Duyệt quy hoạch tỉnh Trà Vinh, dự kiến huy động ít nhất 350.000 tỷ đồng vốn đầu tư

Theo Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 350.000 tỷ - 400.000 tỷ đồng.

Một góc TP Trà Vinh. (Ảnh: TTXVN).

Theo Báo Chính phủ, ngày 2/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát là đến 2030 Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn.

Cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 11,5%/năm; trong đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,3 %/năm, ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 15,5 %/năm, ngành thương mại - dịch vụ tăng bình quân 10,81%/năm.

GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 148 triệu đồng vào năm 2030. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân từ 12% đến 15%/năm. Tỷ trọng trong GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 18%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 46%; dịch vụ chiếm khoảng 33%.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 2,9%. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1.700 đến 1.800 triệu USD vào năm 2030. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 350.000 tỷ đến 400.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, về công nghiệp, Trà Vinh sẽ phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu gồm công nghiệp năng lượng, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới thành trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Khai thác tối đa công suất các nhà máy nhiệt điện hiện có, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Nam.

Đối với công nghiệp chế biến nông, thủy sản, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, nâng cao công suất các nhà máy hiện có; xây dựng các nhà máy chế biến mới có công nghệ hiện đại gắn với vùng nguyên liệu; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến.

Về dịch vụ, phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế.

Về thương mại, phát triển dịch vụ thương mại, nâng cao khả năng tham gia điều tiết, cân đối cung cầu, lưu thông hàng hóa bảo đảm thông suốt, đáp ứng đầy đủ các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống người dân.

Về du lịch, Trà Vinh trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển du lịch xanh, bền vững, có sức cạnh tranh cao; phát triển đồng thời du lịch biển, du lịch di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa Khmer.

Về dịch vụ cảng biển, logistics, đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển và logistics, khai thác có hiệu quả các loại hình vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển; nâng cấp hệ thống kho bãi, bảo quản hàng hóa, dịch vụ hậu cần, nhất là các bến cảng; hình thành và phát triển Trung tâm logistics cấp tỉnh tại Khu kinh tế Định An.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ phát triển Khu kinh tế Định An thành khu kinh tế động lực của tỉnh và của vùng đồng bằng sông Cửu Long với tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Cùng với đó, ưu tiên phát triển các ngành: năng lượng tái tạo, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu cùng với các ngành công nghiệp phụ trợ; phát triển khu nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ, du lịch với các sản phẩm độc đáo gắn với cảng biển, dịch vụ logistics. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.