CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã chứng khoán: CII) vừa thông báo chào bán 5 triệu trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Với giá chào bán 100.000 đồng/trái phiếu, ước tính tổng số vốn CII thu về là 500 tỷ đồng.
Trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cố định 9,5%/năm và được trả lãi định kỳ 3 tháng/lần. Thời gian để nhà đầu tư mua trái phiếu kéo dài từ ngày 2/10 đến ngày 21/10/2021. Lần chào bán này được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS).
Những năm gần đây, CII liên tục phát hành trái phiếu ra thị trường. Tính riêng hai quý đầu năm 2021, CII đã có hai đợt phát hành trái phiếu, thu về tổng số tiền là 790 tỷ đồng. Năm 2020, doanh nghiệp cũng đã thực hiện phát hành 8 đợt trái phiếu với tổng số tiền thu được hơn 5.000 tỷ đồng.
Theo bản cáo bạch ngày 28/9/2021, CII có 13 loại trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị lưu hành hơn 7.200 tỷ đồng, chủ yếu là các trái phiếu thường, không chuyển đổi và không kèm chứng quyền.
Với lần phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu vừa công bố, dư nợ của CII có thể tăng thêm trong đợt hạch toán cuối quý III này.
Trở lại thời điểm cuối quý II/2021, báo cáo tài chính của CII cho thấy dư nợ vay của doanh nghiệp đã lên tới 17.500 tỷ đồng, tăng hơn 900 tỷ đồng so với đầu kỳ và cao gấp đôi vốn chủ sở hữu. Nợ vay từ trái phiếu chiếm gần 43% tổng dư nợ vay của CII, đạt gần 7.500 tỷ đồng.
Lý giải cho việc tăng cường gọi vốn qua kênh trái phiếu những năm gần đây, CII cho biết trong giai đoạn từ 2018 - 2021, doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn để giải ngân cho các dự án trọng điểm.
Điển hình là các dự án BOT như mở rộng Xa Lộ Hà Nội; mở rộng Quốc lộ 60; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hay dự án xây dựng cao ốc văn phòng tại 152 Điện Biên Phủ với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng.
Đơn cử như đợt phát hành 500 tỷ đồng mới nhất mà doanh nghiệp công bố, 20% số vốn thu được sẽ dùng để đầu tư cho dự án BOT xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 của doanh nghiệp.
Đây là dự án được khởi công từ tháng 11/2009, có chiều dài hơn 51 km với tổng vốn đầu tư khoảng 12.668 tỷ đồng. Theo dự kiến, toàn tuyến sẽ thông xe vào tháng 11/2021. Tính đến hết tháng 8/2021, tiến độ thi công toàn dự án đạt khoảng 80%.
Còn lại phần lớn số vốn (400 tỷ đồng) sẽ được dùng để thanh toán gốc vay HDBank (250 tỷ đồng) và gốc vay VPBank (150 tỷ đồng).
Ngoài nhu cầu của chính doanh nghiệp, việc các ngân hàng siết cho vay với các dự án BOT, dự án bất động sản vì tính rủi ro cao cũng khiến cơ hội tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản nói chung và CII nói riêng bị thu hẹp.
Ví dụ như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư gần 12.700 tỷ đồng, các ngân hàng chỉ cam kết cho vay khoản 52% trên tổng mức đầu tư trên. Do đó, ngoài khoản hỗ trợ gần 2.200 tỷ đồng của Nhà nước thì nhà đầu tư phải tự thu xếp khoảng 3.800 tỷ đồng còn lại.
Nhằm đảm bảo các dự án có thể về đích đúng tiến độ, CII cho hay phải sử dụng các tài sản của doanh nghiệp để huy động vốn hỗ trợ đầu tư cho các dự án.
Bên cạnh đó, việc CII đẩy mạnh phát hành trái phiếu còn liên quan đến việc trái phiếu phát hành có thể sử dụng hỗn hợp cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau mà không bị bó hẹp như các khoản vay. Đồng thời, các tổ chức tín dụng có thể mua bán trái phiếu dễ dàng và không yêu cầu nhiều thủ tục như mua bán nợ theo hợp đồng tín dụng.
Trở lại với tình trạng tài chính của CII, sau giai đoạn triển khai đầu tư mạnh và hoàn tất các dự án, dư nợ vay của CII thời điểm cuối quý II đã cao gấp 2,2 lần so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Trước áp lực đó, công ty ước tính sẽ thu về 8.226 tỷ đồng từ quý IV/2021 đến năm 2022 để thanh toán bớt các khoản nợ, mục tiêu kết thúc giai đoạn dòng tiền âm do phải đầu tư lớn cho các dự án như các năm trước.
Theo CII, dòng tiền của doanh nghiệp sẽ đến từ 4 nguồn chính.
Thứ nhất là nguồn thu từ các dự án bất động sản đã hoàn thành (hoặc sắp hoàn thành) dự kiến đạt 1.126 tỷ đồng. Thứ hai là nguồn thu từ thu phí giao thông (sau khi trả nợ vay theo dự án) đạt khoảng 700 tỷ đồng. Thứ ba là nguồn thu từ hợp tác đầu tư phát triển dự án khoảng 2.000 tỷ đồng.
Cuối cùng, hình thức chuyển nhượng dòng tiền thu hồi từ các dự án BOT đã đi vào thu phí hoàn vốn có thể mang về cho CII 4.400 tỷ đồng trong năm 2022. Đây là một trong số các giải pháp thu hồi vốn đầu tư nhanh nhất mà CII đã triển khai áp dụng từ năm 2003 và sẽ cón áp dụng trong thời gian tới.
Mặt khác, theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), mảng thu phí hai dự án BOT là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Xa Lộ Hà Nội sẽ đóng góp lần lượt khoảng 56% và 36% vào lợi nhuận trước thuế cho CII năm 2021 và 2022. Tổng dòng tiền mặt hàng năm từ các dự án này ước tính đạt 2.100 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh các dự án BOT, CII cùng các thành viên trong hệ sinh thái còn phát triển nhiều dự án bất động sản khác, tiêu biểu như dự án Khu dân cư Sơn Tịnh tại Quảng Ngãi (quy mô 102,6 ha), dự án De Lagi tại Bình Thuận (quy mô 124,7 ha),... hay loạt dự án Thủ Thiêm Lakeview tại quận 2, TP HCM. Trong đó, hai dự án thành phần tại lô 4-8 và 3-6 được dự kiến hoàn thành bàn giao và đem về nguồn thu cho công ty trong năm 2022.
Chứng khoán VCSC dự đoán việc hợp tác với nhà đầu tư chiến lược tại dự án Riverpark giai đoạn 2 (quận 2, TP HCM) trong giai đoạn 2022 - 2023 sẽ dẫn dắt lợi nhuận của CII, đóng góp lần lượt 40% và 10% cho dự báo lợi nhuận trước thuế của VCSC cho các năm 2022 và 2023.