Gặp ‘cha đẻ’ của trực thăng ‘made in Việt Nam’

Đam mê máy bay từ nhỏ, sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, người kỹ sư thương binh đã cho ra đời hai chiếc máy bay trực thăng mang thương hiệu Việt Nam.
cha de cua truc thang made in viet nam Cận cảnh chiếc trực thăng 'made in Việt Nam' do kỹ sư ở Bình Dương tự chế

Thời gian qua, người dân cả nước không khỏi ngưỡng mộ và tự hào khi ông Nguyễn Bùi Hiển (62 tuổi, ngụ TX Thuận An, Bình Dương), thương binh hạng 4/4 là “cha đẻ” của 2 chiếc trực thăng “made in Việt Nam”, đã chế tạo thành công chiếc máy bay trực thăng tự lái. Chiếc máy bay mang tên “Giấc mơ” đã được cất cánh và bay treo thành công.

cha de cua truc thang made in viet nam
Kỹ sư Bùi Hiển (bìa phải) bên chiếc trực thăng "Giấc mơ" mang thương hiệu Việt Nam.

Tiếp chúng tôi tại một góc sân bên trong garage ôtô, người kỹ sư thương binh kể lại quá trình gian nan suốt 6 năm tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời chiếc máy bay trực thăng có thể cất cánh trên bầu trời như hiện nay bằng giọng đầy hứng khởi.

Vốn là con nhà nòi có truyền thống chế tạo cơ khí lại có đam mê chơi máy bay mô hình từ nhỏ nhưng mãi đến năm 2010, sau khi giao lại toàn bộ công việc quản lý gara ô tô cho con trai ông mới bắt đầu đến với đam mê chơi máy bay mô hình 3D.

Việc chơi máy bay mô hình rất tốn kém, khi thiết bị hư hỏng có thể mất đến tiền triệu để sửa chữa hoặc thay mới. Do không đủ điều kiện để theo đuổi máy bay mô hình nhưng niềm đam mê về máy bay trong ông là bất tận nên ông quyết định sẽ tự nghiên cứu để làm ra chiếc may bay do chính mình cầm lái.

cha de cua truc thang made in viet nam
Chiếc trực thăng của kỹ sư Bùi Hiển. Ảnh: Văn Dũng

Vậy là tháng 4/2010, ông bắt đầu tìm tòi tài liệu để nghiên cứu chế tạo máy bay trực thăng. Bước đầu, ông bỏ rất nhiều thời gian lên Internet thu thập tài liệu kỹ thuật. Tuy nhiên sách vở vẫn là lý thuyết, vì nhiều lần thử nghiệm các thiết kế đều không thể vận dụng cho ra sản phẩm.

Sau bao công sức mày mò, nghiên cứu, đầu năm 2012, kỹ sư Bùi Hiển đã chế tạo thành công chiếc trực thăng hai cánh quạt quay đồng trục ngược chiều nhau, điều khiển bằng bánh lái dạng cánh bướm. Động cơ của chiếc trực thăng được chế tạo bằng động cơ của xuồng cao tốc. Tuy nhiên, chiếc trực thăng này không thỏa mãn được ước muốn của ông Hiển, mặc dù nó bay được.

Không nản chí, người thương binh già tiếp tuc bỏ thêm hai năm nữa để nghiên cứu, tìm tòi , cuối cùng cũng cho ra đời chiếc trực thăng thứ hai hiện đại và an toàn hơn rất nhiều so với chiếc cũ.

Ông Hiển chia sẻ: “Ngoài việc bay, cất cánh, hạ cánh nhẹ nhàng và rất êm mà kể cả khi gặp sự cố, chết máy đột ngột thì chiếc trực thăng vẫn có thể hạ cánh một cách an toàn tuyệt đối nhờ vận dụng “biến” cánh quạt thành một cái chong chóng nâng đỡ trực thăng khi rơi xuống”.

cha de cua truc thang made in viet nam
Máy bay sử dụng động cơ máy 170 mã lực (HP), động cơ này được nhập từ Mỹ (Nhật sản xuất, còn được sử dụng cho xe đua F1). Ảnh: Văn Dũng

Để “Giấc mơ” có thể bay ổn định, ông Hiển cho biết mình đã bỏ ra khá nhiều chi phí thuê một công ty Đài Loan để đúc cánh quạt bằng nhôm cao cấp. “Giấc mơ” có chiều dài 7,4 m, cao 2,4 m. Chiều dài cánh quạt chính là 6,6 m và chiều dài cánh quạt phía sau là 1,1 m. Động cơ máy bay được nhập từ Mỹ (Nhật sản xuất, còn được sử dụng cho xe đua F1).

Hệ thống chuyển động số bằng dây cua-roa được thay bằng hộp số của xe ô tô (loại 16 chỗ). Nhiên liệu được sử dụng cho trực thăng là xăng A92. Vận tốc tối đa khi bay của trực thăng đạt 200 km/giờ, trần bay dưới 500 m và tầm hoạt động liên tục trong 2 giờ với khoảng 400 km.

cha de cua truc thang made in viet nam
“Tôi đã phải tập bay trong suốt 3 tháng qua mới có thể điều khiển được chiếc máy bay trực thăng tự chế, hoàn thành ước mơ cả đời của tôi”. Ảnh: Văn Dũng

Theo chia sẻ của "cha đẻ" của trực thăng “Giấc mơ”, sản phẩm này có trọng lượng 390kg, chưa tính thùng nhiên liệu nặng 15kg và trọng lượng của phi công. Với động cơ hiện tại, thực tế máy bay có khả năng nâng tới 600kg, nhưng tổng trọng lượng nói trên hiện chỉ mới hơn 450kg.

“Tôi đã phải tập bay trong suốt 3 tháng qua mới có thể điều khiển được chiếc máy bay trực thăng tự chế, hoàn thành ước mơ cả đời của tôi”, ông thương binh già cười khà khà.

Khi bước vào khoang lái và khởi động, tiếng động cơ vang lên giòn giã, cánh máy bay rít gió đều đặn, ông cầm trục lái tay nắm cần số từ từ cho máy bay cất cánh ngay trong xưởng giữa tiếng vỗ tay tán thưởng của nhiều người.

Do giới hạn của nhà xưởng nên "phi công” Bùi Hiển chỉ biểu diễn nâng lên trên mặt đất hơn một mét rồi điều khiển xoay vòng rẽ trái, rẽ phải. “Cha đẻ” của chiếc trực thăng khẳng định, việc máy bay của ông nâng khỏi mặt đất coi như đã có thể cất cánh được.

Ông Hiển cho biết thêm, hiện ông đã gia nhập Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam đồng thời làm đề tài sáng chế khoa học để Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam đứng ra xin phép Bộ Quốc phòng để bay thử nghiệm chiếc trực thăng tự chế mang tên "Giấc mơ" của mình.

Ước muốn lớn nhất của ông Bùi Hiển là sẽ được cấp phép bay thử nghiệm sau đó chiếc trực thăng có thể được đưa vào phục vụ trong nông nghiệp, khảo sát, quay phim, chụp ảnh và tìm kiếm cứu nạn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.