Gắn mào 'taxi công nghệ': Dán chữ phản quang khó nhận diện, dễ bóc ra để đi vào phố cấm

Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết nếu không gắn mào "taxi công nghệ" mà dán chữ phản quang thì rất khó nhận diện và tài xế dễ bóc ra để đi vào phố cấm.

IMG_0670

Taxi truyền thống phải gắn mào theo qui định. (Ảnh: Di Linh).

"Taxi công nghệ" cần gắn mào để công bằng

Ngày 11/9, Bộ GTVT có báo cáo về qui định xe taxi phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe. Cụ thể, hiện Nghị định số 86 đang qui định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn trên nóc xe.

Theo Bộ này, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 sau khi trải qua 11 lần trình Chính phủ cũng có nội dung trên.

"Phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe là qui định chung cho xe taxi dùng đồng hồ tính tiền và tính tiền bằng phần mềm (taxi công nghệ)", Bộ GTVT cho hay.

Bộ GTVT cho biết, kinh doanh vận tải taxi với 2 loại hình trên phải chịu điều kiện như nhau để đảm bảo công bằng.

"Hơn nữa, đây là qui định đã và đang được thực hiện từ nhiều năm nay cho đến hiện tại vẫn đang ổn định. Ngoài ra, các hiệp hội vận tải, taxi và nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là qui định rất cần thiết để đảm bảo nhận dạng, chống xe hoạt động "tàng hình", chạy dù.

Đồng thời, nhận diện giúp cho công tác tổ chức giao thông đô thị, phục vụ công tác tuần tra kiểm soát được tốt hơn", Bộ GTVT thông tin.

Theo Bộ, qui định gắn mào kế thừa từ Nghị định 86, tạo khung pháp lí chung phù hợp để các doanh nghiệp lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp. Từ các lí do trên, Bộ GTVT thống nhất "taxi công nghệ", truyền thống đều phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn trên nóc xe.

IMG_0638

Nhiều năm trôi qua, Nghị định thay thế Nghị định 86 vẫn chưa được ban hành. (Ảnh: Di Linh).

Bộ GTVT loay hoay với việc gắn mào?

Trước đó, tại bản dự thảo 11 Nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ GTVT qui định xe hợp đồng dưới 9 chỗ phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" trên kính phía trước và kính phía sau xe theo qui định.

Kích thước tối thiểu của cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" là 06 x 20 cm; cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" phải được làm bằng vật liệu phản quang.

Việc qui định nêu trên được Bộ GTVT cho biết xuất phát từ việc "nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ theo hướng bỏ qui định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe đối với xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi (bao gồm xe hợp đồng, xe du lịch)".

Ngay khi bản dự thảo trên được đưa ra, nhiều hiệp hội taxi trong nước đã lên tiếng phản đối và mong muốn đối thoại với Chính phủ về nội dung này.

Đáng chú ý, mặc dù là đơn vị soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 nhưng Bộ GTVT không thể đưa ra quan điểm xuyên suốt.

Đơn cử, tại kì họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có nói: "Trong Nghị định 86 sửa đổi, chúng tôi đề xuất xe taxi công nghệ gắn mào để các cơ quan chức năng khi nhìn lướt qua biết được là xe taxi và xe taxi hợp đồng điện tử hoặc taxi công nghệ.

Trong Nghị định số 86 sửa đổi xe hợp đồng điện tử, xe taxi công nghệ, xe taxi truyền thống hồ sơ thủ tục như nhau nên tất cả xe như Grab hoạt động ở Việt Nam phải đăng kí, đăng kiểm, chịu trách nhiệm trước lái xe, hành khách và các thủ tục như taxi truyền thống".

Và đã 4 năm trôi qua, Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô - nghị định ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp vận tải trong nước vẫn chưa thể ban hành.

IMG_2773

Không gắn mào, nhận diện taxi công nghệ khó khăn? (Ảnh: Di Linh).

Không gắn mào, nhận diện khó khăn

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng nếu dán chữ phản quang, việc nhận diện "taxi công nghệ" sẽ rất khó khăn.

"Dán chữ phản quang sẽ không nhận diện được bởi ai kiểm soát? Nếu tài xế dán chữ xong rồi bóc ra thành xe không kinh doanh vận tải để đi vào phố cấm thì như thế nào?

Ví dụ, nhiều xe hợp đồng điện tử có phù hiệu nhưng có thể giấu đi", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, thí điểm xe công nghệ theo Quyết định 24 của Bộ GTVT khiến số lượng ô tô tăng mạnh ở Hà Nội.

"Trong khi đó, bản chất "taxi công nghệ" tương đồng như taxi thì tại sao không quản lí như nhau cho tốt? Tại sao cần phân định xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ?

Hiện nay, ở Hà Nội, người dân sử dụng phương tiện công cộng thấp vì đường ùn tắc. Trong khi đó, lượng "taxi công nghệ" tăng mạnh càng gây ùn tắc thêm.

Do đó, việc gắn hộp đèn để quản lí (xử phạt, tránh đi vào phố cấm...) trong khi chờ sửa Luật Giao thông đường bộ với qui định về màu biển số là rất cần thiết", ông Hùng cho hay.

Theo vị này, về lâu dài, mỗi loại hình phương tiện có màu biển số riêng, hoặc có thể gắn thiết bị giám sát để xử lí khi vào phố cấm, phố thu phí... để quản lí phương tiện.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề gắn mào, một số tài xế xe công nghệ cho rằng họ không bắt khách dọc đường, chỉ qua ứng dụng thì việc gắn mào để nhận diện sẽ gây bất tiện, tăng chi phí.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.