Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi HĐND thành phố về kết quả triển khai, thúc đẩy tiến độ một số dự án hạ tầng trên địa bàn Thủ đô.
Tại dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ theo hình thức BT, Hà Nội cho biết dự án này mới thực hiện được 18,56 km/41,5 km đường và cầu sông Nhuệ, chưa đạt 50% tổng chiều dài tuyến, tiến độ dự án chậm 9 năm. Nguyên nhân chậm tiến độ là do mâu thuẫn về lợi ích giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.
UBND thành phố đã yêu cầu trước ngày 30/11/2022, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án phải có phương án giải quyết các vướng mắc, tiếp tục cùng nhau triển khai thực hiện dự án.
Tháng 4 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thẩm định và có thông báo hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án. Đến ngày 29/5, UBND thành phố đã có buổi họp và chỉ đạo các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ liên quan.
Cụ thể, tạm thời gia hạn thời gian thực hiện dự án, thời gian thực hiện hợp đồng BT đến ngày 31/12/2023 làm cơ sở cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tiếp tục triển khai công tác GPMB, triển khai thi công.
Hoàn chỉnh thủ tục trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư và ý kiến của các cơ quan Trung ương liên quan; hoàn chỉnh quy trình, thủ tục ký phụ lục gia hạn hợp đồng BT với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện theo quy trình, quy định việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km19,9 - Km41,5 theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được thẩm định, xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Đồng thời, khôi phục mốc giới theo chỉ giới đường đỏ tuyến đường; các huyện khẩn trương GPMB hoàn thành toàn bộ vào đầu quý I/2024 để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2025.
Theo tìm hiểu của người viết, vào tháng 2/2013, tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính theo tiểu chuẩn 4 làn xe đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam giai đoạn đến 2020. Toàn tuyến có tổng chiều dài 91 km, đi qua các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Hoà Bình, TP Hà Nội. Đến nay, đã và đang đầu tư xây dựng được khoảng 79 km.
Tuyến được chia thành 4 dự án thành phần.
Đoạn 1 có chiều dài 3,4 km, kéo dài từ nút giao Vành đai 3 - Nguyễn Xiển đến nút giao Phúc La - Văn Phú, kết nối vành đai 3 với đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển và Lê Trọng Tấn. Đoạn này có quy mô 4 - 6 làn xe, mặt cắt ngang nền 53,5 m. Nhà đầu tư là CTCP Bitexco, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đường BT Chu Văn An. Hiện đoạn 1 đã đưa vào vận hành, khai thác.
Đoạn 2 kéo dài từ nút giao Phúc La - Văn Phú đi đến Km31,8 đường trục phía nam, chiều dài 31,8 km, quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 40 - 60 m. Nhà đầu tư dự án là Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5), doanh nghiệp phát triển dự án là CTCP Phát triển Địa ốc Cienco 5.
Đoạn 2 này lại được chia thành 2 đoạn tuyến nhỏ hơn. Đầu tiên là đoạn từ nút giao Phúc La - Văn Phú đến Km19,9 đã xây dựng cơ bản xong, đang vận hành, khai thác. Còn đoạn Km19,9 - Km41,5 đã bàn giao mặt bằng sạch 6,4 km đoạn Km19,9 - Km26,5, đã lập xong hồ sơ thiết kế đang chờ phê duyệt.
Đoạn 3 có chiều dài 13,2 km, kéo dài từ Km31,8 đến nút giao Hương Sơn - Tam Chúc, quy mô đường cấp III với 4 làn xe, mặt cắt ngang 21 m. Đây là đoạn duy nhất chưa được đầu tư xây dựng của toàn tuyến.
Đoạn 3 này sẽ đi qua địa phận 2 huyện của Hà Nội là Ứng Hoà và Mỹ Đức. Khi đoạn tuyến này được hoàn thành, toàn tuyến Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính sẽ được thông, tạo thành trục đường tâm linh kết nối trực tiếp Hà Nội với các quần thể di tích, văn hoá lịch sử quy mô lớn như Chùa Hương, chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc...).
Đồng thời tăng cường kết nối giao thông liên vùng với các tỉnh Hà Nam, Hoà Bình, Ninh Bình; kết nối giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm. Kết nối giao thông đi lại của 7 quận huyện phía nam của Hà Nội (gồm Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Mỹ Đức) với khu vực đô thị trung tâm của thành phố và khu vực các tỉnh phía nam. Tạo thêm một trục hướng tâm phía nam của Hà Nộ, giảm tải cho các tuyến quốc lộ hiện tại.
Vào tháng 12/2022, HĐND TP Hà Nội đã có Nghị quyết đầu tư Đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính (đoạn qua Ứng Hoà, Mỹ Đức) với tổng mức đầu tư 2.564 tỷ đồng, dự kiến được thực hiện trong giai đoạn quý I/2024 - quý IV/2026.
Đoạn 4 của tuyến dài 43,5 km, kéo dài từ nút giao Hương Sơn - Tam Chúc đến cầu Trường Yên, tỉnh Ninh Bình, qua địa phận các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình. Đoạn này có quy mô 4 làn xe, đường cấp III với mặt cắt ngang 9 - 25 m, hiện đã đưa vào vận hành, khai thác.