đi tìm các chủ tàu cá để bán lại với giá 15 triệu đồng/người, Trung được Vũ chia 3 triệu đồng/người. Vũ, Trung thống nhất với chủ tàu là khi đưa lao động xuống tàu giao cho thuyền trưởng, có giấy viết tay cam kết không bỏ trốn của lao động thì mới giao tiền.
Công an địa phương không biết
Chiều 26.12, PV Thanh Niên đến nhà của Trần Văn Vũ tại hẻm 215 Lưu Chí Hiếu, P.10, TP.Vũng Tàu. Đây là khu nhà Vũ thuê trọ khoảng 8 tháng nay. Khi gặp chúng tôi, một phụ nữ ở trong nhà trả lời Vũ không có ở nhà. Trong khi đó, nhiều người hàng xóm khi biết PV tới tìm hiểu về Vũ thì tiếp xúc khá dè dặt. “Chúng tôi không muốn dính líu đến anh ta. Có nhiều bạn ghe bị nhốt ở trong khu nhà này. Cách đây 3 tháng, nhà trọ Vũ lúc nào cũng nhộn nhịp bạn ghe lui tới bằng taxi”, một người dân nói. Theo người này, đã có trường hợp bạn ghe trốn vào chiều tối, Vũ cho người tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy. Sau đó, anh ta leo lên mái nhà tìm và hét lớn nếu tìm được sẽ giết ngay!
Đáng lưu ý, chỉ ít phút sau khi PV tới tìm hiểu, có hai thanh niên đi xe máy tới nhà trọ của Vũ “di tản” những người ở đây đi nơi khác.
Cũng vào chiều 26.12, trung tá Nguyễn Hiệp Chính, Trưởng công an P.10 (TP.Vũng Tàu), cho biết mới đây đã mời Vũ lên làm việc vì có hành vi đánh người. Tuy nhiên, do bị hại không khai báo nên công an không xử lý được mà cho Vũ về. Về thông tin Vũ cầm đầu một đường dây bán lao động đi biển, trung tá Chính cho hay công an địa phương chưa nắm được và sẽ cho kiểm tra.
Hơn 100 thuyền viên bị “giam lỏng” ở cửa sông Hàm Luông Sáng 25.12, khi bão số 16 tiến vào khu vực miền Tây Nam bộ, chính quyền các địa phương triển khai kêu gọi tàu cá vào bờ để tránh trú bão. Lực lượng Đồn biên phòng Hàm Luông và Hải đội 2 đóng tại H.Ba Tri (Bến Tre) đã liên tục hụ còi, vận động, kết hợp bắn pháo hiệu báo bão nhưng 23 tàu cá, mỗi tàu có 5 - 10 thuyền viên, vẫn cố thủ neo lơ lửng gần khu vực cửa sông Hàm Luông. Các tàu cá neo đậu trên sông Hàm Luông ngày 25.12 - Ảnh: Bắc Bình Nguyên nhân tài công các tàu này đưa ra để không chịu chạy vào khu vực neo đậu an toàn là vì chưa có lệnh… của chủ tàu! Lực lượng chức năng liên hệ với chủ tàu thì được trả lời là đã yêu cầu các tài công cho tàu vào bờ nhưng họ chưa thực hiện. Đến hơn 14 giờ cùng ngày, khi lực lượng chức năng tiếp cận các tàu này thì một số thuyền viên cho biết “không được lên bờ vì chủ tàu sợ... tụi tui trốn!?”. Trước nguy cơ bão lớn ập vào gây thiệt hại nặng, đến 16 giờ cùng ngày, lực lượng biên phòng liên hệ trực tiếp với các chủ tàu vận động, thuyết phục đưa toàn bộ tàu cặp nơi neo đậu an toàn. Bắc Bình |
Nguyễn Tú - Nguyễn Long