Gần 2.000 dự án nhà ở được phê duyệt trong 6 năm qua

Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, từ năm 2014 đến nay, có tổng số 1.953 dự án xây dựng nhà ở đã được phê duyệt. Trong đó, 62% là nhà ở thương mại, 11,6% là nhà ở xã hội và 6,4% là nhà ở tái định cư.

Bộ Xây dựng cho biết, kể từ khi ra đời, Luật Nhà ở 2014 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc phê duyệt các dự án nhà ở trong thời gian vừa qua, giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ nguồn cung, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở thực tế của người dân thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.

Gần 2.000 dự án nhà ở được phê duyệt trong 6 năm qua - Ảnh 1.

Hàng trăm dự án nhà ở được phê duyệt mỗi năm. (Ảnh: Hạ Vũ).

Theo thống kê chưa đầy đủ của 48/64 địa phương (chưa bao gồm Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành khác) từ năm 2014 đến nay, có tổng số 1.953 dự án xây dựng nhà ở đã được phê duyệt. Trong đó có 319 dự án có diện tích trên 20 ha, 1.634 dự án có diện tích dưới 20 ha.

Nhà ở thương mại chiếm khoảng 62% tổng số lượng dự án, nhà ở xã hội chiếm 11,6% và nhà ở tái định cư chiếm 6,3%.

Trong số các dự án đã được hình thành thì 455 dự án nhà ở đã thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở và 477 dự án thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2014.

Qua đánh giá của các địa phương thì hầu hết các dự án phát triển nhà ở đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Các dự án phát triển nhà ở được phê duyệt cơ bản tuân thủ yêu cầu về phát triển nhà ở như phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, có trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Nhiều địa phương giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, đấu thầu 

Về nhà ở thương mại, giai đoạn 2015 - 2020, có khoảng 1.216 dự án được triển khai đầu tư xây dựng. Trong đó, TP Hà Nội phát triển được 21,56 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở thương mại theo dự án, chiếm tỷ trọng 62% trên tổng số m2 sàn xây dựng nhà ở của thành phố và vượt chỉ tiêu đề ra khoảng 1,1 triệu m2. 

TP HCM phát triển tổng số 12,5 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở thương mại, vượt chỉ tiêu đề ra khoảng 6 triệu m2, chiếm khoảng 23% trên tổng số m2 sàn xây dựng nhà ở.

Kết quả trên cho thấy, các quy định về phát triển nhà ở thương mại của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã dần đi vào thực tiễn và tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện các dự án.

Đặc biệt là quy định về lựa chọn chủ đầu tư nhằm lựa chọn được các chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án, bảo đảm nguồn cung cho thị trường và hạn chế, thanh lọc các chủ đầu tư yếu kém, không đủ năng lực.

Theo thống kê của các địa phương thì kể từ năm 2014, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc… đã thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức đấu giá hoặc đấu thầu theo quy định của Luật Nhà ở. 

Tuy nhiên vẫn có nhiều địa phương lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại không thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu mà thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư (giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc chuyển mục đích sử dụng đất).

Hạn chế đầu tư dự án nhà ở tái định cư

Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí nhà ở tái định cư bằng hình thức mua nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội thay vì phải đầu tư xây dựng dự án nhà ở tái định cư.

Hiện nay, việc tái định cư chủ yếu được thực hiện thông qua việc giao đất ở để người dân tự xây dựng nhà hoặc bồi thường bằng tiền.

Tổng hợp báo cáo của 40 tỉnh, thành phố cho thấy chỉ có khoảng trên 43.000 căn nhà ở phục vụ tái định cư do Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng.

Kể từ khi có Luật Nhà ở 2014 thì Nhà nước chủ yếu dùng nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội theo dự án để bố trí tái định cư, hạn chế việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở tái định cư. 

Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2020, Hà Nội xây dựng mới khoảng 371.800 m2 sàn nhà ở tái định cư, trong khi TP HCM không xây dựng mới dự án nhà ở tái định cư nào.

Về phát triển nhà ở riêng lẻ, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, số lượng nhà ở riêng lẻ tự xây dựng bởi hộ gia đình, cá nhân của cả nước tương đối lớn, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM.

Trong 5 năm vừa qua, Hà Nội có 11,3 triệu m2 nhà ở riêng lẻ xây dựng mới do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, chiếm tỷ trọng gần 33% trên tổng số m2 sàn xây dựng nhà ở. TP HCM có khoảng 38,5 triệu m2, chiếm tỷ trọng khoảng 74%.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.