Cứ mỗi 3-4h chiều, con hẻm rộng chưa đến 5 m lại đông hàng người xếp chờ mua xôi. Gánh xôi lâu năm được thực khách đặt tên là "xôi nếp than cô Thúy". Khách đến mua phần nhiều là những người đi chợ chiều và người giao đồ ăn online, làm con hẻm luôn tấp nập.
Cô Trần Thị Thúy (58 tuổi) là chủ gánh xôi nếp than, vừa bày đồ ra chuẩn bị bán, người mua đã đứng xếp hàng chờ sẵn. Bình thường, cô Thúy bán xôi từ 13h đến 18h. Thời gian gần đây, món xôi nếp than của cô được nhiều người yêu thích bởi hương vị độc quyền "cha truyền con nối" nên cô mở sớm hơn, lúc 12h30.
Mỗi ngày, cô bán 2 thau xôi, tương đương khoảng 20 kg nếp đã nấu chín. Bằng kinh nghiệm của mình, cô Thúy nhẩm chừng: "20 kilogam nếp này qui ra cỡ 400-500 gói xôi. Khách đông, mình làm nhiều thì không xuể, nhưng khách mua trễ là hết. Một ngày bán cũng được 5 triệu đồng cả tiền gốc và tiền lời".
Mỗi ngày, cô Thúy bán 2 thau xôi, tương đương khoảng 20 kilogam nếp đã nấu chín. (Ảnh: Xuyến Kim).
Quán tận dụng một góc nhỏ trước nhà, đạt vừa đủ để thau xôi, tủ đựng gia vị và khoảng trống đủ chỗ cho cô Thúy cùng một người cháu phụ đứng bán, khách đến mua thì xếp hàng dài đợi.
Anh Quốc Huy (21 tuổi) là cháu cô Thúy, cho biết: "Khách đến đây mua đa số là khách đi đường hoặc mấy anh giao hàng. Nhờ truyền miệng rồi mạng xã hội người ta biết tìm đến; Gần đây, gánh xôi của cô mình không chỉ bán trong Sài Gòn, mà có người mua mang đi tỉnh thành khác rồi có cả Việt kiều mua. Có ông khách người Nhật mua đóng thùng mang đi ăn nữa".
Xôi được gói trong lớp bánh tráng giấy, "gói bình thường tầm 10.000-15.000 đồng, có khách muốn ăn nhiều cũng tầm 20.000-30.000 đồng nhưng như vậy thì ngán, không ngon! Xôi nấu bằng loại nếp này phải trán cho mỏng thì khi ăn kèm gia vị mới đậm đà", cô Thúy vừa bán vừa nói.
Mỗi ngày, quán xôi cô Thúy bán được 5 triệu đồng tính cả gốc lẫn lãi. (Ảnh: Xuyến Kim).
Cô kể năm 23 tuổi, sau cô lập gia đình cô từ Cần Thơ chuyển đến Sài Gòn sinh sống. Cô bắt đầu bén duyên với gánh xôi nếp than năm cô 41 tuổi. "Cái nghề vậy mà theo tới giờ 20 năm", cô Thúy kể.
Bí quyết nấu xôi ngon của người phụ nữ quê gốc đất Tây Đô này đơn giản chỉ là nếp: "Nếp ở Việt Nam có 2 miền nhưng lại không ngon bằng nếp được trồng ở Campuchia. Lí do là nếp ở Campuchia khi nấu thì xôi chín đều, không bị sượng. Giá nếp Campuchia thì cao hơn nhưng ngon".
Suốt 20 năm qua, cô Thúy vẫn theo nghiệp bán xôi. (Ảnh: Xuyến Kim).
Người ta biết đến gánh xôi cô Thúy chỉ với một loại xôi, đó là xôi nếp cẩm. Cô học cách nấu xôi này từ bà và em gái, đây là bí quyết riêng để tạo ra hương vị cho món xôi mà không nơi nào có được.
Anh Nguyễn Huỳnh Tới, khách hàng thường mua xôi, chia sẻ: "Tôi mua xôi ở đây vì xôi ngon, dẻo và thơm mùi dừa. Ai mà nói thèm xôi nếp cẩm, tôi sẵn sàng giới thiệu đến quán của cô Thúy liền, vì nếp ngon mà giá cả hợp lí".
Thau xôi được cô Thúy đặt trên bếp dầu để giữ được độ nóng, thơm và dẻo vốn có của nếp. Ngoài nấu xôi, công đoạn làm nên sức hấp dẫn chp món ăn này là nêm nếm gia vị. Gói xôi cô Thúy bán được ăn kèm với bánh tráng, đậu xanh, dầu hành, mè, đường, dừa, đậu phộng... gọi trong chiếc bánh tráng mỏng.
"Bán nhiều năm nên tôi có kinh nghiệm nêm gia vị, ít bị lố tay. Nếp ngâm với nước cỡ 10- 13 tiếng, khi nấu sẽ nhanh và chín đều. Xôi khi nấu phải có một chút muối, trở đều tay để không bị dính", cô chia sẻ.
Cô Thúy có 2 người con và không ai muốn theo nghề bán xôi của mẹ: "Cũng may có thằng cháu giỏi bếp núc nên giờ truyền lại cho nó. Nó rành công nghệ, sau này nó sẽ bán theo cách hiện đại của người trẻ để giữ nghề", cô nói.
Ấp ủ ý định mở một cửa hàng xôi nếp than độc quyền, anh Quốc Huy, cháu cô Thúy khẳng định: "Cách nấu món xôi này chỉ truyền trong gia đình thôi. Mình sẽ cố gắng học nghề này một cách trọn vẹn để giữ lại cái vị vốn có của nó. Đây cũng là món ăn quê hương. Quê hương mình nổi tiếng là lúa gạo cho nên mình muốn biến món xôi nếp than này thành đặc sản vùng miền sao cho hấp dẫn và đặc biệt hơn".
Quán xôi trong hẻm nhỏ TP HCM, bán gần 20 kilogam mỗi ngày. (Video: Nhật Sang).