Cửa hàng gốm Nhật bán theo cân độc đáo trong hẻm nhỏ Sài Gòn, tiêu thụ nửa tấn gốm mỗi ngày

Cửa hàng gốm Nhật này không bán theo chiếc mà bán theo hình thức cân kí-lô với giá 80.000 đồng/kg, thu hút nhiều khách Sài Gòn ghé mua. Nhờ hình thức kinh doanh mới lạ, cửa hàng bán mỗi ngày trên dưới gần nửa tấn gốm các loại.
_MG_0002

Nằm trong hẻm cụt cư xá Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP HCM), cửa hàng gốm của anh Nguyễn Văn Quang đang được nhiều người tìm đến vì hình thức bán gốm theo kg với giá chỉ 80.000 đồng/kg. (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0017

Các sản phẩm gốm phổ thông như chén, dĩa, tô… đều được bán với giá 80.000 đồng/kg. Có đến hơn 95% sản phẩm tại cửa hàng được bán theo hình thức cân kg. (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0021

Chỉ những sản phẩm có trình độ chế tác cao, số lượng giới hạn mới được phân loại bán với mức giá riêng. (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0022

Một số sản phẩm sứ từ Pháp, Mỹ có giá 150.000 đồng/kg. (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0023

Gốm ngũ sắc 250.000 đồng/kg. (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0024

Li tách 25.000 đồng/cái. (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0041

Mở cửa hàng, anh Quang thừa nhận ban đầu chỉ nghĩ nhiều đến mục đích kinh doanh. Cách đây hơn 2 năm, anh tình cờ tiếp xúc với đồ gốm Nhật qua một lô hàng thanh lí từ một người giới thiệu. "Lúc đấy mình khởi đầu với một bản kế hoạch không thành văn ngắn gọn trong khoảng 30 phút suy nghĩ", anh bộc bạch. (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0018

Lí giải cho việc lựa chọn hình thức này, anh Quang cho biết khi nghiên cứu thị trường, anh nhận ra mức giá chung của gốm sứ ngoại khó thể nào tiếp cận được nhiều người vì khá "chát". (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0029

Trong quá trình nghiên cứu về gốm sứ, anh thấy gốm sứ Nhật rất đặc thù, khác với những gì nhiều người nghĩ. Không đơn thuần là những món đồ dùng trong gia đình, gốm sứ Nhật đối với anh "còn mang trên mình những giá trị riêng về văn hóa và nghệ thuật rất lớn". (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0009

Vì thế, anh chọn hình thức bán theo kg. Anh giải thích: "Mình mong muốn những vị khách đến cửa hàng cảm nhận gốm mà không phải lo về giá, bỏ qua thói quen nhìn giá từng món. Khi đó, mọi người sẽ tập trung hơn vào việc thưởng thức và chiêm ngưỡng các sản phẩm mĩ nghệ, những gì các nghệ nhân muốn truyền đạt". (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0003

Thực tế anh cho biết bản thân đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người về gốm sứ. Nhiều người đến rồi về tay không, nhưng hôm sau lại cùng bạn bè, người thân và gia đình để "thưởng gốm" và luận bàn về kiến thức gốm sứ Nhật cùng anh chủ. (Ảnh: Tất Đạt).

20190928_115536

Anh Quang cho biết cửa hàng đón được 70-100 lượt khách, bán được 300-500kg gốm sứ mỗi ngày, chưa kể số lượng bỏ sỉ. Theo đó, doanh thu hàng tháng của cửa hàng có thể lên đến 1 tỉ đồng. Doanh thu cao nhưng theo anh Quang mức chi phí bỏ ra cho việc thuê mặt bằng, nhân viên không hề rẻ, nên lợi nhuận hàng tháng của cửa hàng chỉ ở mức ổn định. (Ảnh: Tất Đạt).

IMG_0036

Việc bán theo kg khiến một số người lo ngại liệu chăng đây đều là những sản phẩm phổ thông, kém chất lượng. Anh Quang khẳng định: "Những sản phẩm gốm, sứ Nhật thuộc hàng cao cấp nhưng phù hợp anh vẫn chọn cách bán này". (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0007

Chị Tuyết Hồng lặn lội từ Bình Dương đến đây mua gần 80 kg gốm. Chị chia sẻ: "Bình thường khi mình mua các sản phẩm gốm ngoài chợ giá cũng ngang ngửa ở đây, nhưng gốm Nhật chất lượng hơn và hoa văn, họa tiết đẹp, tinh xảo hơn". (Ảnh: Tất Đạt).

20190928_115924

Nhiều sản phẩm được chế tác thủ công với hoa văn, họa tiết mang đậm phong cách của xứ sở hoa anh đào. Có loại còn lưu giữ chữ kí của nghệ nhân ở mặt đáy. (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_9996

Anh Quang thừa nhận bản thân cũng từng gặp gốm kém chất lượng đội lốt hàng Nhật. Anh tư vấn: "Cách tốt nhất để phân biệt gốm Nhật chất lượng là có máy móc cho ra số liệu cụ thể về kĩ thuật. Nhưng với những người mới, chúng ta có thể phân biệt bằng cách nhìn vào hoa văn, họa tiết trên sản phẩm vì gốm Nhật đi liền với văn hóa như văn hóa tối giản, văn hóa bất hoàn hảo,…". (Ảnh: Tất Đạt)

_MG_0030

Cụ thể, các sản phẩm gốm Nhật theo văn hóa tối giản thường có cách phối màu rất hài hòa và có những họa tiết đặc trưng như hình hoa đào, con cá, con thỏ,... Dòng gốm nổi tiếng của Nhật là gốm ngũ sắc có năm màu, thuộc gam màu nóng nhưng khi được kết hợp theo nét văn hóa tối giản, chúng không làm người nhìn bị rối mắt. (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_9993

Ngoài ra, có những sản phẩm gốm thủ công nhìn vẻ ngoài khá thô, gồ ghề được chế tác theo văn hóa bất hoàn hảo của người Nhật. Bất hoàn hảo tức không có gì là hoàn hảo, nên đừng cố tìm kiếm những điều không thể. Đó là thông điệp mà những nghệ nhân Nhật muốn truyền tải qua những sản phẩm gốm. (Ảnh: Tất Đạt).

IMG_9988

Ngoài chuyện kinh doanh, anh Quang muốn hướng cửa hàng trở thành nơi giao lưu, trao đổi kiến thức của những người có đam mê với gốm Nhật. "Phần lớn mọi người ở đây đều biết nhau, đến cửa hàng trò chuyện, uống trà. Có những vị khách ghé cửa hàng mỗi ngày, dù không lựa được sản phẩm nào nhưng vẫn rất vui vẻ". (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0048

Chủ cửa hàng là một chàng trai 28 tuổi. Anh đã có những dự án kinh doanh riêng cho mình trước đó, đến với gốm sứ chỉ là một cơ duyên. Quang cho biết đây chỉ là nghề tay trái của mình. Cửa hàng giúp anh tìm được niềm vui trong cuộc sống. Mỗi ngày, anh đều được giao lưu với nhiều gương mặt quen thuộc, đồng điệu về tâm hồn. Nhìn lại quá trình kinh doanh, anh cho rằng: "Đây là cả một quá trình hạnh phúc". (Ảnh: Tất Đạt).

_MG_0043

Cửa hàng luôn cố gắng nhập về sản phẩm mới mỗi ngày để phục vụ nhu cầu "thưởng gốm" của khách. Việc này cũng là cách để cửa hàng hướng mọi người đến sở thích sưu tầm gốm sứ thay vì đơn thuần là đi mua những đồ gia dụng cần thiết. Trung bình, mỗi lần nhập hàng, cửa hàng sẽ có đến 5-7 tấn gốm, sứ mới. (Ảnh: Tất Đạt).

20190928_115548

Đặc biệt cửa hàng này vẫn giữ nguyên hình thức truyền thống. Anh cho rằng: "Áp dụng livestream bán hàng online và giao hàng sẽ làm thay đổi 'hệ sinh thái' kinh doanh của cửa hàng. Khách phải tự mình đến đây và cầm trên tay những sản phẩm gốm mới thấy được vẻ đẹp của nó". (Ảnh: Tất Đạt).

Cửa hàng bán gốm Nhật 80.000 đồng/kg, tiêu thụ nửa tấn gốm mỗi ngày. (Video: Nhật Sang).