'Thực trạng rõ nét nhất của thị trường BĐS Việt Nam là các giao dịch ngầm phi chính thức'

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thực trạng rõ nét nhất của thị trường bất động sản Việt Nam là các giao dịch ngầm phi chính thức. Điều này đã gây tác hại không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có những đánh giá và tổng kết sơ bộ về việc kết quả thi hành Luật kinh doanh bất động sản 2014. 

Theo đó, luật Kinh doanh bất động sản 2014 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 đã có những tác động sâu rộng đến nhiều mặt của thị trường, trong đó có hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Những năm qua, cùng với quá trình phát triển thị trường thì các tổ chức trung gian hỗ trợ như hệ thống sàn giao dịch bất động sản, công chứng bất động sản, các tổ chức đào tạo bất động sản, đội ngũ môi giới, tư vấn, quản lý bất động sản… đã hình thành, phát triển và hoạt động ổn định.

Đặc biệt, hoạt động của các sàn giao dịch đã ngày càng hiệu quả hơn và chuyên nghiệp hơn, thể hiện ở số lượng giao dịch và thu thuế cho nhà nước.

'Thực trạng rõ nét nhất của thị trường BĐS Việt Nam là các giao dịch ngầm phi chính thức' - Ảnh 1.

Sự phát triển của hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản những năm qua góp phần giải phóng một lượng lớn sản phẩm tồn kho của giai đoạn 2014 - 2019. (Ảnh tư liệu: Kiều Anh).

Hơn 1.600 sàn giao dịch đang hoạt động

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2020, trên cả nước có hơn 1.600 sàn giao dịch hoạt động. Trong đó, nhiều sàn giao dịch đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, từng bước được chuyên nghiệp hóa trong hoạt động dịch vụ. Đặc biệt, đã có sự liên kết giữa các sàn với nhau nhằm trao đổi thông tin nâng cao hiệu quả dịch vụ.

Mạng lưới sàn giao dịch đang từng bước trở thành một sân chơi minh bạch cho các nhà đầu tư bất động sản, đem lại nhiều lợi ích cho người dân khi tiếp cận hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở. Đây cũng là một kênh cung cấp thông tin thị trường quan trọng cho cơ quan quản lý nhà nước. 

Cụ thể, các báo cáo, thông tin của các sàn giao dịch về nhu cầu, xu hướng loại hình, xu hướng giá, khả năng hấp thụ của thị trường, lượng giao dịch… giúp cơ quan quản lý nhà nước điều tiết, kiểm soát thị trường tốt hơn. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng dựa vào các thông tin này để có định hướng phát triển kinh doanh phù hợp hơn. 

Sự ra đời của các sàn giao dịch còn phần nào hạn chế các giao dịch phi chính thức diễn ra, chống thất thu thuế cho Nhà nước. 

Bộ Xây dựng đánh giá, thực trạng rõ nét nhất của thị trường bất động sản Việt Nam là các giao dịch ngầm phi chính thức. Điều này đã gây tác hại không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân. 

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các chủ đầu tư đã thực hiện bán sản phẩm thông qua sàn giao dịch, dù pháp luật quy định không bắt buộc các giao dịch bất động sản phải qua sàn. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường đang phát triển lành mạnh và minh bạch hơn.

Số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các sở xây dựng địa phương cho thấy, tính từ năm 2014 đến hết quý II vừa qua, cả nước có khoảng 452.894 giao dịch thành công.

Tại Hà Nội, có khoảng 100.000 giao dịch thành công. Trong đó, năm 2014 có khoảng 11.450 giao dịch, năm 2015 có khoảng 19.350 giao dịch, năm 2016 có khoảng 15.450 giao dịch, 2017 có khoảng 14.800 giao dịch (giảm 4,2% so với năm 2016), năm 2018 có khoảng 8.400 giao dịch, năm 2020 có 13.834 giao dịch và 6 tháng đầu năm 2021 có 6.665 giao dịch thành công.

TP HCM có khoảng 111.716 giao dịch thành công trong giai đoạn này. Cụ thể, năm 2014 có 10.250 giao dịch, năm 2015 có 18.700 giao dịch, năm 2016 có 15.250 giao dịch, năm 2017 có 16.220 giao dịch (tăng 6,3% so với năm 2016), năm 2018 có khoảng 9.830 giao dịch, năm 2019 có 14.797 giao dịch, năm 2020 có 20.218 giao dịch và 6 tháng đầu năm 2021 có 6.451 giao dịch.

80% giao dịch thành công thông qua môi giới

Bộ Xây dựng đánh giá, môi giới bất động sản đã trở thành một loại hình kinh doanh dịch vụ ngày càng trở nên phổ biến. Việc cho phép môi giới bất động sản hoạt động tạo ra một kênh phân phối bất động sản mới, giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian thu hồi vốn để tái đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế, người tiêu dùng có cơ hội được phục vụ tốt hơn.

Theo báo cáo của một số địa phương trên cả nước, tính từ năm 2008 đến nay có khoảng 32.912 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Đáng chú ý, khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công là thông qua môi giới. 

Lực lượng môi giới đông đảo với chất lượng chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014 - 2019. Điều này được thể hiện qua có số khoảng 282.139 lượng giao dịch thành công tính đến nay. Trong đó, Hà Nội có 79.501 giao dịch thành công và TP HCM có 85.074 giao dịch thành công.

Bên cạnh các sàn giao dịch và môi giới, các tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn, quản lý bất động sản cũng đã thực hiện tốt vai trò chức năng của mình trong thời gian qua. 

Việc tư vấn, trợ giúp về các vấn đề liên quan đến kinh doanh bất động sản theo yêu cầu của các bên tham gia thị trường và thực hiện các hoạt động quản lý, khai thác và định đoạt bất động sản theo ủy quyền của chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng hoặc người có quyền sử dụng đất. 

Ngoài ra, hoạt động tư vấn bất động sản đã giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật, tài chính bất động sản, trình tự thủ tục đầu tư… để có lựa chọn chính xác trước khi quyết định tham gia thị trường.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.