Gánh khoản nợ xấu 630 tỷ đồng vừa bị xử lý, Công ty Nam Biển Đông có thân phận ra sao?

Nam Biển Đông từng là công ty liên kết của Vungtau Tourist, một doanh nghiệp nhà nước từ năm 2010, song hoạt động không hiệu quả.
Bà Rịa - Vũng Tàu xử lý khoản nợ của chủ khu du lịch  - Ảnh 1.

Một góc TP Vũng Tàu. (Ảnh: UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ngày 12/10, Chính phủ đã công bố báo cáo về tình hình triển khai thực hiện xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Nội dung văn bản cho biết, Cục An ninh kinh tế cùng Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp thu giữ TSBĐ của Công ty TNHH Du lịch Nam Biển Đông tại TP Vũng Tàu để xử lý khoản nợ hơn 630 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của người viết, Công ty Nam Biển Đông được thành lập ngày 26/12/2002, có trụ sở tại số 8 Sư Vạn Hạnh, phường Tam Thắng, TP Vũng Tàu.

Vào tháng 11/2019, Công ty Quản lý Tài sản - VAMC (thuộc Ngân hàng Nhà nước) đã phát thông báo thẩm định giá TSBĐ của Nam Biển Đông để xác định giá khởi điểm bán đấu giá.

Trong đó, TSBĐ là quyền sử dụng đất thửa số 10, tờ bản đồ số 68 tại phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu với diện tích hơn 12.000 m2. Đây là đất cơ sở sản xuất kinh doanh được doanh nghiệp thế chấp từ năm 2011, có thời hạn sử dụng đến năm 2053.

Đến tháng 12/2019, VAMC đã thông báo bán đấu giá tài sản của Nam Biển Đông với mức giá khởi điểm khoảng 600 tỷ đồng, báo Đấu thầu đưa tin. 

Theo VAMC, khoản nợ này được đơn vị mua lại từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vào năm 2018.

Nói thêm về Nam Biển Đông, doanh nghiệp này từng là công ty liên kết của một doanh nghiệp Nhà nước là CTCP Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Vungtau Tourist, mã chứng khoán: VTG). 

Theo báo cáo thường niên năm 2010 của Vungtau Tourist, doanh nghiệp đang góp 3,3 tỷ đồng vào vốn điều lệ của Nam Biển Đông (tương đương 14,29%). Ở thời điểm đó, vốn chủ sở hữu của Nam Biển Đông là 25 tỷ đồng.

Đến năm 2011, lô đất phía sau khách sạn Sammy Vũng Tàu (2.000 m2) do Nam Biển Đông sở hữu, đã đóng tiền sử dụng đất, đã được tiến hành tách lô đất sang cho Vungtau Tourist.

Từ năm 2013, Vungtau Tourist bắt đầu lên kế hoạch thoái vốn tại các công ty liên doanh, liên kết, trong đó có Nam Biển Đông.

Vào tháng 10/2015, Nam Biển Đông đã có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu để báo cáo về việc nghiên cứu xin mở rộng dự án Khu du lịch Nam Biển Đông tại phường 2, TP Vũng Tàu.

Vào năm 2016, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã công bố kết luật thanh tra về hoạt động của Vungtau Tourist trong giai đoạn 2011 - 2014. 

Theo đó, Vungtau Tourist đã đầu tư góp vốn vào 21 công ty liên doanh, liên kết, nhưng đa số đều không hiệu quả, chỉ có 4 đơn vị ghi nhận có chia cổ tức hàng năm. 

Ghi nhận từ báo cáo thường niên giai đoạn 2010 - 2020, Nam Biển Đông không mang về lợi nhuận cũng như hiệu quả kinh doanh cho Vungtau Tourist.

Đến tháng 2/2020, Vungtau Tourist đã thông báo đấu giá toàn bộ phần vốn góp 3,3 tỷ đồng tại Nam Biển Đông. Tháng 3/2020, việc thoái vốn được hoàn tất.

Tại lần đăng ký thay đổi mới nhất ngày 23/10/2020, Nam Biển Đông có vốn điều lệ 205 tỷ đồng, trong đó ba cổ đông gồm Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hòa (88,26%); ông Nguyễn Thanh Long (1,74%) và ông Phạm Phong Vũ (10%).

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.