Elon Musk: Từ cậu bé mê sách trở thành người giàu nhất thế giới

Để sở hữu khối tài sản trị giá hơn 195 tỷ USD và trở thành người giàu nhất hành tinh, CEO hãng xe điện Tesla Elon Musk, đã trải qua nhiều dấu mốc quan trọng trong cuộc đời.

Đầu năm mới 2021, ông Elon Musk, CEO hãng ô tô điện Tesla chính thức trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới. Ở tuổi 49, ông Musk nắm giữ khối tài sản trị giá 195 tỷ USD. Chỉ trong một năm, tài sản của ông tăng thêm hơn 165 tỷ USD, góp phần lớn bởi mức tăng trưởng phi mã của cổ phiếu công ty Tesla đạt 743% vào năm ngoái.

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Musk đã trải qua nhiều dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp.

Hành trình trở thành người đàn ông giàu nhất hành tinh của Elon Musk - Ảnh 1.

Ông Elon Musk, CEO Tesla. (Ảnh: Bloomberg).

Những bước chân đầu tiên vào con đường kinh doanh

Elon Musk xuất thân từ một gia đình có bố là kỹ sư cơ điện người Nam Phi, mẹ là người mẫu gốc Canada. CNBC kể rằng Elon Musk từ nhỏ đã tỏ ra ham đọc sách và có niềm yêu thích với lập trình.

Năm học lớp 4, ông gần như dành trọn thời gian để đọc cuốn Encyclopedia Britannica (Bách khoa toàn thư Britannica). Tới năm 12 tuổi, ông thiết kế một trò chơi điện tử mang tên Blastar và bán đi với giá 500 USD, đây là số tiền không hề nhỏ với một cậu bé thời điểm đó.

Sau khi tốt nghiệp trường trung học, Musk chuyển đến Canada sống cùng mẹ. Ông hoàn thành nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, thuộc bang Pennsylvania (Mỹ), thông qua chương trình chuyển tiếp đại học.

Trong khoảng thời gian này, ông Musk cùng bạn học thuê một ngôi nhà 10 phòng ngủ, biến nó thành hộp đêm và kiếm tiền từ đây. Trải nghiệm này đã giúp người được mệnh danh là "Iron man" có thêm kinh nghiệm kinh doanh đầu đời.

Sau này, ông Elon Musk và em trai cùng quản lý một hãng phần mềm rồi bán công ty này vào năm 1999. Ở tuổi 28, Elon Musk đã sở hữu 22 triệu USD. Ông tiếp tục dùng toàn bộ số tiền này để đầu tư vào X.com – một công ty với mục tiêu thay đổi hoàn toàn phương thức chuyển tiền.

X.com tiếp đó sáp nhập với Confinity và trở thành công ty chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán Paypal. Năm 2002, Paypal được bán cho cho eBay với giá 1,5 tỷ USD. Trong đó riêng Elon Musk bỏ túi 165 triệu USD, khi ấy ông 31 tuổi.

Elon Musk: Từ cậu bé ham đọc sách trở thành người đàn ông giàu nhất hành tinh  - Ảnh 2.

Elon Musk (bên phải). (Ảnh: Bussiness Insider Deutschland).

Vào đầu năm 2002, ông Musk thành lập công ty hàng không vũ trụ Space Exploration Technologies (gọi tắt: SpaceX) với mục tiêu cách mạng hóa chi phí du hành vũ trụ để giúp con người có thể tồn tại ngoài Trái Đất.

Năm 2004, khi dự án trên vừa mới đi vào hoạt động thì ông Musk lại tiếp tục xây dựng thêm công ty sản xuất xe điện Tesla với mục đích cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô trên toàn thế giới bằng cách đẩy nhanh sự hình thành của một thế giới chủ yếu sử dụng xe điện.

Hai năm sau đó, Musk lại bỏ ra 10 triệu USD để cùng với các anh em họ của mình thành lập một công ty khác có tên là SolarCity nhằm tạo ra một công trình hạ tầng kỹ thuật để lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời cho hàng triệu hộ gia đình.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa những ước mơ không phải là điều dễ dàng. Sau nhiều lần phóng tên lửa bất thành và bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính 2008, các công ty của ông Musk đứng trên bờ vực phá sản. Ông phải huy động hết số tiền mà mình đang có, nhờ sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và một số nhà đầu tư để cứu vãn tình hình.

Nhưng số tiền này chỉ đủ để cứu "người chị em" của SpaceX là công ty xe điện Tesla. May mắn là vào ngày 23/12/2008, cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã quyết định trao cho SpaceX hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD để tiếp vận Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Cả hai công ty của Elon Musk "thoát chết" trong gang tấc.

Tesla - "Đứa con cưng" bạc tỷ

Elon Musk: Từ cậu bé ham đọc sách trở thành người đàn ông giàu nhất hành tinh  - Ảnh 3.

Dòng xe Model S của Tesla. (Ảnh: Tesla).

Ý tưởng cho sự ra đời của hãng xe điện Tesla bắt đầu từ lúc ông Martin Eberhard, một kĩ sư người Mỹ, chế tạo ra chiếc tzero chạy hoàn toàn bằng điện với hai chỗ ngồi. Ông đã mời người bạn của mình là ông Malcolm Smith ngồi lên mẫu xe này. Chiếc ô tô vận hành rất yên tĩnh với vận tốc chỉ 16km/h.

Nhưng khi chạm tay vào bảng điều khiển, chiếc tzero chỉ mất 4 giây để tăng tốc từ 0 - 100km/h khiến Smith dính chặt vào ghế ngồi. Ông đã hiểu ra ý tưởng của bạn mình và nhìn thấy cả tương lai của ngành công nghiệp xe hơi. Đó là lí do Tesla Motors (tên gọi trước kia của Tesla Inc.) ra đời.

Để giúp công ty lớn mạnh, hai người bạn đã tìm đến một nhà đầu tư nổi danh vừa thu về 170 triệu USD sau khi bán PayPal lúc đó là ông Elon Musk. Sau hai tiếng liên tục trò chuyện, ông Musk đã ngay lập tức thấy được tiềm năng của Tesla Motor.

Đến ngày 23/4/2004, các thủ tục đã hoàn thành. Ông Elon Musk chi 7,5 triệu USD và trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tesla. Một thời gian sau, ông Musk tiếp quản vị trí CEO và tới năm 2010, Tesla đã huy động được khoảng 226 triệu USD từ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Tới năm 2013, Tesla tiếp tục gây sự chú ý cho công chúng khi dòng xe chạy điện Model S của hãng đứng thứ hạng cao nhất trong lịch sử (99/100) do tổ chức tiêu dùng của Mỹ Consumer Reports bình chọn, đồng thời có thứ hạng cao nhất về mức độ an toàn do Ủy ban an toàn đường bộ quốc gia của Mỹ đánh giá (5,4/5).

Năm 2016, Tesla Motor đã mua lại công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời SolarCity, đồng thời một năm sau đó, công ty đổi tên thành Tesla Inc., để biểu thị rằng công ty không chỉ bán ô tô.

Elon Musk: Từ cậu bé ham đọc sách trở thành người đàn ông giàu nhất hành tinh  - Ảnh 4.

Tỷ phú Elon Musk - CEO của Tesla là người giàu nhất thế giới. (Ảnh: Reuters).

Vào tháng 9/2018, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã cáo buộc ông Musk gian lận chứng khoán.

Động thái trên của SEC bắt nguồn từ việc ông Musk viết trên mạng xã hội Twitter rằng bản thân đang cân nhắc đưa Tesla trở thành công ty tư nhân. Dòng tweet này đã khiến cho giá cổ phiếu Tesla biến động chóng mặt trong nhiều tuần.

Theo CNBC, ban hội đồng quản trị của Tesla đã phải nhanh chóng chấp nhận một thỏa thuận kém thiện chí từ phía SEC, bao gồm cả việc ông Musk từ chức chủ tịch trong ít nhất ba năm. Tuy nhiên, ông vẫn được phép giữ chức vụ CEO. Ngoài ra cả Tesla và ông Musk đều bị phạt 20 triệu USD.

Tới năm 2020, Tesla đã chứng kiến sự thăng hoa của mình. Theo Bloomberg, hãng xe này đã giao đến tay khách hàng tổng cộng 499.550 chiếc ô tô điện, với doanh số đạt ngưỡng cao kỷ lục 180.570 chiếc trong quý IV của năm.

Trong khi ngành ô tô thế giới chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19, sản lượng xe sản xuất của Tesla trong năm là 509.737 chiếc, số xe chưa giao cho khách hàng là hơn 10.000 chiếc.

Đầu năm 2020, khối tài sản của ông Musk có giá trị khoảng 27 tỷ USD và chưa nằm trong top 50 người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Tesla đã tăng hơn 9 lần trong năm qua, cộng với mức tiền lương của ông Musk đã giúp ông trở thành người giàu nhất hành tinh.

Trước đó vào tháng 7/2020, ông Elon Musk đã vượt qua tỷ phú Warren Buffett để trở thành người giàu thứ 7 thế giới. Tới tháng 11, ông Musk đã vượt qua ông Bill Gates để trở thành người giàu thứ hai thế giới. Trong suốt một năm qua, ông Musk đã kiếm được khối tài sản nhiều hơn toàn bộ tài sản ròng trị giá 132 tỷ USD của ông Bill Gates.

Ông Musk từng khuyên các CEO nên dành nhiều thời gian hơn "để cố gắng khiến cho sản phẩm của mình tuyệt vời nhất có thể" và cho công việc ở nhà máy, tiếp xúc với khách hàng, theo The Wall Street Journal.

Cuối tháng 11/2020, Tesla đã đạt được một cột mốc quan trọng mới khi chính thức đủ điều kiện "góp mặt" trong chỉ số tổng hợp S&P 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall. 

Tuy đã trở thành người giàu nhất thế giới nhưng ông Musk chỉ đăng trạng thái trên Twitter với vài từ đơn giản: "How strange" (thật kỳ lạ) và "Well, back to work..." (Chà, quay lại công việc thôi). Đồng thời vài ngày sau đó, ông cũng đăng tweet để xin lời khuyên về cách làm từ thiện.

Ông Chris Anderson, người điều hành chương trình TED Talks, từng tôn vinh ông Musk là "vị doanh nhân đáng kính nhất đương đại", còn những người khác gọi ông là "Iron Man ngoài đời thực", tuy nhiên họ có lý do chính đáng để làm điều đó.

Ông Musk từng nói lý do tích lũy tài sản là để cho đi hoặc chuyển hướng thực hiện các dự án mà mình đam mê, cụ thể là khám phá không gian. CEO của Tesla và SpaceX chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: "Sẽ cần rất nhiều tài nguyên để xây dựng một thành phố trên sao Hỏa. Tôi muốn có thể đóng góp nhiều nhất có thể".

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.