Tăng trưởng GDP vượt 7% và những con số đáng chú ý của kinh tế Việt Nam năm 2019

Năm nay, dù thế giới và trong nước có nhiều biến động, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP trên 7%. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp, Việt Nam xuất siêu. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi vẫn phức tạp, gần 6 triệu con heo bị tiêu huỷ đang dồn nhiều sức ép lên vai người tiêu dùng khi giá thực phẩm đang tăng lên.

Tăng trưởng GDP lần thứ hai liên tiếp đạt trên 7%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2019 của Việt Nam tăng 7,02% so với cùng kì 2018. Con số này được Tổng cục nhận xét là "ấn tượng" khi vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.

Việt Nam duy trì tốc độ tăng vượt triển vọng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 chỉ là 2,6%, thấp hơn mức 3% của năm 2018. Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 đạt 3%, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Mức tăng trưởng năm nay của Việt Nam tuy thấp hơn mức tăng 7,08%  năm 2018, nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011-2017. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng đóng góp 45%.

GDP tăng trên 7% và những con số ấn tượng về kinh tế Việt Nam trong năm 2019 - Ảnh 1.

Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Trước đó, hàng loạt tổ chức trên thế giới đều dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chững lại trong năm 2019, vì không nằm ngoài quỹ đạo của nền kinh tế toàn cầu, phần nhiều do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài suốt 17 tháng.

Hồi đầu tháng 12, Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra dự đoán GDP năm 2019 của Việt Nam năm 2019 ước tính vào khoảng 6,8%. Hai năm tới, tốc độ này có thể lùi về 6,5%.

Ngoài ra, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm xuống còn 6,7% trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, Fitch vẫn cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lạc quan hơn, Ngân hàng DBS Bank cũng đưa ra dự báo trong thập niên tới, Việt Nam vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 6% - 6,5% cho nền kinh tế quốc dân. Với đà này, kinh tế Việt Nam sẽ vượt Singapore vào năm 2029.

Gần 6 triệu con heo bị tiêu huỷ do dịch tả châu Phi

Năm nay, Tổng cục Thống kê nhận định: "Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do hạn hán, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng". Tuy nhiên, đại hạn của ngành nông nghiệp phải kể đến là dịch tả heo châu Phi lây lan trên cả nước gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi và ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Chăn nuôi heo trong năm 2019 chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả châu Phi. Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 19/12/2019, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 8.527 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành. Tổng cục Thống kê công bố tổng số heo tiêu hủy gần 6 triệu con, tương đương với tổng trọng lượng 340,8 nghìn tấn, chiếm 8,9% tổng sản lượng thịt cả nước.

Điều này làm cho tổng đàn heo của cả nước đến tháng 12/2019 giảm 25,5% so với cùng thời điểm năm 2018. Kéo theo đó, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước tính đạt 3.289,7 nghìn tấn, giảm 13,8% so với năm 2018.

GDP tăng trên 7% và những con số ấn tượng về kinh tế Việt Nam trong năm 2019 - Ảnh 2.

Dịch tả heo châu Phi đã lan rộng toàn quốc, gần 6 triệu con bị tiêu huỷ, kéo giá heo hơi tăng gấp 3 lần so với đầu năm. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đến nay, dịch tả heo châu Phi tại nhiều địa phương từng bước được kiểm soát, số lượng heo tiêu hủy giảm nhiều. Hiện cả nước có 109.000 con giống cụ kị, 2,5 triệu con nái thương phẩm đủ đáp ứng nhu cầu tái đàn.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch tả đang đè nặng lên vai người tiêu dùng những ngày cuối năm. Giá heo hơi từ tháng 11 đến nay liên tục tăng và đã lên đến mốc 100.000 đồng/kg heo hơi. Giá heo thịt cũng đã lên trên 200.000 đồng/kg đẩy giá nhiều loại thực phẩm, hàng ăn uống tăng mạnh ngay những ngày cuối năm, Tết Nguyên đán sắp đến. 

38 tỉ USD vốn ngoại đổ vào nền kinh tế

Năm 2019, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh cả về số lượng, vốn đăng kí và số lao động so với năm 2018.

Cụ thể, số thành lập mới năm nay đạt mức kỉ lục 138,1 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng kí bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỉ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây, dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Theo khảo sát của Ngân hàng HSBC, gần như toàn bộ các công ty Việt Nam (97%) tin rằng doanh số bán sẽ tăng trưởng trong năm tiếp theo. Con số này cao hơn trung bình toàn cầu và tại châu Á - Thái Bình Dương (lần lượt là 79% và 77%). HSBC cho biết quan điểm trong trung hạn tại Việt Nam thậm chí còn tươi sáng hơn, với 100% các công ty kì vọng doanh số bán sẽ tăng trong vòng 5 năm tới.

GDP tăng trên 7% và những con số ấn tượng về kinh tế Việt Nam trong năm 2019 - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp Việt Nam rất lạc quan về tình hình kinh doanh trong tương lai. (Đồ họa: Tất Đạt).

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định: "Việt Nam là một trong những thị trường lạc quan nhất về thương mại quốc tế, và các doanh nghiệp có lí do để lạc quan".

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay đã ghi thành tích ấn tượng. Tổng vốn tính đến 20/12/2019 bao gồm vốn đăng kí cấp mới, vốn đăng kí điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38 tỉ USD, tăng 7,2% so với năm 2018.

Theo DealStreetAsia, các giao dịch đáng chú ý bao gồm pha rót vốn của Warburg Pincus cho ví điện tử MoMo; SoftBank và quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC đầu tư khoảng 300 triệu USD vào VNPAY, một nền tảng thanh toán kĩ thuật số.

GDP tăng trên 7% và những con số ấn tượng về kinh tế Việt Nam trong năm 2019 - Ảnh 4.

Doanh nghiệp Việt Nam hút được nhiều vốn ngoại trong năm 2019. (Ảnh: Thời Báo Chứng Khoán).

Năm 2019 cũng đánh dấu các giao dịch đầu tiên cho một loạt các công ty cổ phần tư nhân quốc tế. 

Advantage Partners rót tiền vào nhà bán lẻ thời trang Elise, tiếp theo là tài trợ của TA Associates cho công ty SaaS MISA JSC và Kaizen Private Equity tài trợ cho chuỗi dạy tiếng Anh Yola. 

Gần nhất, Baring Private Equity Asia đạt được thỏa thuận đầu tiên tại Việt Nam với việc mua lại Trung tâm tiếng Anh của Hiệp hội Việt - Mỹ....

Xuất siêu gần 10 tỉ USD

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu  vượt mốc 500 tỉ USD, đạt 516,96 tỉ USD, tăng 8% so với năm 2018. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay, ước đạt gần 263,45 tỉ USD, vượt nhập khẩu 9,9 tỉ USD.

Năm 2019 đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 243,483 tỉ USD, xuất siêu hơn 6,795 tỉ USD trong năm 2018.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 222,172 tỉ USD, chiếm khoảng 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong 34 nhóm hàng công nghiệp chế biến chủ yếu, có tới 26 nhóm đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD trở lên. Đặc biệt, có 8 nhóm đạt hơn 5 tỉ USD và 3 nhóm hàng đạt trên 30 tỉ USD.

Hầu hết các thị trường trọng điểm của Việt Nam đều có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Trong đó, thị trường EU và Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất nước ta, kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 38 tỉ USD và 37,4 tỉ USD.

GDP tăng trên 7% và những con số ấn tượng về kinh tế Việt Nam trong năm 2019 - Ảnh 5.

Việt Nam đã có năm thứ 4 liên tiếp xuất siêu, giá trị lên đến 10 tỉ USD. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Trong năm 2019, có 4 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 10 tỉ USD, chiếm 45,8%. Nổi bật là nhóm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 51,6 tỉ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 36,6 tỉ USD; điện thoại và linh kiện đạt 14,7 tỉ USD.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 75,3 tỉ USD; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 47,3 tỉ USD; thị trường ASEAN đạt 32,1 tỉ USD...