Các công ty Hàn Quốc đang tăng cường mở văn phòng, lập liên doanh và xây dựng nhà máy tại Việt Nam, khi muốn tìm kiếm các cơ hội trong khu vực...
Khi mà thị trường tại Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất Hàn Quốc, ngày càng bão hòa, các công ty Hàn Quốc đã tìm thấy một giải pháp thay thế bền vững hơn: đầu tư vào Việt Nam.
Các công ty Hàn Quốc đã tiến vào Việt Nam từ những năm 1990, chủ yếu là Hà Nội và TP HCM. Từ giữa những năm 2000, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã thay đổi từ các ngành công nghiệp nhẹ, như dệt may, sang các ngành công nghiệp nặng như điện tử.
Nhu cầu về một điểm đến thay thế đã tăng lên, vì nhiều công ty đang cố gắng giành được chỗ đứng tại Trung Quốc bắt đầu gặp phải các vấn đề liên quan đến việc mua lại và các thỏa thuận khác.
Chuỗi giá trị toàn cầu đang thay đổi do cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các công ty đẩy nhanh đầu tư vào Việt Nam.
"Các công ty Hàn Quốc đang tăng cường mở văn phòng, thành lập liên doanh và xây dựng nhà máy tại Việt Nam, khi họ muốn tìm kiếm các cơ hội trong khu vực", ông Lim Jae-hoon, tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP HCM cho biết. "Họ đang thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam".
Nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng từ 6% đến 7% hàng năm trong những năm gần đây, trong khi tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc chỉ dao động trong phạm vi 2 phần trăm.
Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với khối lượng thương mại giữa 2 nước đạt 63,9 tỉ USD trong năm 2017 ". Sau khi Hàn Quốc và Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (FTA) vào năm 2015, khối lượng thương mại giữa hai nước đã tăng 40%", ông Lim nói.
Quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc trong vòng 6 năm qua.
Các tập đoàn lớn như Samsung Electronics, LG Electronics, Hyosung Group và Kumho Asiana Group đã đầu tư vào các tổ hợp sản xuất lớn tại Việt Nam. Năm 2018, Tập đoàn Hanwha đã đầu tư 400 triệu USD vào Vingroup. Trong khi đó, Tập đoàn SK đã đầu tư 470 triệu won vào Masan Group.
Tập đoàn Lotte đã mở rộng kinh doanh khách sạn và bất động sản với sự phát triển của Khách sạn Lotte Hà Nội và mua lại Khách sạn Legend Saigon tại TP HCM. Ngoài các doanh nghiệp phát triển bất động sản, công ty đã đưa ra kế hoạch tăng số lượng chuỗi cửa hàng giảm giá (Lotte Mart) lên 60 vào năm 2020.
Một tập đoàn bán lẻ khổng lồ khác là Tập đoàn CJ đã tăng cường sự hiện diện của mình trên nhiều lĩnh vực gồm thực phẩm, giải trí và hậu cần. Năm nay, CJ Cheiljedang đã hoàn thành việc xây dựng một nhà máy chế biến thực phẩm tại Khu công nghiệp Hiệp Phước tại TP HCM để sản xuất bánh bao Bibigo, kim chi cũng như các mặt hàng thực phẩm đông lạnh khác.
CJ CGV, chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam, hiện vận hành 78 rạp phim trên toàn Việt Nam.
CJ Logistics đã mua lại phần lớn cổ phần của hai công ty con về vận tải và hậu cần thuộc công ty Gemadept năm 2017. Công ty cũng hợp tác với một hãng hàng không giá rẻ trong kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trong năm 2018.
Không chỉ các tập đoàn, mà các ngân hàng thương mại đã đổ xô đến Việt Nam để thu hút khách hàng mở thẻ và cung cấp các khoản vay cho người vay tại địa phương.
Ngân hàng Shinhan Việt Nam hiện đang vận hành 36 chi nhánh trên khắp Việt Nam, và đã tăng cường sự hiện diện bằng cách ra mắt trụ sở ngân hàng đầu tư thương mại và giới thiệu dịch vụ quản lí tài sản cá nhân.
Các nhà phân tích giải thích rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các công ty vì đất nước có môi trường kinh doanh thuận lợi.
Hầu hết các thủ tục hành chính đã được cải cách, để cung cấp các điều kiện tốt nhất cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh, theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA).
Việt Nam cũng có lợi thế về địa lí trong khu vực nằm trên tuyến đường biển kết nối với châu Âu và các nước châu Á khác. Thị trường lao động của nó với công nhân trẻ là một điểm hấp dẫn, KOTRA nhận xét.
"Vài năm trước, chính phủ Việt Nam đã đơn giản hóa thủ tục hải quan và thuế để khuyến khích đầu tư nhiều hơn từ người nước ngoài", ông Yoon Joo-young, Tổng Giám đốc tại KOTRA TP HCM, chia sẻ.
"Mức lương thấp chắc chắn là một yếu tố đưa các công ty Hàn Quốc đến đây, nhưng lí do chính là để đảm bảo chất lượng, cũng như các hoạt động hậu cần".
Ông Yoon cũng đã đề cập đến TP HCM, với GDP bình quân đầu là 5.538 USD, cao hơn mức 3.500 USD tại Hà Nội và trung bình cả nước là 2.215 USD.
"Bởi vì TP HCM giàu hơn các thành phố khác và có tầng lớp trung lưu, nên thành phố này đã có thể thu hút một số công ty cao cấp," ông nói. "Ngoài ra, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam rất giống với người Hàn Quốc".
Thế hệ 8X và 9X là những người tiêu dùng chính ở đây, và vì vậy lĩnh vực dịch vụ cũng đang bùng nổ.
"Hiện nay, phần lớn những người chi tiêu cao là những người ở độ tuổi 40. Họ chi tiền cho giáo dục, nhu yếu phẩm hàng ngày và các thiết bị điện tử", ông Yoon nói.
"Những người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu có xu hướng chi tiền mua ô tô và bất động sản, giống như người Hàn Quốc."
Theo ông, sự gia nhập của các công ty Hàn Quốc vào Việt Nam đã góp phần vào sự chuyển đổi cơ cấu công nghiệp của Đông Nam Á.
"Chúng tôi đang chứng kiến sự chuyển đổi từ công nghiệp nhẹ sang công nghiệp nặng. Việc Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhanh trong tương lai hay không phụ thuộc vào việc quá trình chuyển đổi đó sẽ diễn ra như thế nào", ông nói.
Tuy nhiên, Yoon chỉ ra rằng bối cảnh kinh doanh của Việt Nam cũng có một số điểm yếu, chẳng hạn như thiếu cơ sở hạ tầng hay việc cải cách khu vực công chưa hoàn thiện.