Em gái Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức nói gì về nhà xưởng không phép?

Chủ nhà xưởng xây không phép tại Thủ Đức, em gái Phó chủ tịch HĐND quận, cho biết sẽ chỉ tháo dỡ khi các công trình sai phạm khác trong khu vực cũng bị xử lí.

Với diện tích trên 7.100 m2 thuộc quy hoạch đất ga Bình Triệu dự trữ, 7 nhà xưởng không giấy phép có chủ đầu tư là người nhà ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức, đứng tên. Theo quan sát của phóng viên, ngày 23/10, một ngày sau khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thị sát tới khu đất này, các nhà xưởng vẫn hoạt động sản xuất như thường lệ.

Trao đổi với Zing.vn, bà Lê Thị Ngọc Tuyết (51 tuổi, em gái ông Lê Hữu Thành) khẳng định việc gia đình bà xây nhà xưởng không hề nhận được sự ưu ái từ người anh đang làm quan chức HĐND quận.

Em gái Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức nói gì về nhà xưởng không phép? - Ảnh 1.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân xuống kiểm tra thực địa các công trình không phép liên quan đến Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức. (Ảnh: Sỹ Đông).

Tôi sẽ tháo dỡ nếu các công trình sai phạm khác cũng bị xử

Bà Tuyết cho biết khu đất dùng để dựng những căn xưởng là do cha ruột bà, ông Lê Văn Lớn, để lại. Nơi này trước đây là đất ruộng, để hoang hóa và không thể sử dụng để trồng trọt, chăn nuôi do thường xuyên ngập úng.

Sau khi xây dựng công trình, em gái vị Phó chủ tịch HĐND quận cho một xưởng sản xuất đồ da thuê lại.

"Đất để không nên gia đình vay mượn, xây xưởng cho thuê lại để tăng thu nhập. Hồi đó tôi lên phường xin giấy chứng nhận nhưng họ nói rằng đất quy hoạch nên không thể cấp", bà Tuyết phân trần.

Em gái Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức nói gì về nhà xưởng không phép? - Ảnh 2.

Phía trong một khu xưởng với nhiều loại máy móc sản xuất. (Ảnh: Quang Huy).

Trước chuyến thị sát của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, UBND phường Hiệp Bình Chánh đã tới dán giấy thông báo cưỡng chế lúc bà Tuyết vắng mặt.

Một lần khác, ông Trần Minh Tú, nguyên Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, tới dán thông báo tuy nhiên bà không đồng tình và tháo xuống bởi chính quyền chưa mời gia đình bà lên trụ sở đối thoại cụ thể.

"Tôi không chống đối việc tháo dỡ bởi tôi cũng thấy sai phạm, tuy nhiên, tôi chỉ đồng ý tháo dỡ khi các công trình không phép khác trong khu đất quy hoạch này cũng bị xử như vậy", chủ nhà xưởng bày tỏ.

Bà Tuyết cũng khẳng định việc bà xây dựng nhà xưởng không nhận được sự ưu ái từ người nhà đang làm quan chức.

"Tôi có bàn với anh Thành, anh Quí lúc xây dựng công trình này, lúc đó các anh có nói mai mốt chính quyền đến tháo dỡ thì tôi tự chịu", người phụ nữ khẳng định.

Người dân mong muốn xử công bằng 

Tại khu vực phía ngoài khu xưởng, tiếng động cơ, máy móc phát ra ồn ào, người qua lại có thể thấy rõ bầu không khí dày đặc mùn cưa, mùi các loại sơn, hóa chất.

"Ô nhiễm hay không thì nhìn là thấy rồi, việc gì phải nói ra nữa. Khu này lại có nhiều trẻ em, lâu dài tránh làm sao được ảnh hưởng", người phụ nữ cao tuổi từ chối cho biết tên nói.

Em gái Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức nói gì về nhà xưởng không phép? - Ảnh 3.

Phía ngoài những khu nhà xưởng là khu dân cư. (Ảnh: Quang Huy).

Chị Trang, 42 tuổi, sống tại khu vực đầu ngõ vào khu nhà cho biết từ khi xưởng hoạt động, các xe tải cỡ lớn ra vào khiến con đường nhanh xuống cấp, hư hỏng. Mái xếp của nhiều nhà phải sửa chữa do các xe va quệt.

"Trước đây có thanh chắn hạn chế chiều cao ở đầu hẻm không cho xe to vô, nhưng từ lúc xưởng mọc lên, thanh chắn đó cũng bị dỡ bỏ", chị Trang thông tin.

Trong con hẻm nơi những khu xưởng không phép tồn tại nhiều năm, 2 căn nhà xây dựng sai phép vừa bị phá dỡ, đống gạch ngói, khung nhà đổ nát vẫn chưa được dọn dẹp.

Một người dân sinh sống gần đó thể hiện bức xúc khi cùng vi phạm trật tự xây dựng nhưng người dân bình thường bị phá dỡ, còn người nhà của quan chức thì không.

Em gái Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức nói gì về nhà xưởng không phép? - Ảnh 4.

Hoạt động sản xuất vẫn diễn ra tại đây trong ngày 24/10. (Ảnh: Quang Huy).

"Chúng tôi bức xúc không phải lo việc ô nhiễm hay ồn ào, mà nếu đã xử , thành phố phải xử công bằng mọi trường hợp", người này chia sẻ.

Từ năm 2012 đến năm 2018, 7 nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông được xây dựng trên khu đất của ông Lê Văn Lớn (cha ruột ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức). Một số công trình đã được phường Hiệp Bình Chánh ra quyết định cưỡng chế nhưng chưa thể thực hiện do lãnh đạo quận Thủ Đức yêu cầu tạm ngưng, chờ ý kiến của quận.

Đối với 7 công trình liên quan đến Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức, Thường trực Quận ủy thống nhất cho phép cá nhân sai phạm tự tháo dỡ công trình trong tháng 10. Nếu chủ công trình không tự nguyện tháo dỡ thì quận sẽ cưỡng chế.

Ngày 22/10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đang họp Quốc hội tại Hà Nội đã bay vào TP HCM kiểm tra thực tế 7 công trình vi phạm liên quan đến Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức.

Sau khi nghe các sở, ngành báo cáo, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định quận Thủ Đức đã chậm trễ trong việc xử lí công trình không phép liên quan đến lãnh đạo quận gây bức xúc dư luận. Công trình vi phạm đầu tiên từ năm 2012 nhưng sau 7 năm vẫn chưa cưỡng chế. Điều này xuất phát từ sự thiếu quyết liệt và cả sự nể nang của lãnh đạo quận.

Hồi tháng 7, Thành ủy ban hành chỉ thị về lập lại trật tự xây dựng. Sau đó, quận Thủ Đức đã tổ chức hội nghị triển khai, các đảng viên cũng cam kết không vi phạm.

"Với tinh thần đó, lẽ ra ông Lê Hữu Thành phải khắc phục. Tuy nhiên, nếu báo chí không nêu ra thì chưa biết bao giờ khắc phục. Như vậy là chậm, cán bộ không tự giác", ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và yêu cầu quận Thủ Đức phải tổ chức kiểm điểm, báo cáo kết quả cho thành phố vào đầu tuần sau.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.