HSBC: Việt Nam là một trong những thị trường lạc quan nhất thế giới

Với nhiều chỉ số cao hơn thế giới, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định: “Việt Nam là một trong những thị trường lạc quan nhất về thương mại quốc tế”.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC, HSBC Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa với doanh nghiệp, các công ty Việt Nam đang kì vọng một tương lai kinh doanh tươi sáng, được tiếp sức bởi một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và triển vọng quốc tế.

Việt Nam sẽ tận dụng tốt lợi ích từ thương mại quốc tế

Cuộc khảo sát toàn cầu thường niên đối với các nhà quản lí thuộc 9.131 công ty tại 35 thị trường, cho thấy gần như toàn bộ các công ty Việt Nam (97%) tin rằng doanh số bán sẽ tăng trưởng trong năm tiếp theo. Con số này cao hơn trung bình toàn cầu và tại châu Á - Thái Bình Dương (lần lượt là 79% và 77%).

39% các công ty tại Việt Nam kì vọng tăng trưởng cao, với mức tăng ít nhất 15% trong năm tới, gần gấp đôi con số trung bình toàn cầu (22%). HSBC cho biết quan điểm trong trung hạn tại Việt Nam thậm chí còn tươi sáng hơn, với 100% các công ty kì vọng doanh số bán sẽ tăng trong vòng 5 năm tới.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-05 lúc 22

Các doanh nghiệp Việt Nam rất lạc quan về tình hình kinh doanh trong tương lai. (Đồ họa: Tất Đạt).

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định: "Việt Nam là một trong những thị trường lạc quan nhất về thương mại quốc tế, và các doanh nghiệp có lí do để lạc quan". 

Ông phân tích nền kinh tế Việt Nam đang ở vào vị thế rất tốt, với mức tăng trưởng 7,1% năm 2018, cao nhất trong vòng 10 năm vừa qua. Mức tăng trưởng quý III/2019 vừa được công bố là 7,31% sẽ là động lực cho tốc độ tăng của nền kinh tế được duy trì.

Ngoài ra, thu nhập và tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đang gia tăng, lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh mẽ và khu vực dịch vụ đang góp phần quan trọng trong tăng trưởng của toàn nền kinh tế. 

"Việt Nam vẫn duy trì động lực tốt để tận dụng được những lợi ích từ thương mại quốc tế trong những năm tới", ông nhấn mạnh.

Tại Hội nghị đầu tư 2019 được tổ chức ngày 5/11, TS Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lí kinh tế trung ương, cho biết mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 10 năm tới là "tối thiểu đạt mức trung bình 7,5%/năm". Về mục tiêu này, theo ông, Việt Nam có nhiều thuận lợi và khó khăn. 

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, trở thành trung tâm đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, nền dân số vàng, thị trường nội địa rộng mở được cho là nội lực mạnh khi kết hợp với chiến lược chuyển hướng của các nhà đầu tư trước tác động thương chiến Mỹ - Trung... 

Châu Á - Thái Bình Dương là đối tác thương mại chính của doanh nghiệp Việt

Cuộc khảo sát cũng cho thấy các công ty Việt Nam chủ yếu tập trung vào các nước láng giềng trong thương mại quốc tế, với 45% công ty nói châu Á - Thái Bình Dương là đối tác thương mại chính của họ trong hiện tại.  41% coi đây tiếp tục là đối tác chặt chẽ trong tương lai năm năm nữa. Châu Âu và Bắc Mỹ là 2 thị trường triển vọng theo sau.

HSBC công bố các thị trường chủ đạo ở châu Á - Thái Bình Dương theo khảo sát là Trung Quốc và Nhật Bản, khi hai thị trường này tiếp tục được nhắc tới trong việc mở rộng kinh doanh 5 năm tới.

Bản thân Việt Nam cũng là một thị trường hấp dẫn để mở rộng kinh doanh, với những yếu tố nổi trội là cơ hội hợp tác tiềm năng và khả năng dễ dàng tiếp cận các nhà cung cấp mới.

20191105_Infographic_Navigator 2019

Các nước APAC sẽ là đối tác thương mại đứng đầu của nhiều doanh nghiệp Việt. (Nguồn: BC HSBC).

Các công ty Việt Nam lạc quan khi nói tới những tác động của thương mại quốc tế. Trong 5 năm tới, 98% doanh nghiệp khảo sát tin rằng thương mại quốc tế sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong khi 96% nói rằng thương mại quốc tế sẽ mang lại những cơ hội kinh doanh mới và gia tăng hiệu quả. Những con số trên đều cao hơn so với toàn cầu và khu vực.

Theo đó, hơn 1/3 số doanh nghiệp khảo sát đang nghiên cứu việc áp dụng các công nghệ số để tăng cường chuỗi cung ứng, gia tăng tốc độ đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường và tiến tới gần hơn với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, HSBC cảnh báo việc thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao tiếp tục là rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ và đầu tư vào kĩ năng mới cho đội ngũ lao động.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng các công ty Việt Nam đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững với sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp, cũng như để thu hút và giữ chân nhân tài. Ngày càng có nhiều công ty ở Việt Nam (28%) tin rằng kì vọng tăng trưởng doanh số bán của họ được dẫn dắt thông qua chiến lược phát triển bền vững.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.